BHXH Việt Nam ngày 13-4 cho biết đến nay, tổng số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khoảng 12.960 tỉ đồng. Trong đó, nợ BHXH khoảng 10.000 tỉ đồng, nợ BHYT khoảng 2.000 tỉ đồng. Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 8.000 doanh nghiệp (DN) "mất tích", với số nợ BHXH lên đến 2.000 tỉ đồng. Đáng lưu ý là có hơn 100 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chủ DN đã bỏ trốn hoặc trong tình trạng "mất tích". Hậu quả của việc này là quyền lợi của hàng nghìn người lao động (NLĐ) bị treo. BHXH Việt Nam đánh giá số nợ này không có khả năng thu hồi.
Hiện cơ quan BHXH đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ BHXH tại những DN có chủ bỏ trốn, DN giải thể hoặc chấm dứt hoạt động nhưng sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH. Phương án thanh lý tài sản của chủ DN FDI bỏ trốn để giải quyết tiền nợ đóng BHXH cho NLĐ rất khó thực thi, bởi vốn đầu tư của các DN này không lớn, tài sản còn lại sau khi thanh lý thậm chí không trả đủ phần vốn vay của ngân hàng, nên nợ BHXH không được giải quyết. Hoặc trong một số trường hợp tài sản vốn liếng của doanh nghiệp lớn thì nợ BHXH cũng không được ưu tiên trước.
Công nhân một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thất thần khi hay tin chủ doanh nghiệp bỏ trốn, xủ quyền lợi BHXH
Để ngăn ngừa tình trạng nợ đọng BHXH, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, xử phạt nghiêm ngặt các DN nợ đọng BHXH kéo dài, đặc biệt thông báo tới những đơn vị nợ yêu cầu trong vòng 15 ngày phải trả nợ; cung cấp số liệu, danh sách đơn vị nợ cho tổ chức Công đoàn khởi kiện.
Quá bức xúc khi hay tin giám đốc bỏ trốn, công nhân tại một doanh nghiệp siết tải sản để cấn trừ nợ lương và BHXH
Trong năm 2018, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện thanh tra liên ngành và kiểm tra tại 30 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành và kiểm tra năm 2018 cụ thể cho 63 BHXH tỉnh, thành phố, trong đó đáng lưu ý là thanh tra 3.585 đơn vị sử dụng lao động.
Bình luận (0)