Đại dịch kéo đến làm cho hàng ngàn doanh nghiệp (DN) rơi vào cảnh khó khăn, hàng triệu người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng nghiêm trọng về việc làm và thu nhập. Tuy nhiên, vẫn có những DN bám trụ được và có nhiều hình thức khuyến khích, động viên NLĐ tích cực làm việc.
Nhiều khoản hỗ trợ
Chị Đinh Thị Luyến (29 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết đã hơn 4 tháng làm việc tại nhà, chị và các đồng nghiệp không những hưởng lương bình thường mà còn được thêm nửa tháng lương. Chị Luyến đang là nhân viên thiết kế đồ họa cho Imba Games - một studio thuộc Công ty TNHH Công nghệ Imba, chuyên phát triển và phát hành Game mobile, trụ sở tại quận Phú Nhuận, TP HCM. "Công ty chúng tôi có hơn 50 nhân sự, chủ yếu là thiết kế và lập trình nên việc làm tại văn phòng hay ở nhà không khác gì nhau. Kể từ khi dịch bùng phát, công ty cho toàn bộ nhân viên làm việc tại nhà hưởng nguyên lương. Ngoài những giờ họp dự án mới trực tuyến hoặc họp định kỳ thì ai làm việc nấy, miễn là xong phần việc của mình. Tháng 8 vừa qua, chúng tôi được nhận thêm nửa tháng lương là khoản hỗ trợ tiền điện nước do làm ở nhà" - chị Luyến nói.
Nhiều người làm việc tại nhà vẫn được doanh nghiệp thưởng thêm thu nhập để vượt qua khó khăn
Cũng như chị Luyến là trường hợp anh Trần Tuy Phong - một kỹ sư công nghệ thông tin, làm việc cho một công ty chuyên về công nghệ bán dẫn có trụ sở tại Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức. Khi dịch ập đến, công ty triển khai "3 tại chỗ" ở một số bộ phận, số khác làm việc tại nhà hoặc tạm nghỉ nếu không thể làm việc tại nhà. "Tôi thuộc nhóm được làm việc tại nhà bởi đặc thù công việc có thể làm từ xa. Tôi nhận thấy công ty cũng gặp nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng và khâu logistics. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty rất chăm lo đời sống NLĐ. Những người làm việc "3 tại chỗ" được bao ăn ở và phụ cấp thêm. Người làm tại nhà cũng được tặng thêm tiền với ghi chú là để bảo đảm dinh dưỡng khi làm việc tại nhà kéo dài" - anh Phong cho biết.
Quan tâm chăm lo cho người lao động
Ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc đối ngoại Công ty CP Sản xuất Hóa phẩm Thiên An (Tân Phú, TP HCM), cho rằng trong giai đoạn khó khăn này, NLĐ cần được quan tâm hơn bao giờ hết. Cũng đang thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" do ngành hàng hóa mỹ phẩm có nhu cầu tăng mạnh trong mùa dịch, công ty vừa sản xuất vừa củng cố hệ thống phân phối và tham gia phun khử khuẩn miễn phí cho những vùng có dịch nên NLĐ gần như làm không hết việc. "Chúng tôi biết chẳng ở đâu bằng gia đình riêng của mình nên rất thấu hiểu với NLĐ phải thực hiện "3 tại chỗ". Vì thế, chúng tôi chuẩn bị rất chu đáo nơi ngủ nghỉ, sinh hoạt cá nhân. Còn về khâu ăn uống thì gần như ngày nào cũng được cung cấp thực phẩm tươi sống và thực đơn thay đổi liên tục để anh em đỡ ngán. Quan trọng hơn là chúng tôi đã phối hợp với chính quyền để tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 cho toàn bộ NLĐ" - ông Hùng nói.
Bà Phạm Thị Hồng Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Saigon Food (SGF), cho biết may mắn nhất của SGF là có tập thể lao động biết sẻ chia, đoàn kết và gắn bó với DN. Là DN chế biến thực phẩm nên nhu cầu trong mùa dịch cũng tăng cao, vì thế SGF tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" rất thuận lợi, NLĐ làm việc nhiệt tình, năng suất cao.
"Ở đây, từ ban giám đốc, các cấp quản lý đến công nhân đã gần 3 tháng nay "3 tại chỗ" cùng nhau rồi. Cái được nhất của "3 tại chỗ" là sự gắn kết, quan tâm lẫn nhau. Ai cũng chia sẻ với khó khăn của DN thì DN không thể để NLĐ thiệt thòi. Lương. thưởng vẫn chi trả đều đặn. Nhiều CN còn nói mấy tháng nay lương là dư 100% vì ăn ở công ty lo hết rồi" - bà Hà nói vui.
Theo bà Hà, cái khó nhất của DN trong giai đoạn này là giữ được việc làm cho NLĐ. Với DN sử dụng nhiều lao động như SGF thì việc bảo đảm công ăn việc làm cho toàn bộ NLĐ cũng là sự cố gắng vượt bậc của ban giám đốc. Tuy nhu cầu thực phẩm tăng cao và là ngành hàng thiết yếu được ưu tiên trong giai đoạn dịch bệnh nhưng dịch bệnh cũng ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng cả đầu vào và đầu ra. Tuy vậy, SGF đã từng bước tháo gỡ khó khăn, sáng tạo trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp để vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch cho toàn bộ công ty vừa bảo đảm sản xuất phục vụ người dân.
Gần 19% có việc làm nhưng tiền lương giảm 50%
Khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy 45% người được hỏi cho biết tiền lương của họ giữ nguyên. Số lao động trả lời được tăng lương chiếm tỉ lệ rất nhỏ, khoảng 0,4%. Gần 19% cho biết họ có việc làm nhưng tiền lương giảm 50%. Bên cạnh đó, 13,6% lao động đang có việc trả lời tiền lương của họ bị giảm 20% và tập trung vào nhóm lao động đang duy trì làm việc online. Số lao động có việc làm nhưng lương giảm tới 80% hoặc nhận lương tùy thuộc vào sản phẩm làm ra trong tháng chiếm tỉ lệ tương ứng lần lượt là 4,5% và 11,7%.
Bình luận (0)