Vì vậy, Hà Nội sẽ phối hợp cùng tổ chức Công đoàn (CĐ) xây dựng khu nhà ở kèm theo các thiết chế văn hóa nhằm cải thiện đời sống người lao động (NLĐ). Những nỗ lực này sẽ góp phần hiện thực hóa giấc mơ nhà ở cho công nhân (CN)
Nhu cầu nhà ở ngày một cao
Có chứng kiến cuộc sống của hàng nghìn CN trong các phòng trọ chật hẹp chỉ khoảng 10m2 ở các xã: Kim Chung, Hải Bối, Đại Mạch (Đông Anh), Phùng Xá (Thạch Thất), Ngọc Hòa, Tiên Phương (Chương Mỹ)… mới thấy được nguyện vọng "an cư" để "lạc nghiệp" của NLĐ lớn như thế nào.
Chị Nguyễn Thị Trang (CN Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài) cho biết, phần lớn CN xa gia đình về Hà Nội làm việc, do kinh tế eo hẹp nên phải ở trọ trong những căn phòng nhỏ, thiếu tiện nghi. Ngày làm việc vất vả, đêm về ngủ trong căn phòng ngột ngạt, vì thế ai cũng mong muốn được thuê nhà chung cư do thành phố xây phục vụ CN với giá rẻ và càng khao khát được sở hữu căn nhà của chính mình.
Tại các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với CN, nhà ở luôn là vấn đề nóng bỏng, dù thành phố không ngừng cải thiện, mở rộng chính sách hỗ trợ đời sống NLĐ. Chủ tịch LĐLĐ Nguyễn Thị Tuyến cho biết, hiện 90% CN đang làm việc tại TP phải thuê nhà trọ với giá khá cao.
Khu nhà ở dành cho công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Anh Tuấn
Quan tâm đến đời sống người lao động, những năm qua, TP đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, nỗ lực xây nhà ở, nâng cao chất lượng đời sống cho CN Tại các khu công nghiệp: Thăng Long, Phú Nghĩa, Quốc Oai, Thạch Thất, TP đã hoàn thiện nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thuê nhà của gần 200.000 NLĐ với giá ưu đãi 120.000 đồng/ tháng/người.
Tuy vậy, Hà Nội là trung tâm phát triển, thu hút lao động từ nhiều địa phương, nhu cầu nhà ở cho CN không ngừng tăng. Năm 2016, UBND thành phố đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư rà soát toàn bộ các khu công nghiệp đang hoạt động, tìm quỹ đất, tham mưu kế hoạch xây nhà ở, siêu thị, trường học, khu giải trí kèm hạ tầng phù hợp để phục vụ NLĐ.
Ngày 19-5 vừa qua, trong cuộc gặp gỡ gần 1.000 CN, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội sẽ phối hợp cùng tổ chức CĐ xây dựng khu nhà ở cho công nhân kèm theo các thiết chế như nhà trẻ, nhà văn hóa, khu giải trí, siêu thị... để tạo điều kiện cải thiện đời sống cho công nhân trên địa bàn. Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ dành khoảng 700 - 800 tỷ đồng xây dựng các thiết chế này trên cả nước, trong đó có Hà Nội. Đây là tin vui cho hơn 150.000 CN trong các khu công nghiệp - chế xuất của TP.
Cần có chính sách ưu đãi
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong ngành Xây dựng và Đô thị đã khẳng định đề án này hoàn toàn có tính khả thi. Tuy nhiên, theo ông Vũ Gia Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (LIDECO), để xây được nhà ở giá rẻ cần phải có những tiêu chí cụ thể, cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp (DN )triển khai. Nhà ở giá rẻ cho CN cần được ưu tiên về đất "sạch", miễn tiền sử dụng đất và hỗ trợ các thủ tục về xây dựng cơ bản. Cùng với đó, cần kết nối các DN mạnh trong lĩnh vực xây dựng (cung cấp nguyên vật liệu, thiết kế, quy hoạch, xây lắp) để hỗ trợ nhau triển khai, hạn chế những biến động của thị trường tác động đến giá thành xây dựng.
Nhiều công nhân tại các Khu công nghiệp phải thuê trọ trong những căn nhà chật hẹp. Ảnh: Vân Anh
Cùng quan điểm, Giám đốc bộ phận đầu tư Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương phân tích, giá trị đất thường chiếm 30 - 45% tổng giá trị sản phẩm. Quy trình từ phê duyệt đến hoàn thành dự án kéo dài 3 - 5 năm cũng ảnh hưởng đến chi phí dự án. Vì vậy cần miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuế, hỗ trợ pháp lý, rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ, tăng tính khả thi.
Khẳng định xây dựng nhà giá rẻ cho CN hoàn toàn khả thi, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần xây dựng các công trình này ở nơi có đông CN làm việc. Muốn vậy, trước tiên phải có quy hoạch, sau đó là có cơ chế, chính sách ưu đãi, khai thác sử dụng vật liệu, mẫu nhà để bảo đảm điều kiện sống, vệ sinh môi trường, an toàn cho người sử dụng…
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội hiện khá đầy đủ, đồng bộ. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Quốc hội, Chính phủ các giải pháp về vốn, tín dụng, thuế, huy động nguồn tài chính cho phát triển loại hình nhà ở này.
Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12-5-2017. Thiết chế của công đoàn gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị CĐ cùng các hoạt động chăm sóc y tế, sinh hoạt văn hóa, thể thao, giải trí. Từ nay đến năm 2018 sẽ xây dựng 10 thiết chế tại Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang. Tháng 6-2018 sẽ hoàn thành khu thiết chế đầu tiên với hơn 1.000 căn hộ tại Khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam). Mỗi căn nhà có mức giá từ 100 đến 200 triệu đồng. Đến năm 2020 sẽ hoàn thành 50 thiết chế, đến năm 2030 tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất có thiết chế CĐ.
Bình luận (0)