Men theo con đường liên xã, chúng tôi tìm đến ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hạnh Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vào buổi sáng sớm. Một vài quán ăn bên đường chỉ có người già, những đứa trẻ trong bộ quần áo học sinh đang đứng đợi mua thức ăn sáng. Cánh đàn ông thì cà kê ở quán cà phê trước chợ rung đùi, trò chuyện.
Nặng gánh người già
Phóng tầm mắt ra cánh đồng gần đó, chúng tôi chỉ thấy lác đác vài phụ nữ tầm khoảng 50 tuổi, 60 tuổi đang khom lưng nhổ cỏ chuẩn bị cho vụ mùa mới. Ông Lê Chín - 60 tuổi, một người dân cố cựu tại địa phương - cho biết phụ nữ ở xã trong độ tuổi từ 20-45 đều đến TP HCM làm công nhân (CN). "Rất ít người thuê trọ tại TP và chấp nhận sáng đi, tối về. Đó cũng là lý do vì sao người ta gọi là làng hiếm phụ nữ" - ông Chín bật mí.
Xã Mỹ Hạnh Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có rất nhiều phụ nữ đi làm công nhân và hiếm thấy họ vào ban ngày
Ông kể vanh vách cho chúng tôi nghe gia cảnh từng hộ trong ấp. Như nhà bà Tám có 2 con, con trai nhỏ làm CN ở Bình Dương; con gái lớn làm ở quận Bình Tân, TP HCM. Nhà bà Tư Nghĩa thì có 4 người con đang làm CN ở TP HCM. Hay như vợ chồng ông Mười Ngọc, dù tuổi cao sức yếu vẫn phải gồng gánh chăm sóc mấy đứa cháu cho con đi lên Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) làm CN. "Cậu tới đây vào ban ngày thì khó gặp được phụ nữ. Mấy đứa nhỏ đi TP làm, tối mịt mới về. Dân trong ấp chủ yếu là người già, thanh niên, trẻ con" - ông Chín nói.
Ông Chín dẫn chúng tôi sang nhà ông Phúc (65 tuổi) hàng xóm để chứng kiến rõ hơn. Bên trong nhà chỉ có vợ chồng ông Phúc đang chơi với đứa cháu gái 2 tuổi. Gắng gượng đứng dậy mời khách vào nhà uống nước, ông Phúc thở dài: "Ở tuổi này chỉ có thể chăm cháu để mấy đứa nhỏ đi làm. Gia đình tôi may mắn hơn những người khác bởi con đi làm ở TP HCM, tối còn về phụ giúp".
Đàn ông lo chuyện bếp núc
Thử tìm đến một khu dân cư khác thuộc xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - nơi có hàng trăm phụ nữ làm CN ở TP HCM. Qua hơn chục cây cầu, chúng tôi cũng chỉ bắt gặp những căn nhà khóa trái cửa, thi thoảng mới thấy bóng dáng trẻ con.
Ông Trịnh Gia Ngọc, 43 tuổi, là một trong những người có vợ làm CN ở TP HCM bằng xe đưa rước. Công việc của ông là dậy từ 3 giờ 30 phút, chở vợ từ nhà ra đường lộ và 20 giờ quay lại điểm đón để rước về. Trong nhà, mọi việc cơm nước, đồng áng, giặt quần áo, quét dọn do ông làm. Nguồn thu nhập chính của gia đình ông Ngọc là đồng lương của vợ. Giải thích việc này, ông Ngọc nói do lớn tuổi nên chỉ có thể làm ruộng và bốc xếp ở xưởng gạo gần nhà. Trong khi đó, vợ ông làm CN ở Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam thì thu nhập khá hơn. Thế nhưng, để có thu nhập ổn định, vợ ông phải chấp nhận sáng đi tối về. "Bạn bè hay trêu chọc tôi là sống bám vợ. Lúc đầu, tôi cũng tự ái nhưng nghĩ phụ được vợ việc gì thì cứ làm nên không đôi co hay cự cãi, miễn là cuộc sống gia đình hạnh phúc" - ông Ngọc tâm sự:
Ông Ngọc chẳng phải là trường hợp điển hình bởi hàng loạt gia đình khác cũng như vậy. Hơn 8 năm qua, ông Nguyễn Thạnh Nghĩa (48 tuổi; ngụ thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đảm nhận việc nấu ăn, đưa con đi học, giặt quần áo… Ông Nghĩa nói vui: "Giờ chuyện nhà tôi còn giỏi hơn cả vợ. Đây cũng là chia sẻ khó khăn với nhau".
Thay đổi nếp sống
Ông Lê Thửng (55 tuổi; ngụ xã Mỹ Hạnh Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết từ khi các công ty ở TP HCM xuống tận nơi đưa rước CN đi làm thì nếp sống ở làng quê cũng dần thay đổi. "Nhiều người trước đây hay tụ tập nhậu nhẹt thì nay bỏ hẳn, chí thú làm ăn và chăm sóc con cái thay vợ. Nhà gạch kiên cố mọc lên ngày càng nhiều, thay cho nhà tranh cũ nát. Dịp cuối tuần, mọi người tổ chức họp mặt, giao lưu. Lâu lâu nhận lương thì cả xóm thuê nhạc sống để hát hò giải trí" - ông Thửng nói.
Bình luận (0)