Bà Nguyễn Phương Mai bày tỏ sự cảm thông với những vất vả của nữ công nhân (CN) phải thức khuya dậy sớm để lên TP HCM làm việc.
Phóng viên: Là một chuyên gia nghiên cứu về lao động, việc làm, bà có thể cho biết đâu là những thách thức lớn cho lao động nữ (LĐN) khi phải duy trì công việc trên trong một thời gian dài?
- Bà NGUYỄN PHƯƠNG MAI: Trong báo cáo gần nhất mà Navigos Group thực hiện khảo sát về ngành sản xuất, một trong nhóm 3 thách thức lớn nhất của ngành này là môi trường làm việc bị ô nhiễm bởi tiếng ồn và không khí. "Nghỉ việc do đi làm việc xa" cũng nằm trong top 5 của người lao động (NLĐ). Không chỉ riêng phụ nữ mà đàn ông cũng cảm thấy đây là những thiệt thòi khi làm việc trong ngành sản xuất. Đặc biệt, nếu xét về thể lực thì phụ nữ không thể so sánh được với đàn ông, nên về mặt sức khỏe, họ cũng gặp nhiều bất lợi hơn.
Vậy đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến việc LĐN phải chấp nhận làm công việc với thời gian và không gian di chuyển nhiều và xa đến vậy?
- Thực ra vì nhu cầu công việc, đôi khi không phải LĐN, mà bất cứ lao động nào cũng phải chấp nhận một số điều kiện làm việc nhất định như trên. Theo tôi, không chỉ riêng phụ nữ trong nhóm lao động phổ thông, mà những phụ nữ trong ngành nghề khác hay cấp bậc khác cũng có những công việc cần thời gian dài và không gian di chuyển nhiều. Một phần do đặc thù công việc của ngành sản xuất, nhà máy và trụ sở chính hầu hết đều nằm ở khu vực ngoại thành hoặc tại các trung tâm lớn về kinh tế, như TP HCM chẳng hạn. Theo báo cáo về chủ đề "Phụ nữ trong công việc" của Navigos Group, phụ nữ hiện nay cũng có những mong muốn nhất định trong việc thể hiện năng lực và giá trị bản thân trong công việc. Đây cũng là điều dễ hiểu khi rất nhiều phụ nữ không ngại làm những công việc cần phải bỏ ra nhiều công sức hơn bình thường. Tuy nhiên, chính những định kiến trong xã hội và từ chính quan niệm của người phụ nữ là: Phụ nữ chỉ có thể đảm nhiệm công việc ở nhà, khiến họ luôn phải cố gắng chu toàn và cân bằng cho cả gia đình và công việc. Để đạt được sự cân bằng tuyệt đối, theo tôi, đó là điều khó có thể thực hiện được. Vì vậy người phụ nữ luôn cần có sự hỗ trợ từ gia đình và người thân. Nói cách khác là "đừng để LĐN cô đơn".
Khoảnh khắc gặp gỡ hiếm hoi của gia đình chị Cao Thị Tho (xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) sau một ngày làm việc vất vả Ảnh: LÊ PHONG
Lối thoát nào cho chị em nông thôn nghèo có việc làm ổn định ngay tại nhà ngoài công việc đồng áng? Gợi ý của bà về những nghề mà chị em có thể làm tốt trong kỷ nguyên công nghệ kết nối 4.0 như hiện nay?
- Cách mạng công nghiệp 4.0 đã len lỏi vào nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có cả ngành nông nghiệp. Nếu muốn ở lại quê nhà làm nông nghiệp thì NLĐ phải biết sử dụng máy móc hiện đại. Giải quyết tốt được vấn đề này không chỉ giảm thiểu được sức lao động mà còn giúp LĐN giải được bài toán khó trong quá trình tìm kiếm và ổn định việc làm. Nếu chị em biết tận dụng được không gian mạng thì có hàng trăm công việc mà chị em ở quê cũng có thể làm được, như bán hàng online chẳng hạn. Nếu nhà mình có đất, có vườn thì tại sao không chọn cây trái phù hợp để trồng theo tiêu chuẩn xanh - sạch để bán cho bạn bè, người thân qua kênh online. Nếu chị em biết sử dụng mạng xã hội thì vẫn có thể nhập và bán những mặt hàng mà mình yêu thích như thời trang, phụ kiện, quà tặng…
Hiện nay, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang trở nên căng thẳng hơn, đồng nghĩa với việc ngành nông nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn. Tôi cho rằng trong tương lai, các doanh nghiệp (DN) cũng sẽ đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực này, mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho NLĐ ở khu vực nông thôn.
Bà có khuyến nghị gì trong việc giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn?
- Tôi nghĩ lao động nông thôn rất cần được Chính phủ và DN tạo điều kiện đào tạo nghề và phổ cập về cách ứng dụng công nghệ vào ngành nông nghiệp cùng những phương pháp làm nông nghiệp mới nhất hiện nay, giúp người làm nông giảm thiểu được công việc nặng nhọc, đạt được năng suất tốt hơn, sản xuất những sản phẩm chất lượng cao hơn, mang đến nguồn thu tài chính tốt hơn cho gia đình ngay tại chỗ. Để có cơ hội ứng dụng những công nghệ mới, nông dân cũng cần được hỗ trợ về vốn để trang bị các máy móc hiện đại vào làm nông. Đối với những lao động không có đủ năng lực về tài chính để sử dụng các công nghệ mới trong nông nghiệp, tôi nghĩ họ có thể lựa chọn những công việc khác như làm sản phẩm thủ công, mỹ nghệ hoặc làm tăng giá trị những nông sản mình sẵn có để kinh doanh.
Chính phủ và DN cũng cần có chiến lược truyền thông hiệu quả về những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, qua đó tạo thị trường cho các mặt hàng nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển. Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới có thể tạo được thị trường việc làm bền vững cho lao động ở khu vực nông thôn.
Bình luận (0)