Khi TP HCM chính thức yêu cầu áp dụng "3 tại chỗ" (sản xuất - ăn - nghỉ ngơi tại chỗ) từ 0 giờ ngày 15-7, trong lúc nhiều doanh nghiệp (DN) rơi vào thế bị động do thời gian thực hiện quá gấp rút, thì tại Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM), toàn bộ công nhân (CN) đã quen dần với cuộc sống "cách ly" tại nhà máy nhiều ngày trước đó.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng quận, phương án "3 tại chỗ" được Công ty TNHH May mặc Song Ngọc thực hiện rất bài bản, vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch vừa bảo đảm chuỗi sản xuất không bị gián đoạn. Kết quả ấy có đóng góp không nhỏ của ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn công ty.
Dám nghĩ dám làm
Khi dịch Covid-19 tại TP diễn biến ngày càng phức tạp, đầu tháng 6-2021, ông Sơn đã đề xuất với ban giám đốc xây dựng nhiều phương án ứng phó, trong đó có việc bố trí CN ăn ở tại nhà máy. Hiểu được thiện chí của Ban Chấp hành Công đoàn, ban giám đốc đã thông qua phương án này.
Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Song Ngọc, cắt tóc cho công nhân
Cùng với các thành viên trong Ban Chấp hành Công đoàn, ông Sơn bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị, từ việc bố trí nơi ngủ cho từng đối tượng (CN mang thai, CN có con nhỏ, CN chưa lập gia đình), đến mua sắm đồ dùng thiết yếu, thực phẩm, sửa chữa nhà tắm, nhà vệ sinh… Khi khâu chuẩn bị hoàn tất, ông Sơn đề xuất ban giám đốc cho triển khai thử nghiệm để CN làm quen dần với cuộc sống trong nhà máy. Sau 2 ngày vận động, đã có 200/300 CN đã đồng ý vào công ty "cách ly" thử. Một tuần sau đó, có thêm 50 CN xin vào ở tại công ty và được bố trí ở một khu vực riêng. Đến thời điểm TP có văn bản yêu cầu DN thực hiện phương án "3 tại chỗ" thì công ty đã có 250/300 lao động ăn, ở, làm việc tại nhà máy, một tỉ lệ khá cao so với các DN khác trên địa bàn quận.
Để CN vững tâm hơn, ông Sơn chấp nhận xa gia đình vào cách ly cùng CN từ những ngày đầu. Cùng với việc thường xuyên phải giải quyết các tình huống phát sinh, mỗi tối, ông Sơn còn đích thân kiểm tra, nhắc nhở CN ngủ, nghỉ đúng giờ, kiểm tra nhiệt độ máy lạnh trong từng phòng. Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho CN, ông Sơn còn đề xuất ban giám đốc bỏ chi phí thuê đơn vị y tế đến test Covid-19 cho CN hằng tuần; nấu thêm các món ăn mặn và cung cấp thêm trái cây, thuốc bổ để giúp CN tăng sức đề kháng… "Dù đã cố hết sức để lo cho anh em CN nhưng tối đến thấy họ gọi điện tâm sự với gia đình, con cái mà muốn ứa nước mắt. Do vậy, chúng tôi tổ chức thêm các hoạt động tập thể như thi đấu thể thao, cắt tóc, cung cấp thực phẩm để CN tự nấu ăn… giúp họ khuây khỏa và tăng thêm tính đoàn kết" - ông Sơn cho hay.
Ở lại công ty từ những ngày đầu "cách ly", chị Nguyễn Thị Hoàng Yến, CN chuyền 5, rất hài lòng với điều kiện ăn, ở tại đây. Chị Yến bộc bạch: "Được bố trí ăn ở và làm việc tại chỗ, chúng tôi rất an tâm vì vừa an toàn vừa tiết kiệm được nhiều chi phí. Do hưởng lương sản phẩm nên khi có nhu cầu, chúng tôi có thể đăng ký làm thêm giờ để tăng thu nhập. Trong bối cảnh nhiều nhà máy phải đóng cửa, CN nghỉ việc, chúng tôi thấy mình rất may mắn. Tất cả là nhờ nỗ lực của ban giám đốc và Công đoàn cơ sở, đặc biệt là chủ tịch Công đoàn".
