Ông Nguyễn Gia Liêm – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước
Không thể phủ nhận những mặt tích cực, đặc biệt là kinh tế mà xuất khẩu lao động mang lại cho người dân nông thôn, tuy nhiên, ẩn sau đó là những hệ lụy, rủi ro mà người lao động luôn phải đối mặt. Quá nhiều vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động như phí môi giới bị đội lên quá mức qui định, hàng loạt những rủi ro người lao động gặp phải… Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
Thực tế là hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài những năm vừa qua tăng rất mạnh. Năm 2018 là năm thứ năm liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Theo thống kê, trong năm vừa rồi cả nước có tổng số 142.860 lượt lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 30% so với kế hoạch đề ra và bằng 106,7% so với năm 2017. Cụ thể, lao động đi làm việc tại Đài Loan là 60.369 người, Nhật Bản có 68.737 người, Hàn Quốc 6.538 người, Ả Rập Xê út 1.920 người, Malaysia 1.102 người… Đóng góp của xuất khẩu lao động là giải quyết được gần 10% so với lao động việc làm trong nước.
Đây là những tín hiệu tích cực, tuy nhiên, với số lượng lao động tăng như thế thì những vấn đề tồn tại, hạn chế là tất yếu, đặc biệt là vấn đề nhiều người lao động bị thu phí quá cao số với qui định.
Về mức phí thì đã có qui định trong Luật đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài và các văn bản hướng dẫn về quy định của nhà nước cho phép doanh nghiệp được thu đối với thị trường Nhật là không quá 3.600 USD, Đài Loan không quá 4.000 USD, Hàn Quốc không quá 630 USD… Tuy nhiên, xuất phát từ thực trạng người lao động thiếu thông tin, nghe theo tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi nước ngoài nên vẫn phải đóng tiền môi giới cao hơn qui định.
Chính vì thói quen tiếp cận thông tin của người dân chưa thật sự chính thống, nên thường nghe theo thông tin đưa ra từ những người thân quen, thông qua mạng xã hội (facebook, zalo…) không chính xác. Chiêu trò của các thông tin để lừa người lao động thường là các thông tin giả mạo các doanh nghiệp có giấy phép XKLĐ, lắp ghép các thông tin chính thống như tuyển lao động kỹ sư, trình độ cao nhưng không cần giấy tờ chứng minh hay bằng cấp có thể hoàn thiện sau… Nói cách khác, môi giới dụng tâm lý và sự cả tin của người lao động để lừa đảo.
Chúng tôi khuyến cáo người lao động cần liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp tuyển dụng được cấp phép của Bộ LĐTBXH khi muốn đi làm việc ở nước ngoài để được tư vấn và đăng ký đi làm việc ở nước ngoài.
Hàng năm Cục Quản lý lao động ngoài nước luôn chú trọng công tác thanh kiểm tra để xử lý những DN làm sai quy định, ban hành các văn bản nghiêm cấm các doanh nghiệp thu phí quá cao, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân. Tuy nhiên, nhiều người lao động khi đi làm việc nước ngoài chưa nhận thức được các quyền lợi của mình nên khi nộp tiền đã không yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hóa đơn, chứng từ khi nộp tiền, dẫn đến thực trạng cơ quan quản lý khi thanh kiểm tra rất khó xử lý.
Chính vì vậy, công tác khả dĩ nhất vẫn là tuyên truyền, với người lao động trong quá trình tham gia ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài cần tham gia đầy đủ khóa học bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi; Cần đọc kỹ hợp đồng trước khi ký; cần yêu cầu công ty cung cấp đầy đủ phiếu thu có đóng dấu tròn của công ty kèm theo hợp đồng có nội dung nộp tiền…
Có một thực tế hiện nay, các công ty môi giới xuất khẩu lao động mọc lên như nấm, hệ thống môi giới len lỏi về các vùng nông thôn tuyển dụng, tuy nhiên, người lao động ở các vùng nông thôn lại có quá ít thông tin đẫn đến việc họ bị móc túi ngay tại quê nhà. Với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã làm gì?
Vấn đề này tương đối phức tạp và khó khăn. Khi chúng tôi nhận được thông tin tố cáo các DN thu phí của người lao động quá cao cũng tổ chức thanh, kiểm tra nhưng rất khó để chứng mình vì đó là thỏa thuận giữa DN và người lao động.
Thực tế hiện nay, hoạt động xuất khẩu lao động là một lĩnh vực thu hút nhiều cá nhân, tổ chức tham gia vào nhằm trục lợi bất chính do lợi dụng vào tâm lý muốn được ra nước ngoài làm việc một cách nhanh chóng và sự hiểu biết chưa đầy đủ của người dân nên đã xảy ra rất nhiều vụ việc lừa đảo. Vì vậy, nhằm nâng cao nhận thức, giảm thiểu rủi ro cho người lao động trong việc đi làm việc ở nước ngoài, Cục thường xuyên phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và công khai thông tin về các doanh nghiệp được cấp phép, doanh nghiệp bị đình chỉ và doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép, thông tin về các đơn hàng được Cục thẩm định chấp thuận cho doanh nghiệp triển khai trên trang Thông tin điện tử của Cục (www.dolab.gov.vn) để người dân được biết và tránh các DN, cá nhân không có tư cách pháp nhân và không có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này.
