xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giỏi nghề, không lo mất việc

Bài và ảnh: HỒNG ĐÀO

Tự đào tạo hoặc liên kết với các trường và trung tâm, nhiều doanh nghiệp đã sở hữu đội ngũ lao động giỏi nghề, đáp ứng yêu cầu hội nhập

Sau một tháng học việc, chị Lê Thị Cẩm Hồng, công nhân (CN) Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao; quận 9, TP HCM), được ký hợp đồng chính thức. Chủ động đào tạo nghề cho người lao động (NLĐ) là chủ trương được Công ty TNHH Nidec Việt Nam thực hiện từ ngày mới thành lập.

Đi tắt đón đầu

Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty Nidec Việt Nam, cho biết CN mới sẽ phải trải qua 1 tháng học lý thuyết và thực hành trên dây chuyền. Trong thời gian này, họ cũng phải làm việc theo ca như người đã ký hợp đồng, phân biệt với CN cũ bằng một nơ màu xanh đeo bên trái vai áo. Đầu tiên, CN được huấn luyện ở công đoạn đơn giản, sau đó sẽ thao tác trên các thiết bị, máy móc đòi hỏi kỹ năng cao hơn. Sau 1 tháng học nghề, nếu được đánh giá tốt, CN sẽ được ký hợp đồng làm việc 1 năm.

“Để bảo đảm chất lượng đầu vào, từ 4 năm nay, công ty áp dụng chính sách chỉ tuyển dụng CN đã tốt nghiệp THPT. Khắt khe trong tuyển dụng và đào tạo là cách công ty chuẩn hóa nguồn nhân lực” - ông Hồng khẳng định.

Huấn luyện công nhân học việc tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam
Huấn luyện công nhân học việc tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam

Để chủ động nguồn nhân lực kế thừa và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nhiều năm qua, Công ty CP Cơ khí Tân Thanh (quận Thủ Đức, TP HCM) đã tạo điều kiện tối đa cho CN các trường nghề đến thực tập và tiếp cận công nghệ sản xuất. Xuyên suốt quá trình thực tập, công ty sẽ đánh giá khả năng hòa nhập công việc của sinh viên và sẽ mời họ ở lại làm việc nếu đáp ứng yêu cầu. Ban giám đốc còn mời chuyên gia hàng đầu của Công ty TNHH Hamar (Thụy Điển) đến huấn luyện nâng cao kỹ năng nghề cho đội ngũ kỹ thuật tại công ty.

Với sự chủ động ấy, Công ty CP Cơ khí Tân Thanh đã sở hữu đội ngũ kỹ sư, CN lành nghề được đào tạo bài bản. Ông Kiều Công Thanh, chủ tịch HĐQT công ty, cho biết: “Việc liên kết với các trường, trung tâm có lợi cả đôi bên, vừa tạo điều kiện cho sinh viên có nơi thực tập vừa giúp công ty chọn được những người ưu tú nhất”.

Sàng lọc thợ giỏi

Bên cạnh nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp (DN), nhiều CĐ cấp trên cơ sở cũng đã có những động thái tích cực để hỗ trợ NLĐ nâng cao trình độ, kỹ năng nghề. Một trong những đơn vị điển hình là CĐ Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn khi hằng năm phối hợp với Trường CĐ Công nghiệp In Hà Nội tổ chức lớp ôn luyện thi nâng bậc cho CN. Chương trình này được nhiều DN trực thuộc Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn ủng hộ. Qua 11 năm tổ chức, đã có hơn 1.000 lượt CN hưởng lợi từ chương trình.

Do CN theo học rất đa dạng, lại ở nhiều nghề khác nhau và bậc thợ không đồng đều nên công tác tổ chức lớp gặp không ít khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị chu đáo và phù hợp đặc điểm sản xuất ở từng đơn vị nên số CN theo học khá đông. Sau khi học và vượt qua phần thi lý thuyết, thí sinh thực hành ngay tại DN.

