Trong tháng 4-2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty TNHH Yesum Vina (quận Thủ Đức, TP HCM) thông báo đóng cửa doanh nghiệp (DN) và chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với toàn bộ 600 công nhân (CN) từ ngày 30-5. Công ty thông báo trước 30 ngày với CN có HĐLĐ xác định thời hạn, 45 ngày với người có HĐLĐ không xác định thời hạn. Mất việc đột ngột trong khi chưa được giải thích rõ ràng về chế độ, chính sách, toàn bộ CN đã ngừng việc. Sau khi các cơ quan chức năng can thiệp, công ty đã cam kết sẽ bảo đảm quyền lợi cho CN mất việc. Ngày 12-5, khi đến công ty làm việc như thường lệ, toàn bộ CN bị "cấm cửa" mà không rõ lý do.
Hành xử bạc bẽo
Trao đổi với chúng tôi, nhiều CN không đồng tình với các hành xử của ban giám đốc. Nữ CN T.T.H bức xúc: "Nếu muốn chấm dứt hoạt động sớm hơn dự tính, công ty chỉ cần thông báo cho CN biết thay vì cấm cửa. Chúng tôi cống hiến nhiều năm cho DN và xứng đáng nhận được sự tôn trọng". Làm việc với Công đoàn các KCX-KCN TP, công ty xác nhận cho CN nghỉ việc sớm hơn dự định, từ ngày 11-5 thay vì ngày 30-5 như thông báo trước đó. Toàn bộ CN sẽ được chốt sổ BHXH, thanh toán tiền lương những ngày làm việc thực tế và được hỗ trợ 13 ngày lương không làm việc (từ ngày 12 đến 30-5) vào ngày 3-6.
Công nhân Công ty TNHH Yesum Vina lo lắng khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động sớm hơn thông báo Ảnh: HỒNG ĐÀO
Lấy lý do ảnh hưởng của dịch bệnh, Công ty CP Cà phê T.N (tỉnh Đồng Nai) cũng đã cắt giảm lao động. Tuy nhiên, do quy trình cắt giảm chưa hợp lý nên đã gây tranh chấp lao động. Anh Nguyễn Thái Hưng, trưởng phòng kinh doanh bán lẻ, cho biết anh ký HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm từ ngày 13-3-2020. Dù không đạt được thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ nhưng công ty vẫn cho anh nghỉ việc, thu hồi máy tính xách tay, điện thoại, xóa tên anh khỏi e-mail nhóm quản lý. Khi anh Hưng khiếu nại, công ty hủy bỏ thông báo chấm dứt HĐLĐ và chuyển anh sang bộ phận bán hàng. Do anh Hưng không đồng ý nên tranh chấp tiếp diễn đến nay.
Phải thấu tình, đạt lý
Tại hội thảo trực tuyến với chủ đề "Đương đầu đại dịch Covid-19 - chuyển hóa thách thức thành thời cơ" do CLB Nhân sự Việt Nam tổ chức vừa qua, một số chuyên gia nhân sự nhìn nhận khi có sự cố (thiên tai, dịch bệnh) buộc phải giảm quy mô sản xuất dẫn đến việc không thể bố trí đủ việc cho người lao động (NLĐ) thì phương án đầu tiên mà các DN nghĩ đến là cắt giảm hoặc cho CN ngừng việc không hưởng lương. Điều này đã vô tình gây tổn thương cho NLĐ, nhất là CN trực tiếp sản xuất bởi tiền lương là thu nhập chính của họ.
Bà Lê Thị Hoàng Quyên, Giám đốc nhân sự Công ty Liên doanh C.P (quận 9, TP HCM), chia sẻ chính những động thái thiếu cân nhắc nói trên sẽ gây khó khăn cho DN về lâu dài, cụ thể là thiếu hụt về nhân sự một khi dịch bệnh kết thúc và hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi. "Nếu DN có khả năng gồng gánh thì nên tính đến phương án giảm giờ làm, giảm lương đối với nhóm lao động quản lý cấp cao và tầm trung; sử dụng chi phí này bù đắp phần nào chi phí trả lương cho CN. Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng phải biết cách động viên nhân viên cùng nhau chia sẻ để vượt qua khó khăn" - bà Quyên nói thêm.
Đối với trường hợp quá khó khăn, buộc phải cắt giảm lao động, luật sư Dương Tiếng Thu, Công ty Luật Phước & Partners, khuyến cáo DN phải tuân thủ đúng luật. Cụ thể là thực hiện đúng quy trình cắt giảm và bảo đảm quyền lợi của đối tượng bị cắt giảm. Đặc biệt, khi chấm dứt HĐLĐ, DN cần lưu tâm đến các đối tượng lao động yếu thế được pháp luật bảo vệ như lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ; NLĐ ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị; NLĐ đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý; cán bộ Công đoàn đang trong nhiệm kỳ... để tránh phát sinh tranh chấp. "Theo quy định của Bộ Luật Lao động, trong trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh, DN được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ nhưng để thấu tình, đạt lý, DN phải chứng minh được việc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và đã thực hiện nhiều biện pháp khắc phục mà không được nên buộc phải cắt giảm lao động" - bà Thu nhấn mạnh.
Gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc
Theo kết quả khảo sát, điều tra của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại 131.000 DN trên cả nước và báo cáo của 59 tỉnh, thành về ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến giữa tháng 4-2020 có gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên. Trong đó, số lao động chịu ảnh hưởng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 1,2 triệu người; ngành bán buôn, bán lẻ khoảng 1,1 triệu người; ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống khoảng 740.000 người. Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết trong 4 tháng qua, có 67% DN cho biết đã thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động, cho lao động giãn việc, nghỉ luân phiên, cho lao động nghỉ không lương, giảm lương lao động. Bên cạnh đó, gần 40% DN thực hiện giãn việc, nghỉ luân phiên, 28% DN cắt giảm lao động, trong khi chỉ có 5,3% DN thực hiện đào tạo nâng cao trình độ cho lao động.
Kỳ tới: Biến thách thức thành cơ hội
Bình luận (0)