Khuyến cáo người lao động, khi nộp tiền phải yêu cầu DN cung cấp phiếu thu hợp lệ, tránh tình trạng như nhiều lần chúng tôi yêu cầu, người lao động chỉ cung cấp phiếu thu trên đó không có thông tin về DN, không có chữ ký, con dấu…
Thực trạng lao động gặp rủi ro tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… theo ông, trách nhiệm của các công ty môi giới lao động đến đâu? Cục có biện pháp, phương pháp gì để bảo vệ quyền lợi của người lao động?
Trong quá trình làm việc ở nước ngoài, người lao động thường gặp phải những rủi ro nhất định, thường là không có đầy đủ kiến thức pháp luật của nước sở tại dẫn đến vi phạm pháp luật, nhà máy phá sản, mất việc làm, thiên tai, chủ sử dụng cố tình không trả, trả không đầy đủ tiền lương, tiền công…
Vấn nạn môi giới lao động thu phí quá cao so với quy định vẫn còn hết sức nan giải
Thông thường những vấn đề phát sinh của người lao động ở nước ngoài cần vai trò giải quyết chính là DN đưa đi, nếu những vấn đề phát sinh không được DN giải quyết kịp thời sẽ phát sinh thành vấn đề lớn..Theo qui định, khi người lao động gặp phải những rủi do như trên cần liên hệ với người đại diện của công ty phái cử ở nước sở tại để được hỗ trợ giải quyết, đồng thời liên hệ với cơ quan lao động nước sở tại đề nghị hỗ trợ giải quyết. Trong trường hợp công ty phái cử không hỗ trợ giải quyết hoặc giả quyết không thỏa đáng thì người lao động cần liên hệ với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại để được hỗ trợ.
Cục đã có những quy định liên quan đến việc quản lý lao động ở nước ngoài là một trong những khâu quan trọng mà DN phải thực hiện. Đối với mỗi thị trường, có những quy định riêng về việc bắt buộc DN phải cử người đại diện ở nước sở tại để quản lý lao động.
Ngoài ra, các thông tin liên quan đến địa chỉ, số điện thoại của người đại diện DN, cơ quan quản lý lao động nước sở tại và Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại đều phải được đưa vào Chương trình giáo dục định hướng trước khi đi làm việc ở nước ngoài cho người lao động.
Hiện nay, các nước tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia…. vẫn tiếp tục tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc, thậm chí ngày càng mở rộng nhiều hơn các ngành nghề dành cho lao động Việt Nam. Riêng với thị trường Hàn Quốc, do số lượng lao động ở lại làm việc không về nước sau khi hết hạn hợp đồng còn cao nên phía Hàn Quốc áp dụng biện pháp không cho phép các lao động của những địa phương có nhiều lao động trốn ở lại tiếp tục sang Hàn Quốc làm việc, nhưng chỉ tiêu về số lượng đưa đi hàng năm mà Hàn Quốc giành cho Việt Nam vẫn tăng hàng năm.
Cục có quy định rõ ràng về chi phí đối với từng thị trường, kiểm tra quá trình tuyển chọn của DN…tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật của NLĐ, có trách nhiệm cao hơn với bản thân khi muốn ra nước ngoài làm việc.
Có nguyên nhân chủ quan từ phía người lao động và khách quan. Việc hỗ trợ giải quyết những vấn đề phát sinh với người lao động trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài là trách nhiệm chính của DN đưa đi và đặc biệt là trách nhiệm của chính người lao động, khi hai bên không thỏa thuận được thì Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ can thiệp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mỗi bên theo pháp luật.
Không khó để “bắt quả tang” DN thu phí quá cao Năm 2018, Cục QLLĐ ngoài nước xử phạt 17 DN với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Lỗi vi phạm thường gặp là đào tạo không đầy đủ, không kịp thời giải quyết vụ việc phát sinh… Trong khi cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đang gặp khó khăn trong việc “bắt quả tang” DN thu phí cao thì thực trạng này vẫn đang diễn ra phổ biến. Vào vai những người có nhu cầu xuất khẩu lao động, liên hệ một số công ty môi giới được đánh giá là “uy tín” ở TP Hà Nội. Bằng hàng loạt các chiêu thức tuyển dụng, trong đó phổ biến nhất là cam kết làm tăng ca thêm giờ để tạo thêm thu nhập cho người lao động, các công ty môi giới thu từ 5000 – 5.700 USD đối với một đơn hàng ở thị trường Đài Loan. Tuy nhiên, số tiền này chỉ là phần cứng, các công ty môi giới xuất khẩu còn thu thêm của người lao động hàng loạt chi phí khác như tiền học tiếng, tiền khám sức khỏe, tiền đặt cọc, tiền làm giấy tư pháp…
Tại Công ty CP Quốc tế Trường Hải ở địa chỉ Số 31 Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, nhân viên môi giới của công ty này tư vấn cho PV như sau: Phí đi xuất khẩu lao động Đài loan hiện dao động từ 4.500 USD – 5.700 USD. Ngoài ra, người đi lao động phải đóng thêm 2,5 triệu đồng tiền học tiếng, 850 nghìn tiền khám sức khỏe tại Bệnh viện Tràng An. Việc khám chỉ định có thể “giúp” người lao động bị viêm gan vẫn có thể đi được. Chưa hết, sau khi đóng toàn bộ các khoản ở Việt Nam, khi sang Đài Loan, hàng tháng người lao động phải đóng 2.500 Đài tệ tiền ăn ở, tiền bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế mỗi tháng khoảng 800 tệ., phí quản lý lao động… Quy đổi tiền Việt mỗi tháng từ 3,5-4 triệu đồng.
Bình luận (0)