Được báo sẽ có tour 50 khách Hà Nội vào Đà Nẵng cuối tuần này, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thành (quản lý khách sạn 3 sao đường Hà Chương, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) không nhận tour vì chưa tuyển đủ nhân viên phục vụ.
Nhân lực phân tán
Từ giữa tháng 3-2022, du khách đến Đà Nẵng bắt đầu tăng dần theo chính sách mở cửa du lịch của thành phố. Thêm vào đó, Đà Nẵng dự kiến đón nhiều đoàn khách từ Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... vào đầu tháng 4. Nhu cầu là có nhưng nhiều cơ sở lưu trú vẫn chưa thể mở cửa. Hai năm đóng cửa vì dịch Covid-19, ông Thành đành cho tất cả nhân viên nghỉ không lương. Nay đăng tuyển lễ tân, buồng phòng... với mức lương ưu đãi, khách sạn của nơi ông làm việc vẫn chưa đủ người làm.
Chuyển nghề gần được 2 năm qua, bà Nguyễn Lê My (trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đang tìm kiếm cơ hội để quay lại nghề nhân viên buồng phòng. Tuy nhiên, phần lớn các khách sạn 3 sao trở xuống chỉ tuyển nhân viên thời vụ. Các resort cao cấp ven biển Đà Nẵng thì yêu cầu cao về chứng chỉ, bằng cấp. Điều này khiến bà My băn khoăn, tìm kiếm các khóa đào tạo để bổ sung chứng chỉ, hưởng mức lương xứng đáng. Từng là hướng dẫn viên (HDV) khách Thái Lan, chị Trần Thị Mỹ Hạnh một lúc gửi nhiều hồ sơ đến các công ty lữ hành, tour tuyến... chờ được gọi đi làm. "Trên các hội nhóm, HDV cũng đang xôn xao chuyện trở lại. Vì sợ "trâu chậm uống nước đục" nên tôi quyết định ứng tuyển sớm. Sau nhiều lần du lịch Đà Nẵng kích cầu rồi dính dịch Covid-19, nay tôi đặt niềm tin lần cuối vào ngành này" - chị Hạnh bày tỏ.
Ông Nguyễn Đức Cương, tổng quản lý khách sạn Vanda (Đà Nẵng), khẳng định đơn vị đã chuẩn bị từ lâu để đón khách trở lại. Trước mắt, có những tín hiệu đáng mừng từ thị trường Đông Nam Á. Tuy nhiên, bài toán nhân lực vẫn nan giải khi chưa đủ số lượng lẫn chất lượng để phục vụ các khách hàng mục tiêu. "Sau 2 năm dịch bệnh, nguồn nhân lực bị phân tán. Nếu bây giờ họ quay trở lại với nghề thì thu nhập một số bộ phận chưa ổn định. Hiện tại, chúng tôi đang hoạt động cầm chừng nhưng nếu may mắn lượng khách dồn dập về, tôi sợ trở tay không kịp. Vì vậy, mong Sở Du lịch có chương trình đào tạo nguồn nhân lực càng sớm càng tốt" - ông Cương nói.
Khoảng 20% hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng đã sẵn sàng trở lại làm việc
Đào tạo thích ứng tình hình mới
Ông Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội HDV du lịch Đà Nẵng, cho biết hiện hội có hơn 4.000 thành viên. Thống kê chưa đầy đủ, mới chỉ có khoảng 20% số HDV sẵn sàng trở lại làm việc. Hội đang liên kết với Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng để mở các lớp đào tạo, giúp hội viên nhanh chóng bắt nhịp lại với công việc sau dịch.
Theo ông Anh, nhân lực du lịch đang dần "ấm" trở lại. Phần lớn là hướng dẫn viên khách đoàn Thái Lan, Hàn Quốc... đang ngóng chờ các đoàn khách quốc tế đến thành phố. "HDV mong các tour tuyến được mở lại để có việc làm ổn định, bên cạnh đó là chính sách kích cầu, hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền thành phố" - ông Anh cho biết.
Trước thông tin về gói hỗ trợ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch do Bộ Tài chính ban hành (Thông tư 12/2022/TT-BTC), ông Lê Tấn Thanh Tùng, cố vấn Công ty Liên hợp Vận tải & Du lịch VITRACO (Đà Nẵng), cho biết đây là hỗ trợ rất kịp thời của Chính phủ trong bối cảnh khó khăn về nhân lực du lịch như hiện nay. Theo ông Tùng, các lớp đào tạo không cần phải đào tạo lại chuyên môn cho lao động, mà cần phải đào tạo nghiệp vụ trong tình hình mới. "Lao động cần được thông tin, hướng dẫn về cách phục vụ những loại hình du lịch trong xu hướng mới sau đại dịch như du lịch tự nhiên, du lịch cộng đồng, du lịch combo. Ví dụ, trước đây Đà Nẵng chủ yếu đón các tour giá rẻ. Thời gian tới dự đoán sẽ đón các đoàn khách có mức chi tiêu khá hơn. Lao động cần phải được đào tạo những kỹ năng mới, trong tình hình mới, không cần dạy lại điều đã cũ" - ông Tùng hiến kế.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, khẳng định công tác chuẩn bị, bảo đảm nguồn nhân lực du lịch là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới. Bà Hạnh cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động theo dõi tình hình thị trường để tuyển dụng lao động nhằm bảo đảm số lượng, chất lượng lao động tương ứng với mức độ phục hồi của các thị trường khách du lịch. Để hỗ trợ, Sở Du lịch sẽ phối hợp, triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Trong đó, tập trung vào các khóa bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ, chăm sóc khách hàng, thái độ phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, sở sẽ tổ chức các chương trình giữ "lửa nghề" cho lao động ngành du lịch, tập huấn phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động kinh doanh du lịch để bảo đảm chất lượng, nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
Sau 2 năm dịch hoành hành, có thể nhân lực du lịch đã đi làm nhiều ngành khác. Bây giờ tuyển dụng lại, nhiều trường hợp bị mai một tay nghề. Đây là vấn đề rất đáng lo nhưng chúng ta phải đặt chất lượng dịch vụ lên hàng đầu".
Bà TRƯƠNG THỊ HỒNG HẠNH, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng
Bình luận (0)