Tại Hội thảo lấy ý kiến người lao động (NLĐ) về chế độ BHXH một lần trong dự án Luật BHXH sửa đổi do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức tại TP HCM mới đây bà Ngô Thị Mỹ Kha, phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Lạc Tỷ (TP HCM) cho hay người lao động đang rất quan tâm đến việc sửa đổi Luật BHXH lần này, đặc biệt là các quy định lên quan đến BHXH một lần. Tuy nhiên, thông tin khi nào Luật BHXH mới có hiệu lực, phương án nào được chọn thì người lao động không nắm được. Do đó, để tránh sự tác động của chính sách mới, thời điểm này đang có nhiều người lao động định xin nghỉ việc để kịp rút BHXH một lần, gây biến động lao động trong doanh nghiệp. "Hiện tại, ngoài việc đang đau đầu kiếm nguồn đơn hàng, doanh nghiệp cũng rất lo lắng về tình trạng thiếu hụt lao động năm 2014 khi đơn hàng phục hồi trở lại"- bà Kha nói.
Bà Ngô Thị Mỹ Kha, phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Lạc Tỷ, phát biểu tại hội thảo
Chia sẻ về lý do người lao động đổ xô rút BHXH một lần, bà Kha cho rằng lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên 10 năm thì thu nhập bình quân cũng chỉ đạt khoảng 8,3 triệu đồng/tháng nếu không tăng ca. Với khoản tiền này, người lao động phải chi tiền trọ, tiền sinh hoạt, nuôi con…nên hầu như không có tích lũy. Nguồn tích lũy duy nhất mà họ dựa vào khi khó khăn, việc làm không đảm bảo chính là khoản BHXH một lần, nên việc rút BHXH một lần là tất yếu. Trong tương lai nếu có gói tín dụng hỗ trợ NLĐ không rút BHXH một lần thì thực tế đó cũng là khoản vay mà vay thì phải trả. Trong khi người lao động không có nguồn tài chính để trả vì thu nhập hàng tháng vốn không đủ sống nên đích đến cũng là rút BHXH một lần.
Vốn là công nhân trực tiếp sản xuất, năm 2021, bà Kha cũng từng tính toán thiệt hơn giữa việc rút BHXH một lần và hay tham gia lâu dài để hưởng lương hưu. Theo tính toán nếu hưởng BHXH một lần bà sẽ nhận được tổng số tiền 186 triệu đồng BHXH, đồng thời được nhận thêm 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp. Sau khi lãnh BHXH một lần, ở độ tuổi 38, có kinh nghiệm làm việc, bằng cấp, bà vẫn có thể tìm việc làm mới và bắt đầu tham gia lại BHXH. Khi đủ 60 tuổi, bà vẫn có thể đạt hơn 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu và mức lương hưu nhận được khi đó sẽ cao hơn mức lương hưu thử tính trong 21 năm đóng của hiện tại là khoảng 2,7 triệu đồng/tháng (tỉ lệ 57%).
Người lao động xếp hàng nhận BHXH một lần tại BHXH TP Thủ Đức, TP HCM
Đại diện Công ty TNHH Chí Hùng (tỉnh Bình Dương) cũng cho hay ở công ty hiện nay đang có tình trạng nhiều công nhân có tay nghề ở độ tuổi 38-42 xin nghỉ để rút BHXH một lần gây biến động lao động trong doanh nghiệp. Số công nhân này đi làm từ rất trẻ, đến nay đã có nhiều năm tham gia BHXH. Trước tình trạng doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, họ lo lắng việc làm không đảm bảo, dễ bị cắt giảm, khó xin việc, trong khi thời gian chờ hưởng hưu quá dài nên quyết định nhận BHXH một lần. "Nếu tuổi nghỉ hưu được xem xét giảm và lương tối thiểu vùng tăng để cải thiện mức đóng từ đó tăng lương hưu thì có khả năng người lao động sẽ thay đổi quyết định, có động lực đóng BHXH lâu dài để hưởng lương hưu" – Đại diện công ty nói.
Chủ tịch Công đoàn một DN tại tỉnh Đồng Nai, chia sẻ: "Trong bối cảnh công ty thiếu hụt đơn hàng, vừa qua, chúng tôi đã cố gắng thương thuyết và đề xuất nhiều biện pháp để doanh nghiệp không cắt giảm khoảng 100 lao động sắp hết hạn hợp đồng lao động. Tuy nhiên, khi có thông tin về sự thay đổi chính sách BHXH một lần thì công ty không cần cắt giảm mà NLĐ tự nguyện xin nghỉ việc để kịp hưởng chế độ BHXH một lần trước khi chính sách thay đổi".
