xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gỡ khó từ gốc

Bài và ảnh: HỒNG ĐÀO

Việc xây nhà trẻ cho con công nhân phải biến thành hành động chứ không thể bàn rồi để đó

“Công tác chăm sóc trẻ em lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo còn nhiều vấn đề bức xúc chưa được giải quyết. Rất đông lao động nữ (LĐN) không thể gửi con tại các nhà trẻ công lập do không có hộ khẩu thường trú hoặc con chưa đủ 3 tuổi. Nhiều bà mẹ phải nén lòng gửi con ở những cơ sở  không có giấy phép, không đạt tiêu chuẩn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em là con công nhân (CN), gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua”. Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, mở đầu như vậy tại hội thảo “Vai trò của Công đoàn trong chăm lo cho con CN lao động ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo” do LĐLĐ TP tổ chức mới đây.

Không an tâm gửi con

TP HCM hiện có 15 KCX-KCN đang hoạt động, thu hút hơn 1.050 doanh nghiệp (DN) đầu tư với tổng số lao động làm việc là 287.658 người, trong đó có 175.670 LĐN (chiếm tỉ lệ 61%), lao động từ các tỉnh chiếm tỉ lệ khoảng 70%. “Nhìn chung, đời sống CN vẫn còn khó khăn, thu nhập của CN bình quân từ 4 triệu đến 5 triệu đồng/tháng, chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Số lượng CN có con trong độ tuổi mầm non là rất lớn” - ông Trần Công Khanh, Chủ tịch CĐ các KCX-KCN TP HCM, cho biết.

Con công nhân được chăm sóc chu đáo tại nhà trẻ Mặt Trời Nhỏ do Công ty Pou Yuen, quận Bình Tân, 
TP HCM xây dựng
Con công nhân được chăm sóc chu đáo tại nhà trẻ Mặt Trời Nhỏ do Công ty Pou Yuen, quận Bình Tân, TP HCM xây dựng

Lo lắng là tâm trạng chung của hầu hết nữ CN tham dự hội thảo. Chị Đậu Thị Đức - CN Công ty SL Vina, quận Thủ Đức, TP HCM - bày tỏ: “Thu nhập của vợ chồng tôi khoảng 8 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, chúng tôi phải chi tiêu dè sẻn đủ thứ, nào là tiền nhà trọ, tiền gửi con, tiền ăn, chưa kể còn gửi về quê phụ giúp cha mẹ... nên chẳng tích lũy được là bao. Giao con ở nhóm trẻ, chúng tôi nơm nớp lo, chỉ mong được gửi ở nhà trẻ công lập với học phí phù hợp thu nhập CN”.

Cùng nỗi lo ấy, nữ CN Trần Thị Thoa - Công ty Minh Hoàng, quận Gò Vấp, TP HCM - cho biết hằng ngày, chị đi làm trong tâm trạng bất an bởi không biết đứa con 3 tuổi gửi ở nhóm trẻ tư thục có được cho ăn uống đầy đủ và có bị cô giáo bạo hành không. “Hạnh phúc của tôi là mỗi ngày đón con về thấy bé nguyên vẹn, vui vẻ” - tâm sự của chị Thoa khiến nhiều đại biểu xúc động.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) TP HCM, nhìn nhận điều kiện chăm sóc con CN vẫn còn nhiều bất cập, các trường chủ yếu giữ trẻ 3-5 tuổi. Đối với trẻ 6 tháng tuổi, khi nữ CN hết chế độ thai sản, việc tìm chỗ gửi con rất nan giải. “Các nhóm trẻ tư nhân ra đời đã đáp ứng phần nào nhu cầu thực tế của CN song công tác quản lý còn hạn chế. Từ năm học 2014-2015, TP HCM sẽ thí điểm giữ trẻ từ 6 tháng tuổi tại 8 quận - huyện” - bà Thanh cho biết.

Cần cơ chế, chính sách rõ ràng

Theo các đại biểu, ngoài phân định trách nhiệm của các bên liên quan trong việc chăm lo cho CN, cần có cơ chế, chính sách rõ ràng để giải quyết căn cơ vấn đề nhà trẻ cho con cái của họ.

Ông Tôn Long Quốc Vinh - Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Việt Nam Samho, huyện Củ Chi, TP HCM - cho biết công ty có 9.700 lao động, trong đó 79,1% là LĐN. Khoảng 3.000 lao động có nhu cầu gửi con cho nhà trẻ. Trước nhu cầu này, năm 2010, công ty xây dựng nhà trẻ 1.000 m2 và hỗ trợ đồng phục, đồ chơi, sữa... cho các cháu. Nhà trẻ nhận giữ con CN khi họ tăng ca nên rất thuận lợi.

“Qua kiểm tra, Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi cho rằng nhà trẻ công ty chỉ đáp ứng nhu cầu nhóm lớp và chỉ được giữ 60-80 bé. Phòng GĐ-ĐT yêu cầu phải có 5.000 m2 đất để xây nhà trẻ. Công ty biết lấy đất đâu ra? Nếu rắc rối quá thì DN sẽ đóng cửa nhà trẻ, điều này khiến CN thiệt thòi” - ông Vinh trăn trở. Chia sẻ khó khăn này, bà Trần Thị Kim Thanh hứa sẽ đến tận nơi xem xét và giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Lời hứa của lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM đã nhận được một tràng vỗ tay của các đại biểu. Ông Huỳnh Lê Khanh, Giám đốc nhân sự Công ty Nissei (KCX Linh Trung 1), cho biết công ty có 4.000 CN, 85% là LĐN. Qua khảo sát, 300 CN có nhu cầu gửi con ở nhà trẻ. “Công ty đã lên kế hoạch xây nhà trẻ nhưng vì kinh tế khó khăn nên phải hoãn lại. Nếu DN đầu tư cơ sở vật chất, nhà nước nên hỗ trợ giáo viên và trả lương cho họ. Làm được điều này thì DN có động lực xúc tiến việc xây dựng nhà trẻ cho con CN” - ông Khanh kiến nghị.

Bà Lê Thị Thu - nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - chỉ ra mấu chốt của vấn đề là vướng Quy định 29/2008/NĐ-CP. “Các KCX-KCN không được xây dựng khu dân cư. Do vậy, để gỡ vấn đề từ gốc, phải sửa quy định này, không nên loay hoay bàn tới bàn lui” - bà Thu nói.

Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - trăn trở: “Nói đóng cửa nhóm trẻ không đủ điều kiện thì đơn giản quá nhưng con CN sẽ học ở đâu? Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, tạo cơ hội thụ hưởng ngang bằng cho CN nhập cư”.

Không dám sinh con

“Một sự thật đắng lòng là nhiều cặp vợ chồng CN hiện không dám sinh con bởi sinh rồi không biết gửi ở đâu. Không thể để tình trạng này kéo dài vì ảnh hưởng đến giống nòi chúng ta. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng đề án xây dựng nhà trẻ cho con CN với hàng loạt giải pháp khả thi và thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn với CN. Xây dựng nhà trẻ cho con CN phải có hành động cụ thể chứ không thể bàn rồi để đó” - bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo