Giai đoạn 2016-2022, cả nước có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia là 5-6%/năm. Trong đó, 67% người nhận BHXH một lần có dưới 5 năm đóng, tuổi bình quân 31,7 tuổi; gần 10% là người có từ 10 năm đóng BHXH trở lên, tuổi bình quân khoảng 42 tuổi. Gần 91% người rút BHXH một lần làm việc tại khu vực ngoài nhà nước.
Độ tuổi hưởng từ 20-40 chiếm gần 80% và gần 99% hưởng theo điều kiện sau 1 năm nghỉ việc và không tham gia BHXH. Sau khi hưởng BHXH một lần, có khoảng gần 1,3 triệu người quay trở lại tiếp tục tham gia đóng BHXH, chiếm khoảng 26% số người hưởng BHXH một lần giai đoạn này.
Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc đã thẳng thắn chỉ ra một số bất cập của Luật BHXH hiện hành và đề nghị Ban soạn thảo luật cần nghiên cứu, bổ sung thêm để giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh. Một bạn đọc tên Bình nhận xét: "Báo Người Lao động đã đồng hành cũng người lao động và cũng phản ánh trung thực và thực tế". Bạn đọc Vũ đặt vấn đề: "Đi hỏi hết các công ty, có tuyển người lao động từ 35 tuổi trở lên hay không thì biết liền, nói giảm năm để ngưòi 45 đến 47 có cơ hội nhận lương hưu, đâu ra mà nhận, vì tuổi này đa số công ty muốn đuổi hết rồi. Người làm BHXH lấy gì đảm bảo cho độ tuổi này xin được việc để tham gia BHXH? Hãy nhìn thực tế rồi đưa ra những chính sách cho phù hợp". Cùng góc nhìn, bạn đọc Nguyễn Trung chất vấn: "Có cam kết hay quy định nào để doanh nghiệp tuyển dụng lao động lớn tuổi? Đi khắp các khu công nghiệp đâu đâu cũng chỉ tuyển từ 18 đến 35. Vậy thử hỏi sang tuổi 40 khi mất việc kiếm đâu ra việc mới mà đóng bảo hiểm tới 60 hay 62 tuổi? Không ai muốn mình bị thất nghiệp cả".
Một bạn đọc tên Lý góp ý: "Phải đưa về cơ quan sự nghiệp có thu có chi, lúc đó quyền lợi của NLĐ mới được tối ưu. BHXH cũng như là ngân hàng thôi, đóng tiền vào thì phải tính lãi cho người lao động và khi đủ thời gian đóng BHXH định theo quy định thì trả tiền lãi cho NLĐ. Quyền lợi giữa 2 bên phải bình đẳng thì không ai muốn rút 1 lần. Nên áp dụng lãnh lãi đa tầng, hông gọi là hưu trí nữa". Bạn đọc Đặng Phước Thành góp ý: "Lương hưu thì tính tổng bình quân nhưng chỉ hưởng được 45% là phải đủ 20 năm. Khi người lao động mất việc làm chờ đến tuổi lãnh lương hưu mà còn bị trừ mỗi năm 2%. Mà đến thêm 12 năm mới đủ tuổi tự nhiên mất 24% vậy còn được 21% vậy hỏi ai để làm gì? Hết sức vô lý khi bị trừ 2%". Một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Cái quan trọng nhất là khi đã đóng đủ thời gian tối thiểu mà NLĐ nghỉ việc hoặc có nhu cầu nghỉ thì nên giải quyết chế độ, chứ giảm thời gian đóng bhxh là không đúng với nguyện vọng đa số NLĐ".
Góp ý hoàn thiện chính sách, bạn đọc Nguyễn Đình Đua đề xuất: "Theo tôi ai đóng đủ 30 năm với nữ, 35 năm đối với nam là được hưởng 75% lương hưu dù chưa đủ tuổi vẫn không bị trừ %. Cách tính bình quân cũng phải công bằng giữa khu vực tư Nhân và nhà nước. Bạn đọc Nguyễn Văn Thục bày tỏ: "Cứ đủ năm là hưởng lương hưu chứ chờ đủ tuổi đến khi nào? Mong nhà nước xem xét lại". Tương tự, bạn đọc tên Minh đề xuất: "Theo tôi cứ đóng đủ năm là được hưởng hưu chứ không phải đợi đến 60 tuổi, vì tiền đóng như là tiền tích lũy riêng của từng người khác nhau".
Cùng góc nhìn, bạn đọc Nguyễn Vũ Dương chia sẻ: "Mức tính lương BXHH ở khu vực ngoài quốc doanh rất thấp, hầu hết công ty chỉ đóng cho công nhân phổ thông ở mức tối thiểu. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ sử dụng lao động trẻ, do vậy ít ai có thể làm việc đến tuổi nghỉ hưu. Tương tự, bạn đọc Hoàng Long phân tích: "Đơn giản là cách tính bảo hiểm bây giờ công nhân họ chẳng thấy có gì hấp dẫn, họ rút một lần là phải rồi. Thời gian đóng thì dài, tuổi hưởng lương hưu thì cao nên họ chẳng hứng thú đợi và quyết định rút BHXH một lần".
Bình luận (0)