"Hiện nay, lo lắng lớn nhất của anh chị em công nhân (CN) là nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi hoành hành khắp nơi. Đối tượng cho vay tìm đủ cách tiếp cận CN, nhất là những người đang gặp khó khăn về tài chính để dụ dỗ cho vay tiền với lãi suất cắt cổ. Khi trở thành con nợ và không có khả năng thanh toán, họ bị hăm dọa, đánh đập, xiết tài sản, thậm chí dọa giết, phải bỏ trốn đi nơi khác. Ở công ty tôi đã có 3 CN phải bỏ việc đi trốn nợ". Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Dương, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH TM&DV Siêu thị Big C An Lạc, tại hội nghị giao ban dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Quận ủy và LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM phối hợp tổ chức mới đây.
Công nhân khó tiếp cận vốn vay
Ông Dương cho biết trước đây, để hỗ trợ các trường hợp gặp khó khăn về tài chính, CĐ công ty có phối hợp với Tổ chức Tài chính vi mô CEP cho người lao động (NLĐ) vay vốn, trả dần trong thời hạn 12 tháng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà CN chỉ trả lãi được vài tháng rồi bỏ, buộc CĐ phải sử dụng nhiều khoản thu khác để trả thay, đến khi không kham nổi phải dừng triển khai chương trình. Sau đó, ban giám đốc công ty cũng cho CN vay tối đa 2 tháng lương (không lãi suất) và trả dần từng tháng nhưng nhiều người ngại không dám vay mà tìm đến tín dụng đen.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân. Ông Nguyễn Đình Tâm, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết do không thể tiếp cận nguồn vốn vay chính thống nên khi gặp khó khăn đột xuất nhiều CN phải "vay nóng" bên ngoài. Theo ông Tâm, do thủ tục vay tiền qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng chính thống phức tạp, đôi khi đòi thế chấp tài sản nên CN nghèo ít tìm đến. "CN muốn vay vốn CEP thì phải được công ty bảo lãnh và điều này có thể gây rủi ro cho doanh nghiệp (DN). Do vậy, lãnh đạo công ty không chịu bảo lãnh, dẫn đến NLĐ không thể tiếp cận nguồn vay" - ông Tâm cho biết.
Cán bộ Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam phát biểu ý kiến tại hội nghị giao ban
Ông Phạm Đình Quý, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Dinsen Việt Nam, cũng cho hay lãi suất vay từ CEP khá thấp nên có nhiều CN có nhu cầu vay vốn từ nguồn này. Thế nhưng nhiều năm qua, công ty vẫn chưa thể phối hợp với CEP để triển khai. Nguyên nhân do số lượng CN vay đông thì CĐ không thể thu nợ xuể, trong khi CEP không có người thu hộ.
Phản hồi ý kiến của đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở về tình trạng tín dụng đen, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó trưởng Công an quận Bình Tân, cho biết Công an quận đã khởi tố và bắt giam một số đối tượng cho vay nặng lãi. Thời gian tới, Công an quận sẽ phối hợp với CĐ quận đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp CN nhận biết và tránh xa các đối tượng cho vay nặng lãi. "Anh chị em CN thường nghĩ rằng nếu vay mà không trả được thì trốn. Đây là suy nghĩ sai lầm bởi các đối tượng cho vay rất hung dữ và lắm thủ đoạn. Do vậy, anh chị em CN nên có ý thức phòng ngừa để bảo vệ bản thân" - ông Phong khuyến cáo.
Lo lắng nạn cướp giật
Cùng với sự bùng nổ của tín dụng đen, tình trạng chơi hụi, vỡ hụi tại các DN cũng xảy ra phổ biến và gây bất an cho NLĐ.
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, cho biết thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ vỡ hụi ở DN, gây thiệt hại cho CN hàng tỉ đồng. Hiện công ty vẫn tồn tại một số đường dây hụi và người đứng đầu chủ yếu là các cán bộ quản lý. "Thời gian qua, không chỉ khuyến cáo anh chị em CN, chúng tôi còn theo dõi hoạt động các đường dây này để có biện pháp chấn chỉnh. Tuy nhiên, hành động của người đứng đầu đường dây hụi rất tinh vi nên không thể xử lý triệt để" - ông Nghiệp thông tin thêm.
Không chỉ bị bủa vây bởi hụi, tín dụng đen, tình trạng trộm cắp tại các khu nhà trọ, cướp giật, trấn lột CN đi làm về ban đêm, nạn buôn bán lấn chiếm vỉa hè, kẹt xe… cũng gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống, việc làm của cả CN lẫn DN. Bà Đinh Thị Hoa - chủ tịch CĐ một DN đóng ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân - cho hay đã có một số CN của công ty bị cướp trấn lột khi đi làm về vào ban đêm ở khu vực gần giao lộ Hồ Học Lãm - Võ Văn Kiệt. Sau những vụ việc này, tâm lý CN lo lắng, bất an.
Còn bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong, cho hay tình trạng buôn bán hàng rong gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của DN lẫn đời sống, việc làm của CN. "Xe hàng rong bày bán tràn lan trước cổng công ty, bít luôn cả lối vào đã nhiều năm nhưng không dẹp được dù chúng tôi đã nhờ chính quyền địa phương can thiệp, xử lý. Nhiều khách hàng khi đến công ty thương thảo hợp đồng không thể vào bên trong nên đành quay về, dẫn đến việc DN mất luôn hợp đồng. Chúng tôi mong mỏi chính quyền sớm xử lý dứt điểm tình trạng này" - bà Thu bức xúc.
Tạo thuận lợi cho công nhân vay vốn
Ông Nguyễn Văn Vịnh, Giám đốc Chi nhánh CEP Bình Tân, cho biết so với các tổ chức tín dụng - ngân hàng khác, thủ tục cho vay vốn từ CEP khá đơn giản, chỉ cần phiếu đăng ký và giấy xác nhận của công ty về việc NLĐ có nhu cầu vay vốn đang làm việc tại đơn vị. CEP không yêu cầu NLĐ phải có giấy bảo lãnh từ giám đốc công ty như phản ánh. Hiện nay, CEP cũng đã thực hiện việc thu nợ hằng tháng thông qua tài khoản ngân hàng, chi phí chuyển tiền do CEP thanh toán.
Sắp tới, CEP sẽ phối hợp với VietinBank hỗ trợ vốn cho NLĐ tại một số DN trả lương cho NLĐ qua thẻ ATM. Khi đó, nếu NLĐ có nhu cầu vay vốn chỉ cần chuyển đổi tài khoản nhận lương hằng tháng qua VietinBank sẽ được CEP giải quyết vay.
Bình luận (0)