Dù đối diện nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) tại tỉnh Bình Dương vẫn nỗ lực tổ chức sản xuất nhằm bảo đảm việc làm, ổn định đời sống người lao động (NLĐ).
Chấp nhận tăng chi phí
Để ổn định sản xuất, Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (100% vốn Nhật Bản, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) tìm nhiều giải pháp hỗ trợ NLĐ ăn ở, sản xuất tại chỗ và trụ được trong giai đoạn khó khăn.
1.250 CN tại công ty đang thực hiện phương án "3 tại chỗ" ở 2 nhà máy tại TP Dĩ An và thị xã Bến Cát. Ngoài được ổn định chỗ ăn nghỉ, khoảng 70% trong số này đã được tiêm vắc-xin. CN chấp thuận làm việc theo phương án "3 tại chỗ" được công ty phụ cấp 250.000 đồng/ngày. Tính ra thu nhập mỗi tháng của CN làm việc "3 tại chỗ" khoảng hơn 15 triệu đồng/người. Đối với CN không đến công ty làm việc vẫn được trả lương bằng 70% tổng thu nhập.
Ông Meguro Minoru, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam, cho biết chi phí thực hiện phương án "3 tại chỗ" rất cao, bởi ngoài các khoản phụ cấp, DN phải lo thêm chi phí ăn, ở, sinh hoạt, xét nghiệm… Tuy nhiên, ban giám đốc vẫn cố gắng hết mức có thể để giữ việc làm, ổn định đời sống CN. Dự kiến thời gian tới, công ty sẽ mở rộng thêm quy mô để đón CN vào làm việc. Ông Meguro Minoru kỳ vọng tất cả CN sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều được tiêm đầy đủ vắc-xin, sớm đưa sản xuất và cuộc sống trở lại bình thường.
Cũng chấp nhận tăng chi phí, Công ty TNHH Sài Gòn Stec (KCN Việt Nam - Singapore 2, TP Thủ Dầu Một) đang nỗ lực để tiến tới đưa đủ 6.600 CN vào làm việc. Theo ông Đỗ Quang Tùng, Trưởng Phòng Quản lý nhân sự Công ty TNHH Sài Gòn Stec, sau khi tạm đóng cửa do có nhiều ca mắc Covid-19, từ ngày 10-8 DN này đã chính thức hoạt động trở lại theo phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 địa điểm" với hơn 3.000 CN tham gia. Công ty thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như chia nhỏ các ca làm việc, xét nghiệm sàng lọc, tận dụng nhà xưởng, nhà xe để bố trí chỗ ở cho CN. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong đợt dịch lần thứ 4 nhưng công ty vẫn đãi ngộ tốt NLĐ, với thu nhập gấp 4 lần so với bình thường, chỗ ăn ở, sinh hoạt được bố trí bài bản.
Tiêm vắc-xin cho công nhân “3 tại chỗ” tại Công ty TNHH Glory Oceranic (thị xã Tân Uyên)
Triển khai mô hình "3 xanh"
Hiện tỉnh Bình Dương đang khoanh vùng nguy cơ cao để kiểm soát dịch bệnh, đồng thời thu hẹp "vùng đỏ", mở rộng "vùng xanh" với quyết tâm đến ngày 15-9 trở lại trạng thái bình thường mới. Địa phương này cũng xây dựng kế hoạch cho phép DN ở "vùng xanh" hoạt động trở lại, bố trí nơi ở cho CN bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất.
Với mô hình 3 xanh "Nhà máy, nhà trọ và CN", Bình Dương sẽ thí điểm thực hiện tại khu vực "vùng xanh" gồm: thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên. Trong đó, đề nghị chủ đầu tư, DN phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào DN. Nơi nào không đáp ứng, không bảo đảm an toàn thì buộc ngừng hoạt động. Đồng thời, DN phải thực hiện việc quản lý chặt chẽ thông tin liên quan đến NLĐ; đo thân nhiệt và yêu cầu NLĐ phải khai báo y tế bắt buộc khi đến làm việc; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn nơi sản xuất.
Ông Bùi Minh Trí, Trưởng Ban Quản lý KCN tỉnh Bình Dương, cho biết DN chỉ được tổ chức sản xuất kinh doanh khi đã xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ CN, NLĐ và đáp ứng các điều kiện. Trước khi cho nhà máy đi vào sản xuất, DN phải khử khuẩn toàn bộ khu vực, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc 2 lần (lần 1: trước khi hoạt động 3 ngày bằng xét nghiệm PCR gộp mẫu 10; lần 2: vào ngày hoạt động bằng test kháng nguyên nhanh gộp mẫu từ 3 đến 5). Trong quá trình sản xuất, DN phải tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng test kháng nguyên nhanh hoặc xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp, thực hiện 5 ngày/lần; xét nghiệm hằng ngày đối với người tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, thực phẩm... di chuyển ra, vào DN.
Bình luận (0)