Thời gian qua, có nhiều thông tin về việc người lao động (NLĐ) đóng BHXH hưởng quyền lợi thua xa so với gửi tiết kiệm. Theo so sánh được đưa ra trên mạng xã hội, với mức lương 5 triệu đồng/tháng, sau 20 năm đóng BHXH, số tiền lương hưu nhận hằng tháng xấp xỉ 3,8 triệu đồng nhưng nếu gửi ngân hàng thì tiền lãi có được sẽ khoảng 5 triệu đồng /tháng.
Tham gia BHXH sẽ mang lại quyền lợi tốt nhất cho người lao động Ảnh: Vĩnh Tùng
Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, các chuyên gia đã phản bác, cho rằng đó là so sánh khập khiễng. Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng phương pháp tính này chưa đầy đủ và không chính xác vì chỉ dựa trên thông số rất đơn giản. Đó là số tiền đóng, tỉ lệ đóng và tính toán theo lãi suất ngân hàng mà chưa tính đến các yếu tố như trợ cấp BHXH, chính sách của nhà nước.
Theo ông Sơn, Thông tư 42/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với người hưởng lương hưu trong năm 2017, mức điều chỉnh cao nhất áp dụng đối với số tiền đóng trong khoảng thời gian trước năm 1995 là 4,4 lần. "Không thể lấy số tiền tuyệt đối đã đóng BHXH của 20 năm, 30 năm về trước ra để tính hưởng lương hưu mà số tiền đó phải được điều chỉnh để bù đắp yếu tố lạm phát. Đơn cử, theo quy định, một người đóng 1 triệu đồng BHXH năm 1994, đến năm 2017 về hưu, số tiền này sẽ được điều chỉnh thành 4,4 triệu đồng khi tính mức lương hưu. Việc so sánh với lãi ngân hàng tức là mới chỉ lấy tỉ lệ 75% nhân với giá trị tuyệt đối của số tiền đã đóng mà không có giả định về tỉ lệ lạm phát và áp dụng hệ số điều chỉnh" - ông Sơn giải thích.
Cùng quan điểm này, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH - Bộ LĐ-TB-XH, khẳng định tham gia BHXH mang lại quyền lợi tốt nhất cho NLĐ. Tiền lương đóng được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng sinh hoạt từng thời kỳ và sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục được điều chỉnh.
Ông Nam dẫn chứng thực tế thời gian qua, mức lương hưu đã liên tục được nâng lên. Chỉ tính giai đoạn 2003-2016, Chính phủ đã 14 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng 7,4-9,2 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 2002. Tổng tỉ lệ đóng góp BHXH hiện nay bao gồm cả 3% đóng vào quỹ ốm đau, thai sản; 1% đóng vào quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và 4,5% đóng vào quỹ BHYT - là những quỹ ngắn hạn, có tính chất chia sẻ rủi ro cao giữa người khỏe mạnh với người ốm đau.
Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng không nên so sánh giữa việc gửi tiết kiệm với tham gia chính sách BHXH. NLĐ tham gia hệ thống BHXH sẽ được ổn định cuộc sống, được trợ giúp khi gặp rủi ro như ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp... Nói cách khác, bản chất của BHXH là "của để dành" và tạo cơ hội để NLĐ khi về hưu có thu nhập, bảo đảm được cuộc sống và giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội.
Quyền lợi được hưởng rất lớn
Theo thống kê từ Bộ LĐ-TB-XH, cả nước hiện có khoảng 1,5 triệu người thuộc diện được hưởng lương hưu trong tổng số gần 13 triệu người tham gia BHXH. Theo tính toán, với những quy định về đóng - hưởng BHXH như hiện nay, một NLĐ tham gia BHXH thì số tiền tích lũy được (đã bao gồm cả tiền lãi) chỉ đủ để chi trả lương hưu cho chính người đó 8-10 năm. Với tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 75,6 như hiện nay, trung bình thời gian sống sau độ tuổi nghỉ hưu là 15-20 năm thì rõ ràng, quyền lợi mà NLĐ tham gia BHXH là rất lớn.
Bình luận (0)