Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa có văn bản đề xuất, góp ý một số nội dung lớn trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), trong đó đáng chú ý là quan điểm về tăng tuổi nghỉ hưu, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi...
Nên để NLĐ được quyền nghỉ hưu sớm
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện nay xu hướng tăng tuổi nghỉ hưu cơ bản diễn ra ở các nước thiếu lao động, trong khi Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tình hình thiếu việc làm và thất nghiệp ở mức 2%/năm, tỉ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi 1,46%, mỗi năm trung bình có khoảng 1,2 triệu người bước vào thị trường lao động. Việt Nam cũng đồng thời bước vào thời kỳ già hóa dân số, việc quy định tuổi nghỉ hưu phải tính toán cân nhắc kỹ lưỡng, phải tính toán đến nhu cầu có việc làm của lực lượng lao động trẻ (trong bối cảnh nước ta giảm biên chế) và nguyện vọng của một bộ phận người lao động (NLĐ) lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc.
Làm việc kéo dài sẽ gây nên những hệ lụy đến tương lai của người lao động và con cái
Nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là những DN sử dụng nguồn nhân công trực tiếp, không muốn sử dụng lao động lớn tuổi cho những công việc trực tiếp sản xuất. Rất nhiều DN tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều công nhân (CN) từ 35-45 tuổi do độ tuổi càng lớn thì sức khỏe, độ nhanh nhạy, kỹ năng làm việc của NLĐ càng giảm, trong khi phải trả lương cao vì thâm niên làm việc. Tổ chức Công đoàn cho rằng tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao nhưng thực tế sức khỏe của người dân chưa tốt. Trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh và phải chịu gánh nặng bệnh tật kép. Nữ giới sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm, trong khi tính chất công việc, môi trường làm việc, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động chậm được cải thiện. Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, tuy nhiên, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là CN trực tiếp sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. "Đối với NLĐ bị suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn đến 10 năm so với quy định. Công thức tăng tuổi nghỉ hưu theo các nhóm có thể được khái quát: công chức (tăng tất cả), viên chức (tăng một bộ phận lớn), CN (chỉ tăng một bộ phận nhỏ) và mức tăng đối với lao động nữ chỉ nên là 58 tuổi" - Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu quan điểm.
Giảm giờ làm của công nhân
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết theo số liệu khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam thuộc nhóm nước có thời giờ làm việc cao nhất thế giới và khu vực. Cụ thể, về thời giờ làm việc bình thường, theo số liệu khảo sát đối với 154 nước và vùng lãnh thổ của ILO, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên), cùng với khoảng hơn 40 nước khác. Trong khi đó, theo công bố của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thu nhập theo đầu người năm 2018 của Việt Nam đứng thứ 121/187, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, cao hơn 66 quốc gia, vùng lãnh thổ. Myanmar là quốc gia có thu nhập đầu người kém hơn Việt Nam 4 bậc nhưng họ đã thực hiện chế độ tuần làm việc 44 giờ và một năm nghỉ lễ, Tết 21 ngày.
Về thời gian nghỉ phép, trong số 155 nước khảo sát, trừ 6 quốc gia không có quy định thì Việt Nam nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (12 ngày). Việt Nam cũng là nước thuộc nhóm có số giờ làm việc thực tế cao nhất thế giới (xếp thứ 3 với số giờ làm việc trung bình năm là 2.339,55 giờ). Trong 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam là nước có số giờ làm việc thực tế cao nhất. Số ngày nghỉ lễ, Tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực. Về giờ làm thêm, Việt Nam ở mức trung bình của thế giới. Nhưng hiện tượng vi phạm giờ làm thêm ở Việt Nam khá phổ biến, số giờ làm thêm thực tế ở nhiều DN cao gấp 2 đến 2,5 lần so với pháp luật quy định. Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, cách đây 7 năm trong khi nước ta còn là nước nghèo (nay đã trở thành nước có thu nhập trung bình), Quốc hội đã quan tâm và dự liệu đến xu hướng giảm giờ làm, thể hiện tại điều 104 Bộ Luật Lao động 2012 với quy định "Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ". Từ năm 1999, Việt Nam đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần trong các cơ quan nhà nước.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, làm việc kéo dài sẽ gây nên những hệ lụy lớn cho tương lai đối với NLĐ và con cái họ. Trong khi đó, để tạo nên năng suất và hiệu quả lao động, theo tính toán của các chuyên gia trong nước và quốc tế, sức lao động và thời giờ làm việc của NLĐ chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ. Yếu tố tác động nhiều nhất là thiết bị, máy móc, công nghệ và năng lực quản trị của DN. Do đó, ngoài đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của NLĐ từ "48 giờ trong một tuần" xuống "44 giờ trong một tuần" và giữ nguyên phương án 2 điều 105 để đưa vào Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) xin ý kiến Quốc hội.
Tiền làm thêm không đủ bù đắp các chi phí
Nhiều cuộc khảo sát, điều tra đời sống CN của Viện CN và Công đoàn và của các tổ chức khác cho thấy rõ ảnh hưởng xấu của thời giờ làm việc kéo dài đến cuộc sống của NLĐ, từ mất cơ hội tìm bạn đời, thể hiện tình cảm, quan tâm chăm sóc giữa vợ - chồng đến thực hiện trách nhiệm chăm sóc con cái, tác động đặc biệt lớn đến nhóm lao động có con nhỏ. Tiền lương làm thêm giờ đối với phần lớn NLĐ không đủ bù đắp các chi phí xã hội như thuê người đón con, trông con ngoài giờ hoặc tái sản xuất sức lao động.
Bình luận (0)