Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ở Việt Nam, hậu quả nghiêm trọng của COVID-19 đối với ngành Du lịch chủ yếu thể hiện ở khía cạnh giảm tiền lương và gia tăng tình trạng phi chính thức. Tiền lương trung bình trong ngành Du lịch giảm gần 18%.
Lương của lao động nữ giảm gần 23%
Theo ILO, ngành Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương lao đao vì mất việc làm, chất lượng công việc giảm sút và gia tăng chuyển dịch theo hướng phi chính thức. Ở cấp quốc gia, tại Việt Nam, ILO chỉ rõ hậu quả nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tới ngành Du lịch chủ yếu thể hiện ở khía cạnh giảm tiền lương và gia tăng tình trạng phi chính thức. Tiền lương trung bình trong ngành Du lịch giảm gần 18%, trong đó tiền lương của lao động nữ còn giảm nhiều hơn, ở mức gần 23%. Trong khi số lao động phi chính thức trong ngành Du lịch tăng 3% trong năm 2020, số lượng lao động chính thức giảm đến 11%.
Trao đổi về những khó khăn do COVID-19 gây ra, ông Trần Văn Xuân - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mai dịch vụ Travelive Việt Nam - cho biết, công ty phải dừng hoạt động khoảng 12 tháng. Trong thời gian đó, nhân viên không có thu nhập nhưng công ty vẫn hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội. Khi được hoạt động trở lại thì khổ vì không ổn định, không ít trường hợp khách huỷ tour do sợ dịch.
Thậm chí, công ty đã mua vé máy bay, đặt cọc khách sạn (vé máy bay thường mua loại vé rẻ để tiết kiệm chi phí cho khách nên không được hoàn, huỷ; tiền đặt cọc khách sạn không được trả lại vì khách sạn nói sẽ khấu trừ khi nào công ty có đoàn khách tiếp), công ty đứng giữa, tiền của khách thì phải trả lại nhưng tiền mua vé, đặt khách sạn thì công ty phải chịu.
Gần đây nhất là có đoàn 150 khách của 1 đơn vị ký hợp đồng đi Vĩnh Phúc ngày 27.11. Công ty đã đàm phán xong hết các khâu, nhưng vì đơn vị xuất hiện F0 nên đoàn phải hoãn. Giờ đoàn báo lùi lại ngày đi, nhưng chưa biết lùi đến khi nào.
5 quốc gia ở Châu Á đã mất 1,6 triệu việc làm liên quan đến du lịch
Bà Chihoko Asada-Miyakawa - Giám đốc ILO Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương - cho biết: Tác động của đại dịch COVID-19 tới ngành Du lịch tại Châu Á và Thái Bình Dương không khác gì một thảm họa. Ngay cả với những quốc gia trong khu vực đặc biệt chú trọng tới việc tiêm chủng và thiết kế những chiến lược dần mở cửa biên giới trở lại, việc làm và thời giờ làm việc trong những ngành liên quan đến du lịch ở các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương trong năm tới có thể vẫn thấp hơn con số trước khủng hoảng.
Bằng chứng từ năm quốc gia có sẵn dữ liệu - Brunei Darussalam, Mông Cổ, Philippines, Thái Lan và Việt Nam - cho thấy mức tổn thất việc làm trong các ngành liên quan đến du lịch trong năm 2020 cao hơn gấp bốn lần so với các ngành khác. Gần một phần ba tổng số việc làm bị mất có liên quan đến ngành Du lịch, trong đó ước tính chỉ riêng năm quốc gia kể trên đã mất 1,6 triệu việc làm liên quan đến du lịch.
Tổn thất thời giờ làm việc trong ngành Du lịch cao hơn nhiều so với con số ước tính cho các ngành khác. Theo đó số giờ làm việc bị giảm cao hơn hai đến bảy lần so với lao động trong các ngành không liên quan đến du lịch. Năm 2020, số giờ làm việc bị giảm trong ngành này dao động ở mức 4% ở Việt Nam đến 38% ở Philippines. Thêm vào đó, do việc làm chính thức trong ngành Du lịch sụt giảm, tình trạng lao động chuyển dần sang khu vực phi chính thức ngày càng gia tăng.
Bình luận (0)