Trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu
Liên quan đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có bài viết "Bao nhiêu công nhân trực tiếp làm việc đến khi nghỉ hưu?" và nhận được phản hồi tích cực của bạn đọc. Bạn đọc Ngọc Hoàn nêu thực tế: "Với công nhân lao động trong lĩnh vực may mặc hàng ngày đều làm từ mười giờ trở lên, một năm làm thêm từ 200 đến 300 giờ, đến tầm tuổi 50 cả nam lẫn nữ đều đã mắt kém sức khỏe yếu bệnh tật nhiều, thử hỏi làm sao có thể làm được đến 55 và 60 tuổi được". Tương tự, bạn đọc Lê Lưu nêu ví dụ: "Năm nay tôi 57 tuổi, làm thợ điện trong nhà máy sản xuất xi măng thế nhưng mỗi tháng tôi chỉ đi làm được 20 ngày vì ốm đau suốt. Mặc khác, vì tuổi lớn mắt thì kém, nhiều khi cài đặt, lập trình thiết bị điện dẫn đến sai sót gây tai nạn cho người vận hành. Đó hậu quả khôn lường gây không ít tổn thất cho người sử dụng lao động". Bạn đọc Đỗ Khắc Tuấn đặt câu hỏi: "Tính đến năm 2023, tôi đóng BHXH được 22 năm và 46 tuổi. Nếu theo luật đến 62 mới được nghỉ hưu, tức tôi còn 16 năm nữa, đến khi nghỉ hưu tôi đóng 38 năm. Xong tôi làm công nhân xây lắp điện, công việc khá vất vả, nặng nhọc. Không biết có quy đổi năm đóng thừa để nghỉ trước 62 tuổi được không”.
Một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Cứ thử xuống làm công nhân 1 ngày đứng suốt 8 tiếng lao động không được ngồi đâu ạ, ròng rã suốt xem có thấy mòn mỏi, ngã quị không? Hãy để thực tế trả lởi chứ không thể nhìn nhận phiến diện". Bạn đọc Phạm Quốc Thắng cho biết: "35 tuổi đã không nhận vào làm rồi chứ nói gì 50-60 tuổi, công ty nào cũng chỉ cần người trẻ mà thôi". Tương tự, bạn đọc Thuận Nguyễn quả quyết: "Cũng không cần nói nhiều, các nhà làm luật cứ lấy thống kê mấy công ty may mặc, giày da và cơ khí xem còn bao nhiêu phần trăm công nhân trên 55 tuổi sẽ rõ vấn đề ngay".
Góp ý hoàn thiện chính sách, bạn đọc Trần Quốc Bảo đề xuất: "Nên chăng làm một cuộc điều tra thống kê các độ tuổi lao động đang làm việc trong từng khu vực kinh tế thì sẽ thấy được hướng tuyển dụng và quản lý lao động của các nhà quản lý kinh tế, để có hướng xây dựng luật sát với thực trạng xã hội hiện nay". Bạn đọc Trần Bá Sỹ góp ý: "Không nên cố định tuổi nghỉ hưu, chỉ quy định tuổi tối thiểu nghỉ hưu của người lao động, ví dụ 55 tuổi và đóng BHXH tối thiểu 20 năm là được nghỉ hưu. Lương hưu phụ thuộc vào số năm đóng, mức đóng và tuổi nghỉ hưu". Cùng góc nhìn, bạn đọc Dương Thanh Phượng chia sẻ: "Không nên cào bằng tuổi về hưu vì công việc khác nhau sức khoẻ của người lao động cũng vậy. Thời gian đóng bảo hiểm 20 năm 30 năm là hợp lý nhưng tuổi về hưu thì nên để cho người lao động quyết định vì sức khỏe công việc nghỉ sớm thì ít đi tí. Mong rằng những nhà xây dựng luật thấu hiểu của người lao động chân tay". Theo bạn đọc Trần Doãn Hùng, công nhân lao động chỉ 50 tuổi đã bị sa thải, do vậy tốt nhất cứ đủ năm đóng BHXH là được về hưu.
Với bạn đọc Đinh Xuân Tình, cơ quan soạn thảo luật BHXH nên lắng nghe và xem xét thấu đáo rồi hãy đưa luật vào thực hiện. Nên tách rời khối lao động bằng chân tay ra khỏi khối lao động hành chính thì mới công bằng, chứ cào bằng như hiện nay là vô lý. Bạn đọc Phạm Thị Thu Sương hài hước: "Nếu người lao độnng được tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi tối đa 5 năm so với tuổi hưu quy định của năm và không bị trừ tỉ lệ lương hưu khi đủ thời gian đóng BHXH theo quy định nữ 30 năm, nam 35 năm sẽ đươc như mơ". Một bạn đọc tên Tuấn đề xuất: "Ban soạn thảo sửa luật bhxh lần này nên đi sát với thực tế của người lao động. Ví dụ không thể đánh đồng tuổi nghỉ hưu của người lao động là cán bộ công chức viên chức với người lao động có hợp đồng lao động trong các cơ quan nhà nước đơn vị sự nghiệp với các đối tượng lao động là lãi xe bảo vệ tạp vụ được vì là đối tượng lao động trực tiếp nên sức khỏe thường là bị giảm sút? Cần có chế độ nghỉ hưu đa tầng?
Bạn đọc Ngọc Sang viết: "Đề nghị sửa Luật BHXH theo định hướng mới của xã hội. Nâng tỉ lệ tiền đóng hàng tháng lên; Lấy mốc tối thiểu 15 hay 20 năm, tối đa 30 năm đóng BHXH thì được quyền nghỉ với mốc tối đa 75%. Lấy cơ sở năm đóng BHXH để tính tỉ lệ lương hưu. Không tính tuổi vì số tiền được nhận khi nghỉ hưu là số tiền "lãi" tiết kiệm mà người lao động tích lũy hàng tháng nộp vào BHXH". Bạn đọc Huỳnh An dứt khoát: "Cứ đóng đủ 15 hoặc 20 năm để người lao động tự quyết lãnh lương hưu hay đóng tiếp, ai không có khả tham gia BHXH nữa thì họ có thể lãnh lương hưu bao nhiêu % cũng được. Cứ đóng ít, hưởng ít". Theo nhiều bạn đọc, Luật BHXH nên quy định theo hướng mở về tuổi nghỉ hưu, thời gian đóng bảo hiểm, để mọi tầng lớp, mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực phấn khởi tham gia; ai có hoàn cảnh nghỉ hưu sớm thì cho họ nghỉ, ai muốn làm hoài thì làm, tiền của họ nên để họ quyết định.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc giảm số năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm tạo điều kiện cho nhiều người lao động tiếp cận chính sách hưu trí hơn. Đây là chính sách an sinh lâu dài khi lao động tuổi cao, vì ngoài lương hưu còn có quyền lợi khác như khám chữa bệnh, tử tuất...Việc này giảm thiểu tình trạng người lao động rút BHXH một lần. Tuy nhiên, về lâu dài, cơ quan chuyên môn cần hướng tới BHXH đa tầng, linh hoạt và khuyến khích thêm đối tượng tham gia.
Bình luận (0)