Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3-2017, Chính phủ đã thống nhất đề xuất điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) quy định tại Điều 57 Luật Việc làm từ 1% xuống còn 0,5% quỹ tiền lương tháng của NLĐ đang tham gia BHTN, để tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp (DN).
Đánh giá tác động xã hội của việc điều chỉnh này, bà Nguyễn Thị Hải Vân - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định: “Chủ trương giảm mức đóng BHTN đối với NSDLĐ đến hết 31/12/2019 là một chủ trương đúng đắn, cần thiết. Giảm đóng BHTN, quyền lợi NLĐ vẫn được đảm bảo”.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Phóng viên: Thưa bà, BHTN là một chính sách rất nhân văn bởi nó huy động được trách nhiệm của cộng đồng đối với lực lượng lao động. Theo bà, Nghị quyết số 35/NQ-CP (chủ trương giảm mức đóng BHTN đối với NSDLĐ đến năm 2020) có tác động như thế nào?
- Để kịp thời hỗ trợ DN, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, trong đó có nội dung rà soát, nghiên cứu đề xuất chế độ bảo hiểm hợp lý để DN thích ứng và sử dụng lao động phù hợp. Đây là Nghị quyết triển khai những kiến nghị của DN tại cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với DN ngày 29-4-2017. Nghị quyết này thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong việc đổi mới môi trường kinh doanh và hỗ trợ DN thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với cộng đồng DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Hiện nay, DN phải đóng khoảng 34% quỹ lương các loại phí, bảo hiểm và là mức đóng cao nhất trong khu vực Asean.
Theo số liệu của GSO, tăng trưởng kinh tế quý I/2017 là 5,1%, đây là mức thấp so với cùng kỳ năm 2015 và 2016 (5,48% và 6,12%), dự báo tình hình kinh tế năm 2017 và các năm tiếp theo sẽ nhiều khó khăn hơn thuận lợi khi cạnh tranh trở nên gay gắt hơn trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, năng suất lao động vẫn ở mức thấp trong khu vực và trên thế giới.
Mặt khác, kết dư Quỹ BHTN ước tính đến cuối năm 2016 là 58.668 tỷ đồng (theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam). Dự báo đến năm 2020, nếu giữ nguyên mức đóng BHTN như quy định hiện hành, Quỹ BHTN vẫn đảm bảo an toàn.
Do đó, trên tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP nêu trên, chủ trương giảm mức đóng BHTN đối với NSDLĐ đến năm 2020 (hết 31-12-2019) là một chủ trương đúng đắn, cần thiết.
Tại sao chỉ giảm mức đóng BHTN cho NSDLĐ mà không giảm cho NLĐ thưa bà?
Với mục tiêu giảm chi phí cho DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh, tạo điều kiện để phát triển DN trên tinh thần Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP và Nghị quyết số 97/NQ-CP nên cần thiết giảm mức đóng vào Qũy BHTN đối với NSDLĐ.
Việc giảm mức đóng BHTN đối với NSDLĐ cũng là hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo điều kiện để bảo vệ vị trí việc làm, phòng tránh thất nghiệp cho NLĐ tại DN. Quyền lợi của NLĐ và NSDLĐ về BHTN vẫn được đảm bảo đầy đủ (các chế độ: trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ học nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm và bảo hiểm y tế đối với NLĐ; chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm đối với NLĐ của NSDLĐ) nếu giảm mức đóng BHTN đối với NSDLĐ.
Tại một số nước có quy định trách nhiệm đóng của NLĐ và NSDLĐ là như nhau, mức đóng cụ thể được quy định hằng năm dựa trên dự toán chi năm đó. Tuy nhiên, ở nước ta, theo quy định tại Điều 57 Luật việc làm, NLĐ đóng 1%, NSDLĐ đóng 1%, Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% và do ngân sách trung ương đảm bảo. Như vậy, việc đóng BHTN của NLĐ, NSDLĐ được quy định theo mức đóng cụ thể mà không quy định về nguyên tắc đóng vào Qũy BHTN giữa các bên. Thêm vào đó, Quỹ BHTN là quỹ ngắn hạn sẽ tăng giảm theo từng thời kỳ, do đó, việc giảm mức đóng BHTN đối với NSDLĐ là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, sau đó tiếp tục đánh giá và nghiên cứu đề xuất điều chỉnh mức đóng đối với NLĐ nếu thấy cần thiết.
Có ý kiến cho rằng chi từ Qũy BHTN chỉ chi cho trợ cấp thất nghiệp mà chưa chi cho các chế độ khác?
-Theo báo cáo của các địa phương bất kỳ NLĐ đang đóng BHTN bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Tất cả những NLĐ có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp và đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm đều được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp và các chế độ khác theo quy định hiện hành.
Hiện nay, Quỹ BHTN đang chi cho các chế độ trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, bảo hiểm y tế đối với NLĐ; chi để thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm đối với NLĐ được đảm bảo từ kinh phí chi quản lý BHTN. Riêng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ thì hiện nay, chưa có DN nào đủ điều kiện được hưởng chế độ này theo Điều 47 Luật việc làm.
Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề đều tăng năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt năm 2016 số người được giới thiệu việc làm tăng 26% so với năm 2015, số người được hỗ trợ học nghề tăng 17% so với năm 2015 do đa số người thất nghiệp là lao động phổ thông đời sống khó khăn không có nguồn dự trữ hoặc hỗ trợ khác nên khi bị mất việc người lao động chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vì vậy, tâm lý chung là muốn có tiền để duy trì cuộc sống rồi mới tính đến tìm việc làm hoặc học nghề.
