Phong cách trẻ trung, năng động cùng với thao tác tự tin, dứt khoát, thí sinh Nguyễn Khoa (nhà hàng Vietnam House) đã chiếm được trọn cảm tình của ban giám khảo và khán giả tại Hội thi Bartender (pha chế thức uống) do LĐLĐ quận 1, TP HCM phối hợp cùng Học viện Pha chế FNB Training tổ chức.
Cơ hội nâng cao tay nghề
Theo thể lệ hội thi, các thí sinh phải pha chế một món cocktail tự chọn và thuyết trình về sản phẩm của mình. Đến với hội thi, Khoa giới thiệu thức uống có tên "Sóng" gồm hỗn hợp trái cây, rượu và trứng. "Sóng" của Khoa có màu xanh biển do trích xuất từ hoa đậu biếc, bên trên có trang trí một chiếc dù nhỏ theo phong cách mùa hè rất bắt mắt.
Khoa cho biết ý tưởng hình thành tác phẩm từ sau lần anh đi nghỉ mát tại Vũng Tàu. Đứng trước biển và ngắm nhìn những con sóng nhấp nhô, anh như bị thôi miên và ấp ủ thực hiện một món nước uống độc đáo. So với các thí sinh khác, Khoa thua kém về tuổi đời lẫn tuổi nghề, nhưng anh có đủ sự tự tin khi đăng ký tham gia hội thi.
Thí sinh tranh tài tại Hội thi Bartender do LĐLĐ quận 1, TP HCM và Học viện Pha chế FNB Training tổ chức
Để có nguyên liệu thực hiện tác phẩm của mình, chàng trai trẻ này đã bỏ không ít thời gian khảo sát, tìm hiểu công dụng các loại thảo mộc, rau củ cũng như cách kết hợp giữa chúng. "Đoạt giải hay không không quan trọng, bởi tôi xem đây là cơ hội cọ xát, học hỏi kinh nghiệm pha chế từ các đàn anh đi trước. Muốn giỏi nghề, trước tiên phải sống trọn vẹn với đam mê" - Khoa bộc bạch.
Khoa cho biết sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh không thi đại học mà chọn học nghề pha chế. Sau một khóa huấn luyện, Khoa đã gắn bó với công việc pha chế mà mình yêu thích được 2 năm tại nhà hàng Vietnam House. Để nắm bắt khẩu vị của khách, Khoa chịu khó quan sát trang phục, phong cách, giới tính và cả sở thích từng người để phục vụ tốt. Theo Khoa, việc tham dự hội thi bartender giỏi cũng là cơ hội để anh kiểm chứng năng lực bản thân. "Thế mạnh của quận 1 là dịch vụ với hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán bar rộng khắp, do vậy mong muốn của chúng tôi qua việc tổ chức hội thi nghề bartender là để tìm kiếm và bồi dưỡng những tài năng pha chế chuyên nghiệp, làm nền tảng phục vụ du lịch chất lượng cao, qua đó tăng cường mở rộng và quảng bá nghề pha chế" - bà Hồ Như Cát Tường, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 1, bày tỏ.
Nâng chất nguồn nhân lực
Dự lễ khai giảng lớp thi nâng bậc nghề in do Công đoàn (CĐ) Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn kết hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp In Hà Nội (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức, tâm trạng của 121 thợ bậc cao rất phấn khởi. Họ càng vui hơn khi nội dung chương trình ôn lý thuyết (5 buổi) được xây dựng sát với đặc thù công việc hằng ngày. Nếu qua được phần lý thuyết, họ còn được thực hành ngay chính chiếc máy đang làm tại doanh nghiệp.
Nhằm giúp công nhân (CN) ngành in tiếp cận với kiến thức mới, đồng thời có cơ hội thi nâng bậc thợ, mỗi năm, CĐ Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn đều tổ chức chương trình này. Chương trình nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp lẫn CN bởi trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trong ngành in hiện nay, tay nghề người thợ đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định chất lượng sản phẩm. Theo dõi lớp học, chúng tôi ấn tượng với tinh thần trách nhiệm của các giảng viên đứng lớp khi họ luôn tận tình cung cấp kiến thức mới cũng như giải đáp cặn kẽ những vấn đề phát sinh trong công việc cho học viên. Ý thức được tầm quan trọng của lớp học nên ai nấy đều chú tâm lắng nghe, ghi chép. Chỉ CN thi thực hành đạt yêu cầu mới được Trường Cao đẳng Công nghiệp In Hà Nội cấp giấy chứng nhận công nhận bậc thợ và điều này đồng nghĩa với việc sẽ được nâng lương.
Đến với hội thi, anh Nguyễn Thanh Sơn, CN in của Công ty Phát hành sách FAHASA, rất tự tin. Anh Sơn có 20 năm làm việc tại công ty, là thợ 5/7 và đi học để nâng bậc thợ lên 6/7. "Ngày trước, tôi học nghề lái xe nhưng vào làm việc ở ngành in, nghề dạy nghề, người đi trước chỉ người đi sau, tôi không được học lý thuyết về nghề in nhưng có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, công nghệ in đổi mới từng ngày, tôi phải cập nhật để nâng cao tay nghề. Tôi nghĩ mình đủ khả năng để vượt qua kỳ sát hạch lần này và được công nhận bậc thợ 6/7" - anh Sơn bộc bạch.
Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Sáng tạo ngành cấp nước lần thứ I năm 2018 do Ban Giám đốc, CĐ và Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) tổ chức mới đây thực sự trở thành ngày hội của các kỹ sư, CN ngành nước. Nhìn họ say mê giới thiệu những ý tưởng, giải pháp sáng tạo phục vụ thiết thực cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhiều thành viên ban tổ chức rất vui. Những sáng kiến, đề tài điển hình như "Gia công bộ cảo ghép van chlor" của anh Nguyễn Hữu Anh Tuấn, kỹ sư cơ khí Nhà máy Nước Thủ Đức và "Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn" của anh Nguyễn Gia Quang Minh (Công ty CP Cấp nước Trung An) được Hội đồng Khoa học Công nghệ SAWACO đánh giá rất cao và khen thưởng xứng đáng. Theo ông Trần Trung Dũng, Chủ tịch CĐ SAWACO, tổ chức tuần lễ khoa học hay hội thi ý tưởng sáng tạo cũng là cách khơi dậy niềm đam mê sáng tạo ở người thợ, giúp họ tự hào về nghề nghiệp, từ đó cống hiến nhiều hơn cho đơn vị.
Bình luận (0)