xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hành trình 200 km làm công nhân

Bài và ảnh: LÊ PHONG

Hàng ngàn công nhân miền Tây Nam Bộ từ lúc trời chưa sáng đã bắt xe lên TP HCM làm công nhân đến tối mịt mới về tới nhà

Qua giới thiệu, chúng tôi xin theo làm phụ xe cho một xe khách chuyên chở công nhân (CN) từ Tiền Giang lên TP HCM làm việc. Sau nhiều ngày cùng đi lại với họ, chúng tôi ghi chép lại những câu chuyện thú vị về hành trình hơn 200 km đi làm mỗi ngày.

Đi lúc trời chưa sáng, về khi trời tối thui

Mọi khi, tài xế Lâm Văn Ngọc (43 tuổi) đợi đến 16 giờ 30 phút sẽ nổ máy đậu trước cổng Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) để đưa CN về nhà. Tuy nhiên, hôm nay, anh Ngọc nhận được thông báo tất cả CN phải tăng ca thêm một giờ.

Hành trình 200 km làm công nhân - Ảnh 1.

Bữa cơm muộn của gia đình chị Cao Thị Tho lúc 21 giờ

Nán đợi, cuối cùng những chiếc áo xanh cũng rời khỏi phân xưởng trong bộ dạng tất bật và nhanh chóng bước lên xe. Anh Ngọc đưa cho tôi danh sách người đi và nhờ kiểm tra lại số lượng. Liếc sơ, tôi thấy anh chị em sống rải rác khắp các huyện ở tỉnh Tiền Giang. Trong đó, điểm xa nhất cách công ty khoảng 100 km là chợ Thiên Hộ, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè. Chưa đầy 10 phút, 45 chỗ ngồi trên xe được lấp đầy CN và ai cũng mong sớm về nhà. Chiếc máy lạnh trên xe hỏng từ nhiều năm nên không khí bên trong khá bức bối. Những nữ CN lớn tuổi hoặc có thai sẽ được ưu tiên ngồi cạnh cửa sổ để lấy gió trời. Xe lăn bánh, gió bên ngoài lùa vào khiến không khí dịu hơn một chút. Chừng 15 phút, gần như tất cả CN đều thiêm thiếp. Trên xe, tôi có dịp trò chuyện với chị Cao Thị Tho (44 tuổi; ngụ xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Bốn năm qua, một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc gần 20 giờ. "Lên xe đi làm khi mặt trời chưa lên và đặt chân xuống chiếc giường cũng là lúc bầu trời tối đen. Nói em không tin chứ từ lâu rồi chị chưa thấy được ánh mặt trời" - chị Tho tâm sự. Chị Tho cho biết ở độ tuổi như chị, phụ nữ ở quê không thể nào xin việc làm ở các xí nghiệp, KCN gần nhà vì những nơi này chỉ nhận lao động trẻ. Nếu làm những công việc liên quan đến đồng áng, đan lát hoặc làm thuê thì cũng chỉ kiếm được mỗi ngày chưa đến 30.000 đồng. Nghe tôi ngỏ ý muốn đến gia đình để hiểu hơn cuộc sống của CN, chị Tho gật đầu ngay. Xe vừa đến gần trạm BOT Cai Lậy thì dừng lại, 4 CN trên xe bước xuống, trong đó có chị Tho. Ở ven đường, anh Nguyễn Thanh Toán (48 tuổi, chồng chị Tho) đã đứng đợi sẵn. Lúc này, đồng hồ đã chỉ gần 20 giờ, con đường vào nhà của vợ chồng chị hai bên là ruộng và kênh rạch chằng chịt. Những người hàng xóm đã đóng cửa, tắt đèn. Duy nhất nhà chị còn sáng đèn.

Mơ một lần đón con đi học

Trông thấy mẹ, đứa con trai học lớp 6 chạy ra mừng rỡ. Chị ôm con vào lòng và nhắc con ngủ sớm để sáng mai còn đi học. Dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng, chị vội vàng rửa mặt cho tỉnh người sau mấy giờ ngồi xe. 21 giờ cũng là lúc hai vợ chồng mới bắt đầu bữa cơm tối. Như mọi ngày, hôm nay anh Toán vẫn lặp đi lặp lại câu hỏi: "Vợ hôm nay làm việc ra sao? Có mệt lắm không?". Đây cũng là khoảnh khắc mong đợi vui vẻ nhất bởi đôi vợ chồng có dịp ngồi bên nhau. Cơm nước xong, chị Tho chỉ kịp giặt vội bộ quần áo CN để phơi nhanh cho kịp sáng sớm mai có cái để mặc. Giăng mùng ngả lưng chưa đến 5 phút chị Tho đã say giấc. Cả ngày hôm nay, chị gặp con chưa đến 5 phút.

Đúng 3 giờ sáng, trong lúc đang mơ màng, chúng tôi nghe thấy tiếng động dưới bếp. Chị Tho đang lúi húi nhóm lửa để hâm lại nồi thịt kho hôm trước. Ít phút sau, anh Toán cũng trở mình bước khỏi giường. 30 phút sau, cả hai chở nhau trên chiếc xe máy cũ kỹ theo dọc con đường mòn ra điểm tập trung. Địa điểm chờ xe là bãi đất trước một quán ăn nằm cạnh Quốc lộ 1. Dường như đã thành thói quen, khi lên xe, mọi người cố gắng không gây tiếng động lớn, không nỡ đánh thức giấc ngủ của những CN lên xe trước đó.

Chuyện của gia đình chị Tho có lẽ là một ví dụ điển hình cho rất nhiều câu chuyện khác của CN ở các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang nửa đêm thức dậy theo xe lên TP HCM làm việc. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, giống nhau ở quãng đường dài ngồi trên xe nhiều giờ để đi làm. Chị Võ Thị Kim Thạch (ngụ huyện Cái Bè) kể với chúng tôi từ khi con đi học, chị chưa lần nào chở con đi. "Mới đây, ngồi trên xe thấy cảnh mẹ chở con đến trường tự nhiên tôi chảy nước mắt. Tủi thân và thương con vô cùng" - chị Thạch nói.

Cũng theo chị, mỗi ngày ở nhà chỉ 5 giờ. Nhà chị nằm ở điểm xa nhất trong chuyến xe đầu tiên đưa CN Tiền Giang lên TP HCM vì vậy từ 1 giờ đã phải dậy và trở về nhà lúc 21 giờ. Chỉ tay vào đôi mắt thâm quầng, cánh tay gầy nhom, chị Thạch nói: "Tôi gầy guộc một phần do thiếu ngủ. Nhưng nếu không chọn việc làm này thì ở quê không có việc nào có thu nhập cao"… 

“Ngày đầu tiên đi theo xe lên TP HCM làm việc cũng là ngày con trai bắt đầu vào lớp 2. Xe lăn bánh là tôi khóc liên tục. Cứ nghĩ tới cảnh không có thời gian gần gũi con để chăm sóc là buồn tủi” - chị Cao Thị Tho bộc bạch.

Kỳ tới: Làng hiếm phụ nữ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo