Khi gia đình vừa được địa phương công nhận thoát nghèo thì ông L.T.B bị tai nạn lao động (TNLĐ) khiến 2 bàn tay bị đứt lìa, tỉ lệ thương tật 82% vĩnh viễn. Là lao động chính trong nhà nên khi sự cố xảy ra, gia đình ông lâm vào cảnh khốn khó.
Đôi bên cùng thiệt
Theo lời kể của ông B., ông vào làm việc tại Chi nhánh Công ty CP C.L ở tỉnh Đồng Tháp nhưng không được ký hợp đồng lao động, tham gia BHXH, BHYT; cũng không được huấn luyện an toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ). Trong một lần được phân công làm vệ sinh bồn chứa tấm tại nhà máy xay xát gạo và sản xuất bột thô, do bất cẩn của nhân viên vận hành nên 2 tay ông B. bị trục lăn của máy nghiền nát.
Không bảo đảm an toàn lao động sẽ để lại những hệ lụy cho cả người lao động lẫn người sử dụng lao động
Sau khi TNLĐ xảy ra, ông B. chỉ được công ty bồi thường 18 triệu đồng. Bức xúc, ông khiếu nại đến cơ quan chức năng yêu cầu bồi thường 1 tỉ đồng. Tại các buổi hòa giải, do công ty chỉ chấp nhận bồi thường 200 triệu đồng nên ông B. quyết định khởi kiện ra tòa.
"TNLĐ xảy ra khiến tôi trở thành người tàn phế, cuộc sống của gia đình bị đảo lộn hoàn toàn. Tôi chỉ mong nhận được quyền lợi thỏa đáng để có thêm chi phí trang trải cuộc sống sau này" - ông B. chia sẻ.
Khi xảy ra TNLĐ, ngoài tính mạng và sức khỏe người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng, người sử dụng lao động cũng phải trả một cái giá rất đắt khi bồi thường cho NLĐ. Điển hình như vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH Tái chế kim loại V.N (tỉnh Long An) cách đây ít lâu.
Ngày 28-10-2019, trong lúc trèo lên bờ tường nhà xưởng để sắp lại hệ thống dây điện của lò nấu kim loại, ông T.V.T bị rơi xuống đất và tử vong. Sau sự cố, Công ty V.N và vợ ông T. đã đạt được thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại do TNLĐ. Cụ thể, công ty chi tiền mai táng, chu cấp chi phí sinh hoạt mỗi tháng là 4 triệu đồng cho bé T.N.D.T (SN 2005), con ông T., đến khi đủ 22 tuổi và thanh toán tất cả chi phí học tập đến khi bé ngưng học. Đồng thời, công ty sẽ mở tài khoản ngân hàng đứng tên bé T. và gửi vào đó số tiền bồi thường 200 triệu đồng (số tiền này bé T. được quyền định đoạt khi đủ 18 tuổi).
Do công ty không thực hiện đúng thỏa thuận nên vợ ông T. khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường một lần với tổng số tiền hơn 577 triệu đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm (tháng 8-2020), TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ ông T. và buộc công ty phải bồi thường số tiền nêu trên. Công ty kháng cáo và đề nghị tiếp tục thực hiện thỏa thuận trước đó. Ở phiên xử phúc thẩm vào tháng 12-2020 do TAND tỉnh Long An tổ chức, vợ ông T. đã chấp nhận đề nghị của công ty.
Có thể bị xử lý hình sự
Khi vi phạm AT-VSLĐ, ngoài chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật AT-VSLĐ, người vi phạm còn có thể bị xử lý theo quy định của Bộ Luật Hình sự. Ông P.Đ.K, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ K.P.Đ (tỉnh Lâm Đồng), là một trong những trường hợp bị xử lý hình sự do vi phạm quy định về AT-VSLĐ.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 8-2019, ông K. tuyển anh P.A.H (SN 1988) làm thợ gia công cửa nhôm, nhựa. Bố trí anh H. làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về AT-VSLĐ nhưng công ty không tổ chức huấn luyện AT-VSLĐ và cấp thẻ an toàn mà chỉ hướng dẫn miệng cách sử dụng các máy móc, thiết bị khi làm việc. Chiều 30-10-2019, khi sử dụng máy mài kim loại, H. bị đá mài vỡ văng trúng ngực và chết trên đường đi cấp cứu.
Qua điều tra, các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân TNLĐ là do công ty không tổ chức huấn luyện AT-VSLĐ cho NLĐ theo quy định của Luật AT-VSLĐ. Do đó, dù đã bồi thường, khắc phục hậu quả cho gia đình người bị hại và thân nhân anh H. có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự nhưng ông K. vẫn bị truy tố về tội "Vi phạm quy định an toàn lao động (ATLĐ)" theo điểm a khoản 1 điều 295 Bộ Luật Hình sự. Tại phiên xét xử sơ thẩm do TAND TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tổ chức, dù may mắn không bị phạt tù nhưng ông K. đã bị xử phạt 30 triệu đồng.
8.610 người bị TNLĐ, thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2020, cả nước đã xảy ra 8.380 vụ TNLĐ làm 8.610 người bị nạn, trong đó 966 người chết và 1.897 người bị thương nặng. Nguyên nhân xảy ra TNLĐ chủ yếu là do lỗi của người sử dụng lao động (không huấn luyện ATLĐ hoặc huấn luyện ATLĐ chưa đầy đủ cho NLĐ, thiết bị không bảo đảm ATLĐ, điều kiện lao động không an toàn...). Thiệt hại về vật chất do TNLĐ (chi phí tiền thuốc, mai táng, bồi thường cho gia đình người chết và người bị thương) xảy ra trong năm qua là trên 6.003 tỉ đồng, thiệt hại về tài sản trên 3,883 tỉ đồng. Năm 2020 cũng đã có 24 vụ bị đoàn điều tra TNLĐ đề nghị khởi tố và 17/24 vụ đã có quyết định khởi tố hình sự của cơ quan CSĐT.
Bình luận (0)