Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trung ương về thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp (DN) đã có buổi làm việc tại TP HCM về thực hiện chỉ thị này vào sáng 17-4.
Khẳng định vai trò của Công đoàn
Báo cáo kết quả đã đạt được sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 22 trên địa bàn TP, ông Lê Trọng Hiếu, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP HCM, cho biết tình hình quan hệ lao động những năm qua đã có những chuyển biến tích cực. Tranh chấp lao động (TCLĐ) tập thể không chỉ giảm về quy mô, số vụ, lượng người tham dự mà tính chất các vụ TCLĐ cũng ôn hòa hơn giai đoạn những năm 2008 trở về trước, thời gian tranh chấp và tính chất lây lan cũng giảm.
Ông Hiếu dẫn chứng giai đoạn 2008-2013, trên địa bàn TP xảy ra 737 vụ ngừng việc tập thể, đình công không đúng quy định pháp luật với hơn 289.000 lao động tham gia; tuy nhiên, giai đoạn 2014-2018, số vụ tranh chấp xảy ra giảm còn 285 vụ, số lượng người tham gia cũng thấp hơn, khoảng 100.000 người. Phân tích nguyên nhân, ông Hiếu cho biết hầu hết các vụ tranh chấp đều xảy ra ở các ngành nghề thâm dụng lao động, trong đó dệt may và da giày là 2 ngành có tỉ lệ tranh chấp cao nhất (trên 85%). Nguyên nhân xảy ra ngừng việc do DN nợ lương, thưởng, chưa thanh toán phép năm và không thực hiện đúng quy định về trả tiền làm thêm giờ. Ngoài ra, do khó khăn trong hoạt động sản xuất, một số DN FDI đã nợ lương, nợ BHXH, chủ bỏ trốn về nước không thực hiện nghĩa vụ với người lao động (NLĐ) cũng dẫn đến ngừng việc tập thể.
Công ty TNHH Doolim Bình Chánh Factory là doanh nghiệp chăm lo tốt đời sống vật chất lẫn tinh thần cho công nhân
"Để giải quyết các TCLĐ, TP đã ban hành các quy chế về giải quyết bước đầu các cuộc đình công không đúng pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của hòa giải viên lao động TP. Trong đó, hòa giải viên lao động đóng vai trò quan trọng tham gia vào quá trình trung gian hòa giải. Trong 2 năm 2017-2018, các vụ đình công diễn ra trung bình trong 1 ngày hoặc chỉ mới có dấu hiệu phát sinh tranh chấp đã được giải quyết, vai trò của Công đoàn (CĐ) cơ sở từng bước được phát huy. Các quận, huyện thí điểm giao hòa giải viên xây dựng hồ sơ quan hệ lao động những DN có nguy cơ xảy ra tranh chấp để nắm bắt thông tin, kịp thời đề ra các giải pháp phòng ngừa" - ông Hiếu cho biết thêm.
Bên cạnh đó, TP còn huy động nguồn lực đầu tư công và đẩy mạnh xã hội hóa trong chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho NLĐ, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ công nhân (CN) nâng cao trình độ. Trong đó, tổ chức CĐ TP giữ vai trò chủ động trong việc nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, nhận thức chính trị, pháp luật cho NLĐ. Thời gian qua đã có gần 500.000 lượt CN tham gia vào các chương trình đào tạo nghề, thi tay nghề, nâng bậc thợ…
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm chăm lo
Tại buổi làm việc, đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến quá trình hòa giải TCLĐ, kiện ra tòa các chủ DN trốn đóng BHXH, vấn đề thành lập tổ chức đại diện cho NLĐ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực và các mô hình phát triển Đảng trong DN…
Đề cập tình trạng trốn đóng BHXH hiện nay, ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, cho biết tổ chức CĐ TP đã khởi kiện thành công một số vụ liên quan đến nợ BHXH. Tuy nhiên, việc thi hành án các vụ kiện này sau đó lại không thực hiện được do chủ đã bỏ trốn trong khi DN không còn tài sản hoặc chỉ còn một phần tài sản để thi hành án, không chỉ gây thiệt hại quyền lợi cho NLĐ mà còn gây ảnh hưởng uy tín của tổ chức CĐ. "Do đó, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ nhưng linh hoạt hơn ngay từ khi DN có dấu hiệu vi phạm về chi trả lương hay trốn đóng BHXH thì việc xử lý khi vi phạm mới kịp thời và mang lại hiệu quả" - ông Vũ đề xuất. Nhiều ý kiến cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản về quy trình xử lý những DN ngừng hoạt động nhưng còn nợ lương, BHXH của NLĐ.
Về vấn đề thành lập tổ chức đại diện cho NLĐ, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho rằng đây sẽ là yếu tố tác động đến quan hệ lao động tại DN. "Cần xây dựng hàng rào kỹ thuật chặt chẽ về việc hình thành các tổ chức đại diện cho NLĐ, như yêu cầu về số lượng đoàn viên, người đứng đầu, quy trình thành lập, phương thức hoạt động… tránh việc thành lập ồ ạt hoặc thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả" - ông Sơn bày tỏ.
Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung khẳng định Chỉ thị 22 đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong quan hệ lao động trên địa bàn TP. Đặc điểm của TP HCM là đông lao động nhập cư, việc chăm lo cho đội ngũ CN được huy động trong cả hệ thống chính trị, tuy nhiên, chỉ khi nào chủ DN nhìn thấy được trách nhiệm chăm lo cho NLĐ thì việc chăm lo ấy mới thực sự tác động đến đời sống NLĐ. "Căn cơ là phải có hệ thống pháp luật đầy đủ, làm sao để tạo điều kiện cho DN phát triển, DN có phát triển thì NLĐ mới có việc làm, thu nhập ổn định" - bà Dung nói.
Ông DOÃN MẬU DIỆP, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH:
Phải nhận diện rõ quan hệ lao động
Chỉ thị 22 ra đời vào năm 2008 đã góp phần thúc đẩy, xây dựng được quan hệ lao động ổn định hơn. Số lượng các cuộc đình công từ năm 2008 đến nay đã có xu hướng giảm đáng kể, nhất là ở các TP lớn, có đông CN trong đó có TP HCM. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, một trong những cam kết của Việt Nam là tạo điều kiện cho tổ chức đại diện NLĐ được thành lập. Vì vậy, cần phải nhận diện rõ quan hệ lao động trong bối cảnh mới khi tại DN có nhiều tổ chức đại diện NLĐ thì việc xây dựng quan hệ lao động cũng như giải quyết các TCLĐ trong giai đoạn sắp tới mới có hiệu quả.
Bình luận (0)