Đồng hành vượt khó
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại TP HCM kèm theo việc thực hiện các chỉ thị giãn cách xã hội khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Nệm Vạn Thành (quận Tân Phú, TP HCM) gặp nhiều khó khăn khi tất cả các điểm kinh doanh đều phải đóng cửa. Để bảo đảm việc làm và thu nhập cho CN, bà Phạm Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn công ty, đã vận động ban giám đốc cố gắng duy trì hoạt động sản xuất. Khi TP thực hiện Chỉ thị 16 và yêu cầu DN thực hiện phương án "3 tại chỗ", 150/600 lao động đồng tình thực hiện phương án "cách ly" tại đơn vị.
Trong bối cảnh doanh thu giảm mạnh, lại phát sinh thêm chi phí khi tổ chức cho CN ăn ở tại chỗ nên công ty gặp rất nhiều khó khăn. Để bảo đảm đời sống cho CN, bà Hồng vẫn kiên trì thương lượng để chủ DN chấp thuận trả lương cho số lao động tạm thời nghỉ việc ở mức 50% thu nhập (cao hơn lương tối thiểu vùng). Đối với CN ăn ở tại nhà máy, ngoài việc được chích vắc-xin, test Covid-19 hằng tuần, họ được bố trí chỗ ngủ với đầy đủ giường tầng, nệm, quạt và các đồ dùng thiết yếu… CN còn được hỗ trợ 3 suất ăn/ngày (30.000 đồng/suất) để bảo đảm sức khỏe.
Khi triển khai mô hình "3 tại chỗ" lại phát sinh khó khăn khác là đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp không thể giao hàng như trước. Tình thế này buộc công ty phải tự tổ chức nấu tại chỗ. Dù nguồn thực phẩm khan hiếm trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội nhưng Ban Chấp hành Công đoàn đã tận dụng các mối quan hệ để tìm nguồn cung. Đến nay, nguồn cung thực phẩm cũng như các công tác phục vụ cho NLĐ ở lại đã khá hoàn thiện, cuộc sống "cách ly" của CN cũng đã dần đi vào nề nếp" - bà Hồng cho biết.
Để sẻ chia khó khăn với DN, bà Hồng còn tự thiết kế và cho thi công 10 phòng phun khử khuẩn để thực hiện công tác phòng chống dịch tại đơn vị. "Trong hoàn cảnh nào, bà Phạm Thị Hồng cũng luôn thể hiện bản lĩnh của người cán bộ Công đoàn, luôn hết mình với DN và người lao động. Có được chỗ dựa tin cậy như vậy nên chúng tôi rất yên tâm làm việc và cống hiến lâu dài" - anh Vũ Kiên Quyết, làm việc tại Nhà máy Gòn của Công ty TNHH Nệm Vạn Thành, bày tỏ. n
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-7
Kỳ tới: Tận lực chăm lo, bảo vệ công nhân
Bà LƯU VỸ PHƯƠNG, Phó Giám đốc Công ty TNHH May mặc Song Ngọc:
Doanh nghiệp, công nhân tin yêu, quý trọng
Để triển khai mô hình "3 tại chỗ", DN phải bỏ thêm nhiều chi phí, song bù lại duy trì được hoạt động sản xuất và quan trọng hơn là sức khỏe CN được bảo đảm. Do vậy, khi anh Trần Thanh Sơn đề xuất phương án 3 cho CN sản xuất, ăn ở tại chỗ, ban giám đốc rất đồng tình. Với vai trò thủ lĩnh Công đoàn, ngoài tinh thần nhiệt huyết, hết lòng chăm lo cho đoàn viên và NLĐ, anh Trần Thanh Sơn cũng hỗ trợ ban giám đốc rất nhiều. Đó là lý do vì sao anh Sơn được DN và người lao động tin yêu, quý trọng.
Bình luận (0)