Do việc học và thi nâng bậc được tổ chức nghiêm túc, chất lượng nên không chỉ có những đơn vị trực thuộc tham gia mà các DN bên ngoài cũng cử CN đến thử sức. CN đạt yêu cầu được cấp chứng chỉ công nhận và đây cũng là cơ sở để DN xét nâng lương. Quan trọng hơn, khi có những chứng chỉ này, CN đến nơi khác làm việc vẫn được công nhận và trả lương theo đúng bậc thợ của họ. Theo ông Phạm Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, nhờ chương trình được duy trì thành nếp nên các DN ổn định được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong khi đó, đồng hành với CN, 5 năm qua, Công ty TNHH Sakos (quận 3, TP HCM) đều đặn tổ chức hội thi tay nghề may vali, ba lô tại đơn vị. Ông Văn Quốc Hải, phó giám đốc kỹ thuật công ty, cho biết: “Để tạo hứng khởi cho CN, nội dung thi được xây dựng bám sát yêu cầu thực tế công việc hằng ngày. Nội dung đồng đội giúp CN thể hiện khả năng làm việc nhóm. Riêng phần thi cá nhân, công ty cũng lựa chọn được những điển hình xuất sắc để đào tạo họ thành cán bộ quản lý”.

Ông GIANG VĂN NAM, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP HCM:

Tạo lợi thế cạnh tranh

Đào tạo và đào tạo lại tay nghề cho NLĐ là một xu thế tất yếu mà các DN phải chủ động thực hiện để có một nguồn nhân lực chất lượng cao, trước yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng nền kinh tế khu vực và thế giới. Sở hữu lao động giỏi nghề sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho DN thông qua chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Dừng lại là tụt hậu

Hướng dẫn chúng tôi đi tham quan các dây chuyền sản xuất hiện đại tại Nhà máy Ô tô thương mại SAMCO, ông Nguyễn Hồng Anh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO) - tự hào: “Trong quá trình đàm phán hợp tác với các đối tác, điều chúng tôi tính đến đầu tiên là nguồn nhân lực. Phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ để người lao động (NLĐ) không bị hụt hẫng khi tiếp cận công nghệ hiện đại. Do vậy, SAMCO luôn xem việc đào tạo và đào tạo lại tay nghề cho NLĐ là yêu cầu sống còn của doanh nghiệp (DN)”.

Từ một xí nghiệp nhỏ có chưa tới 100 lao động, đến nay, SAMCO đã vươn mình trở thành một tổng công ty chủ lực của TP HCM với hơn 10.000 người. Sản phẩm, dịch vụ của SAMCO không chỉ thuyết phục khách hàng ở chất lượng mà còn ở trình độ tay nghề, đặc biệt là thái độ phục vụ của NLĐ.

Để có được điều đó, hằng năm, HĐQT và ban tổng giám đốc SAMCO yêu cầu các đơn vị thành viên chủ động rà soát nguồn nhân lực tại chỗ và có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại tay nghề cho NLĐ. Định hướng sát sườn ấy cùng những chính sách hỗ trợ hợp lý từ tổng công ty đã giúp các DN nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững. Nhiều hội thi bàn tay vàng cũng được SAMCO tổ chức hằng năm nhằm tạo điều kiện cọ xát tay nghề cho thợ trẻ.

Với chính sách này, thợ giỏi SAMCO không chỉ khẳng định tên tuổi khi tham gia các giải thưởng giá trị trong nước mà còn liên tục được vinh danh tại các hội thi tay nghề trong khu vực. Kỹ sư Đặng Quế Hùng - Giám đốc Xí nghiệp Đóng xe chuyên dùng Cơ khí Ô tô An Lạc, người từng đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2010 - bày tỏ: “Bên cạnh chính sách hỗ trợ từ DN, người thợ cũng phải có ý thức hoàn thiện bản thân, cố gắng học tập nâng cao trình độ nếu như không muốn bị đào thải khỏi thị trường lao động”.

Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc hội nhập càng sâu rộng càng mở ra nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ song cũng đặt họ trước nhiều thử thách.

“Chắc chắn nguy cơ bị đào thải là có thật và NLĐ hiểu rõ điều này để xác định mục tiêu phấn đấu lâu dài cho bản thân. Nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng nghề là sự lựa chọn duy nhất để NLĐ thích nghi với xu thế chung và không bị tụt lại quá xa” - ông Chính nhìn nhận.

Đình Viên

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo