Đây là những công việc phần lớn không qua trường lớp đào tạo, khả năng lao động chủ yếu dựa vào cơ bắp. Không giống như công chức, viên chức, NLĐ làm việc trực tiếp phần lớn dịch chuyển theo dòng chảy việc làm, thường bị cho là thành phần yếu thế, lúc sức khỏe không bảo đảm thì sẽ tìm việc nhẹ nhàng hơn hoặc quay về quê nghỉ ngơi. Mức sống của đối tượng này còn thấp nên họ chỉ mong được nghỉ ngơi nhận lương hưu khi cảm thấy không còn đủ sức khỏe. Do vậy, việc kéo dài thời gian làm việc là không hợp lý và làm giảm chất lượng sống của họ. Tăng tuổi nghỉ hưu hẳn sẽ ảnh hưởng đến những lao động làm việc trực tiếp nên nhiều công nhân (CN) sẽ tranh thủ nhận BHXH một lần, không chờ đợi kéo dài thời gian cho đến đủ tuổi. Bởi sức khỏe CN lúc này không đáp ứng yêu cầu công việc nên không thể bám trụ, không loại trừ việc người sử dụng lao động sa thải người lớn tuổi để tuyển người trẻ hơn, đây là thực tế phổ biến. Lúc đó, có thể hình thành tầng lớp người dân có thu nhập rất thấp khi về già.
Qua thăm dò ý kiến, đại bộ phận công nhân trực tiếp sản xuất không muốn tăng tuổi nghỉ hưu Ảnh: AN KHÁNH
Tăng tuổi hưu sẽ được gì, mất gì? Quan trọng hơn là có tăng năng suất và thuận lợi cho số đông NLĐ hay không? Rất nhiều lý giải để tăng tuổi nghỉ hưu nhưng quyết định ở cấp thẩm quyền cần dựa trên sự hợp lý, thực tiễn cuộc sống, phù hợp từng loại hình công việc khác nhau, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của số đông NLĐ. Theo tôi, CN và NLĐ làm việc trực tiếp khi bước qua 50 tuổi đã yếu đi nhiều, nhất là phụ nữ qua những lần sinh đẻ thì sức khỏe và trí nhớ càng giảm sút. Kéo theo đó là năng suất lao động cũng giảm thấp, chưa kể bị những bệnh nghề nghiệp và áp lực công việc mang lại. Do vậy, nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường. Ban soạn thảo cần nêu cụ thể những đối tượng, công việc nào được cho là đặc biệt nặng nhọc hoặc độc hại... Ngoài ra, có thể quy định độ tuổi nghỉ hưu vẹn cả đôi đường, linh hoạt và phù hợp theo tính chất công việc. Những công việc bình thường có thể nghỉ hưu theo nguyện vọng khi cảm thấy không còn đủ sức khỏe và khả năng lao động.
Bình luận (0)