Giảm mức đóng các loại bảo hiểm... Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ LĐ-TB-XH có đề xuất để hỗ trợ DN?
- Những năm vừa qua, khi DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: gia hạn thời gian nộp thuế GTGT, giảm tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp tiền thuế đất đối với một số DN, gia hạn nộp đối với thuế thu nhập DN,...
Trên tinh thần của Nghị quyết số 35/NQ-C , trong khuôn khổ chức năng nhiệm vụ của Bộ LĐ-TB&XH, về các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, sau khi nghiên cứu tình hình thực hiện và kết dư Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, Quỹ BHYT, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và Quỹ BHTN thì:
- Quỹ BHYT hiện nay có nguy cơ âm.
- Quỹ BHXH bắt buộc là quỹ dài hạn, việc giảm mức đóng BHXH bắt buộc sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi về BHXH như chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất... sau này của NLĐ
Đối với 2 quỹ ngắn hạn là Qũy bảo hiểm tai nạn lao động và Quỹ BHTN, Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ về giảm mức đóng vào Qũy tai nạn lao động từ mức 1% xuống 0,5% quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội; đối với Qũy BHTN, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng vào Quỹ BHTN đối với NSDLĐ quy định tại Điều 57 Luật việc làm.
Nếu giảm mức đóng BHTN đối với NSDLĐ từ 1% xuống 0,5% thì tổng thu BHTN mỗi năm giảm khoảng 25%. Tính trên tổng thu BHTN năm 2016 là 11.728 tỷ đồng, như vậy, mỗi năm DN đã được hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ đồng từ việc giảm mức đóng BHTN để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện cho DN giảm bớt chi phí đầu ra, giảm áp lực lên giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo điều kiện để phát triển DN trong bối cảnh kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Do đó, tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 7-4-2017 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Chính phủ thống nhất đề xuất điều chỉnh mức đóng BHTN đối với NSDLĐ quy định tại Điều 57 Luật việc làm từ 1% xuống 0,5% với thời gian điều chỉnh từ ngày Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2019.
Giảm mức đóng BHTN thì có phát sinh thêm thủ tục hành chính không thưa bà?
Việc ban hành Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng vào Qũy BHTN đối với NSDLĐ chỉ là giảm mức đóng BHTN, không làm thay đổi thủ tục hành chính về BHTN nên vẫn đảm bảo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện BHTN.
Hai năm nay, Nhà nước không hỗ trợ Qũy BHTN? Tại sao Nhà nước không đóng mà NLĐ và NSDLĐ lại phải đóng?
Theo quy định tại Điều 57 Luật việc làm, NLĐ đóng 1%, NSDLĐ đóng 1%, Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% và do ngân sách trung ương đảm bảo. Việc hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước đối với Qũy BHTN không chỉ đơn thuần là sự đóng góp tài chính mà đó còn được coi như bằng chứng thể hiện sự cam kết, sự sẵn sàng của Nhà nước đối với các chính sách an sinh xã hội. Do đó, Quỹ BHTN không thể không có phần hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, kết dư Qũy BHTN cao hơn 2 lần tổng chi các chế độ BHTN và chi phí quản lý BHTN nên theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP thì Ngân sách Nhà nước tạm thời không hỗ trợ Qũy BHTN. Điều này nhằm giảm bớt gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo độ an toàn Qũy BHTN.
Ông Hà Đình Bốn -Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH):
Đảm bảo khả năng chi trả của Quỹ BHTN
Việc điều chỉnh mức đóng vào Quỹ BHTN đối với NSDLĐ quy định tại Điều 57 Luật việc làm chỉ là tạm hoãn thực hiện một phần của Điều 57 Luật việc làm. Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, cơ quan soạn thảo đã tiến hành đánh giá tình hình thi hành pháp luật về BHTN, trong đó đã đánh giá về thu – chi BHTN, kết dư Quỹ BHTN, dự báo Quỹ BHTN; đánh giá tác động về việc điều chỉnh mức đóng vào Quỹ BHTN đối với NSDLĐ quy định tại Điều 57 Luật việc làm. Chính phủ đã dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, đăng tải nội dung dự thảo Nghị quyết trên trang thông tin điện tử của cơ quan soạn thảo để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến; tổ chức các cuộc hội thảo để lấy ý kiến của chuyên gia, của các đối tượng liên quan về dự thảo Nghị quyết; lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan và NSDLĐ và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
-Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, Bộ LĐ-TB-XH đã đánh giá các tác động tích cực, tiêu cực của việc giảm mức đóng vào Qũy BHTN đối với NSDLĐ và dự báo tình hình thu – chi BHTN, độ an toàn Qũy BHTN. Đây là quỹ ngắn hạn, kết dư Quỹ BHTN ước tính đến cuối năm 2016 là 58.668 tỷ đồng (theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam), dự báo đến năm 2020, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn nên có thể đảm bảo rằng việc điều chỉnh mức đóng BHTN như tại dự thảo Nghị quyết vẫn đảm bảo khả năng chi trả của Qũy BHTN, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của NLĐ và NSDLĐ trong việc hưởng các chế độ BHTN.
Bình luận (0)