Theo vị cán bộ này, đề xuất việc giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm đóng đang khiến người lao động lo lắng bởi đề xuất này chỉ phù hợp với NLĐ tham gia chậm, có độ tuổi trên 40 hoặc có thời gian tham gia BHXH cách quãng hay làm việc trong khu vực nhà nước. Thực tế, đa số người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI đều là lao động trẻ. Người lao động trên 40 tuổi đã mắt mờ, chân run, năng suất lao động thấp nhưng hưởng lương cao nên họ trở thành đối tượng ưu tiên đầu tiên trong danh sách cắt giảm hoặc doanh nghiệp sẽ đưa ra một khoản hỗ trợ để khuyến khích họ tự nguyện xin nghỉ việc. Khi bị cắt giảm họ rất khó tìm việc làm mới để có thể tham gia tiếp BHXH, trong khi thời gian chờ hưởng hưu kéo dài, gặp nhiều khó khăn nên họ quyết định rút BHXH một lần.
Một vấn đề khác mà người lao động lo lắng đó là với mức lương bình quân khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, mọi sinh hoạt đều ở mức bình dân, điều kiện ăn ở không đảm bảo chất lượng cộng với tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ. Cho nên người lao động lo ngại liệu có thể sống đến lúc được hưởng lương hưu không? "Công đoàn luôn xem việc tuyên truyền về các chính sách nhà nước đưa ra là trách nhiệm, nhưng người lao động có hiểu và tin tưởng không còn tùy thuộc vào thực tế liên quan trực tiếp đời sống của họ nên rất khó"- bà Hoa nói.
Từng tuyên truyền về chính sách BHXH cho rất nhiều người lao động nhưng ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (LĐLĐ Tỉnh Đồng Nai) thừa nhận chưa bao giờ dám khẳng định với người lao động là nên lãnh lương hưu hay nên nhận BHXH một lần bởi việc lựa chọn tùy thuộc vào điều kiện của từng người. "Quyền lựa chọn thuộc về người lao động. Tùy hoàn cảnh, điều kiện của từng người để đưa ra quyết định chính xác nhất"- ông Hà nói. Theo ông Hà, khi tuyên truyền chính sách cần phải thực hiện có hệ thống, tuyên truyền tới nơi tới chốn kèm theo các ví dụ, số liệu chứng minh để người lao động hiểu đúng, hiểu đủ để đưa ra quyết định phù hợp.
Công nhân trực tiếp sản xuất khó làm việc đến 60 tuổi để hưởng lương hưu
Ông Bùi Văn Tú, cán bộ phụ trách BHXH Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (TP HCM), chia sẻ tình trạng xếp hàng xuyên đêm, đi nhiều lần, phải làm nhiều thủ tục hành chính mới được giải quyết BHXH một lần đã khiến người lao động có suy nghĩ quỹ BHXH sắp vỡ nên bị cơ quan BHXH làm khó dễ để hạn chế rút BHXH một lần. Mặc dù, công ty có tuyên truyền về chính sách, thủ tục hưởng BHXH một lần cho người lao động nhưng những khó khăn từ thực tế mà họ gặp phải khi thực hiện các thủ tục tại các cơ quan BHXH đã khiến cho các buổi tuyên truyền không mang lại hiệu quả.
Trước lo lắng này, ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên thường trực Ủy ban xã hội Quốc hội, khẳng định kết dư quỹ BHXH hiện tại là hơn 1 triệu tỉ đồng và không thể có tình trạng vỡ bởi trong bất cứ trường hợp nào cũng được nhà nước bảo hộ.
Ông Nguyễn Phú Hùng, công nhân Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (41 tuổi, tỉnh Bình Dương) cho hay hơn 10 năm trước đã từng rút BHXH một lần. Khi đó hiểu biết về chính sách BHXH không nhiều do thiếu nguồn thông tin, chỉ nghĩ đơn giản còn trẻ rút ra để tiêu xài hoặc đầu tư gì đó sau đó tiếp tục tham gia. Hiện nay, công nghệ phát triển, NLĐ có thể tìm hiểu các thông tin qua mạng xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng, song cách tuyên truyền còn nghèo nàn và sử dụng nhiều từ ngữ chuyên ngành khiến người lao động khó tiếp thu. Khi không hiểu được thấu đáo các chính sách, người lao động dễ bị tác động bởi các nguồn tin không chính thống và có thể đưa các các quyết định chưa phù hợp, chẳng hạn như rút BHXH một lần. Do vậy, cùng với việc sửa đổi chính sách cần thay đổi cách tuyên tryền để người lao động tiếp cận thông tin một cách chính xác nhất.
Bình luận (0)