Ngày 30-1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình do Chính phủ ban hành.
Không để lọt đối tượng hỗ trợ
Theo đó, để bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm, Chính phủ đề ra một số giải pháp: Hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ) có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong KCN-KCX, khu vực kinh tế trọng điểm. Mức hỗ trợ đối với NLĐ quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và NLĐ đang làm việc trong các doanh nghiệp (DN) là 500.000 đồng/tháng. Thời gian thực hiện là trong 6 tháng đầu năm 2022.
Được hỗ trợ tiền thuê nhà sẽ giúp lao động ngoại tỉnh tiết kiệm chi tiêu .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo Nghị quyết 11, Chính phủ sẽ sử dụng khoảng 6.600 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ. Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc hỗ trợ tiền thuê nhà đối với NLĐ theo quy định tại Nghị quyết 11 ngay trong tháng 2-2022.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết nhà ở là vấn đề bức thiết đối với NLĐ, đặc biệt là công nhân (CN) KCX-KCN ở các đô thị lớn. Chi phí thuê nhà chiếm một phần không nhỏ trong các khoản mà NLĐ phải chi. Vì vậy, việc Chính phủ quyết định hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà là rất cần thiết và rất quý đối với NLĐ.
"Để triển khai việc hỗ trợ này, cần có hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành. Đối với CN đang làm việc tại KCX-KCN, khu vực kinh tế trọng điểm…, cần phải lập danh sách đối tượng thụ hưởng và có kế hoạch tổ chức chi trả, hỗ trợ. Việc hỗ trợ cần thực hiện nhanh chóng, đơn giản các loại hồ sơ, giấy tờ để tạo thuận lợi cho NLĐ" - ông Lê Đình Quảng góp ý.
Theo ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, những chính sách như hỗ trợ tiền thuê nhà, cho vay vốn đào tạo nghề… là nhằm giải quyết và xử lý vấn đề hỗ trợ NLĐ quay lại thị trường lao động, giải quyết công ăn, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Chính sách này không chỉ hỗ trợ NLĐ ổn định công việc mà còn giúp các DN không bị đứt gãy nguồn cung lao động. Đây là một chủ trương kịp thời, phù hợp, đúng vấn đề mấu chốt để tái khởi động nền kinh tế sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
"Việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho CN là vấn đề liên quan tới chế độ chính sách, do đó cần phải được thực hiện nhanh chóng, không để sót, lọt và chi đúng đối tượng" - ông Trần Văn Lâm nhấn mạnh.
Công nhân đỡ gánh lo
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều CN rất vui khi biết thông tin về chính sách hỗ trợ này. Với họ, khoản hỗ trợ tuy không nhiều nhưng có ý nghĩa động viên rất lớn khi họ quay trở lại làm việc sau Tết.
Chị Lê Thị Chi (cư trú tại khu nhà trọ trên Tỉnh lộ 43, khu phố 2, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP HCM) là CN may tại Công ty TNHH Sprinta (KCX Linh Trung II), còn chồng là thợ cơ khí ở một cơ sở tư nhân. Suốt 4 tháng dịch bệnh, do không có việc làm và thu nhập nên vợ chồng chị đành gửi 2 con nhỏ (12 tuổi và 5 tuổi) về quê cho người thân chăm sóc. Thời gian này, vợ chồng họ sống nhờ vào túi gạo, bó rau, vỉ trứng do chính quyền và các đoàn thể, các nhà hảo tâm hỗ trợ.
"TP HCM đã cho trẻ đến trường trở lại nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết định gửi con học ở quê để đỡ chi phí. Đỡ tiền thuê nhà là đỡ gánh nặng với gia đình tôi. Hai vợ chồng sẽ cố gắng làm để gửi tiền về quê lo cho con" - chị Chi cho biết.
Ông Wang Chen Yi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH EverWin (KCN Bình Chiểu, TP Thủ Đức), đánh giá rất cao chính sách hỗ trợ này của Chính phủ. Theo ông, đó là sự tiếp sức kịp thời cho DN sau đại dịch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Tấn Tài, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hong Ik Vina (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), cho biết dịch Covid-19 khiến nhiều gia đình CN lâm vào cảnh khó khăn do bị mất việc, giảm thu nhập. Nhiều gia đình CN mất đi trụ cột của gia đình khi chồng hoặc vợ vĩnh viễn ra đi, con trở thành trẻ mồ côi hoặc phải gửi về quê cho ông bà, họ hàng nuôi giúp.
"Tôi cho rằng đây là một chính sách rất nhân văn, chia sẻ gánh nặng thuê nhà cho CN sau một năm đầy khó khăn. Có an cư, CN mới an tâm làm việc, góp phần phát triển DN và đóng góp cho sự phát triển của thành phố" - ông Tài bày tỏ.
Phục hồi thị trường lao động
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, vấn đề an sinh được coi là 1 trong 5 nội dung quan trọng. Trong vấn đề an sinh, nhiệm vụ được quan tâm nhất là phục hồi thị trường lao động và để làm được điều này thì phải triển khai nhiều chính sách hỗ trợ. "Việc triển khai gói 6.600 tỉ đồng để hỗ trợ tiền mặt cho NLĐ với 2 nhóm đối tượng khác nhau có ý nghĩa vừa san sẻ khó khăn với NLĐ vừa giúp DN ổn định sản xuất, kinh doanh" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận.
Bình luận (0)