Trong Dự thảo BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo phân tính của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, quy định về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu là 20 năm dẫn đến nhiều người không đủ kiên nhẫn, rời bỏ hệ thống BHXH. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số người hưởng BHXH một lần lớn và có xu hướng tăng nhanh. Do vậy, nếu giảm năm đóng BHXH xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, dự báo sẽ giúp giảm số người rút BHXH một lần ít nhất khoảng trên 10.000-40.000 người/năm.
Theo các chuyên gia lao động, nguyên tắc đóng BHXH để có lương hưu là tích lũy cả đời. Việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm sẽ khuyến khích người dân đóng BHXH tự nguyện, giảm tình trạng rút BHXH lần. Tuy nhiên, điều mọi người băn khoăn, đó là khi giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm có thể dẫn tới lương hưu thấp, khó đảm bảo mức sống tối thiểu. Bởi tiền lương hưu căn cứ vào mức đóng BHXH và thời gian đóng (tiền đóng cao, thời gian dài thì lương hưu cao và ngược lại).
Góp ý xung quanh vấn đề này, số đông người lao động cho rằng, nếu giảm năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu thì cũng phải giảm tuổi hưu. Luật nên quy định số năm đóng BHXH thì cho mức hưởng hưu tương ứng, không nên quy định tuổi hưu, thì sẽ hạn chế lượng người rút bảo hiểm một lần. Bạn đọc Trần Thị Lại bày tỏ: "Giảm năm đóng BHXH cũng không ngăn được làn sóng rút BHXH 1 lần mà phải giảm tuổi nghỉ hưu. Nên đưa vào luật lao động người lao động đã đóng BHXH đủ 30 năm đối với nữ, 35 năm đối với nam chưa đến tuổi thì người lao động được nghỉ hưu mà không phải giám định sức khỏe".
Một bạn đọc tên Quang góp ý: "Tạo công ăn việc làm cho người dân là vấn đề then chốt của an sinh xã hội. Đừng nhìn nhận lương hưu như là nguồn sữa vô tận. Phải có đóng góp, và đóng góp đủ mới có được quả ngọt. Nếu chỉ đóng vài năm rồi hưởng hưu, khi nhận được đồng lương hưu ít ỏi thì lại nhận ra đó là quả đắng". Đồng quan điểm, bạn đọc Đỗ Đăng Đích khẳng định: "Vấn đề ở chỗ cần phải có công việc làm cho phù hợp với độ tuổi mới có thể giải quyết được vấn đề hưu trí như thế nào là thích hợp.
Theo một bạn đọc tên Bình, cái người lao động cần không phải là giảm số năm đóng BHXH, mà là giảm tuổi nghỉ hưu, đóng nhiều hưởng nhiều đóng ít hưởng ít, khi đã đủ 35 năm với nam thì được quyền lựa chọn nghỉ hưu hay tiếp tục. Chính sách đề xuất giảm xuống 15 năm chỉ là đối phó không giải quyết được vấn đề, người lao động cứ 14 năm 9 tháng rút 1 lần khỏi cần hưu.....Với bạn đọc Nguyễn Mạnh Kiểm, ai đóng nhiều hưởng nhiều đóng ít hưởng ít. Ai muốn nghỉ hưu sớm cũng được, tính trên tỉ lệ % năm đóng và nếu cần khống chế luôn số năm được hưởng. Vì nói thật tầm 60 mà hưởng lương hưu thì sống được mấy năm nữa đâu.
Bãn đọc Đỗ Văn Bích góp ý: "Cơ quan soạn thảo luật cần lắng nghe ý kiến xuất phát từ thực tiễn của người lao động một cách nghiêm túc và có trách nhiệm; Phân tích kỹ đặc thù, tính chất của các nhóm đối tượng lao động khác nhau đặc biệt là nhóm lao động hưởng lương Nhà nước với nhóm lao động do giới chủ trả lương và quyết định đến việc làm của họ. Trên cơ sở đó tính toán xây dựng chế độ nghỉ hưu và lương hưu linh hoạt đa tầng theo bậc thang trên nguyên tắc cân đối giữa đóng và hưởng. Vấn đề đang đặt ra là người lao động muốn được nghỉ hưu sớm khi bản thân thấy sức khỏe không còn đủ hoặc không có cơ hội để xin việc làm khác nếu bị mất việc khi tuổi đã cao. Chính giai đoạn này là lúc họ thực sự cần an sinh xã hội chứ không phải họ đòi hỏi được hưởng nhiều hơn mức họ đã đóng. Rõ ràng, nhóm lao động trong các do giới chủ trả lương và quyết định công việc của họ đang chiếm đa số trong hệ thống BHXH hiện nay do vậy Chính sách tính lương hưu, nghỉ hưu,...phải dựa trên thực tế và nhu cầu chính đáng của nhóm lao động này".
Bình luận (0)