“Có nữ công nhân (CN) đã 45 tuổi nhưng chưa đi khám phụ khoa lần nào. Mỗi khi được vận động đi khám sức khỏe, họ đều lấy lý do không có thời gian nhưng thật ra lại sợ đi khám bệnh, sợ phát hiện ra bệnh. Làm thế nào để nữ CN hiểu được sức khỏe là rất quan trọng là vấn đề mà CĐ cơ sở đang muốn thực hiện”. Bà Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Tae Kwang Vina (tỉnh Đồng Nai), bày tỏ như vậy trong hội thảo về tổ chức và hoạt động của ban nữ công CĐ cơ sở, tại các KCX-KCN do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức ngày 13-10 ở TP HCM.
Chưa hấp dẫn nữ công nhân
Theo bà Tuyến, biết sữa mẹ là quan trọng, doanh nghiệp đã lắp đặt cabin vắt và trữ sữa cho nữ CN. Thế nhưng, chỉ khoảng 7/6.000 nữ CN của doanh nghiệp sử dụng cabin sữa. CN cứ lấy lý do ảnh hưởng đến năng suất lao động mà không sử dụng. Mặt khác, đời sống tinh thần của CN nghèo nàn, lạc hậu nên họ rất cần các thiết chế văn hóa, các lớp học miễn phí sau giờ làm.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (thứ ba từ phải qua), trò chuyện với cán bộ nữ công Công đoàn cơ sở
Cũng gặp phải những khó khăn tương tự, bà Trần Thị Dung, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Kollan (KCX Linh Trung 1, TP HCM), cho rằng hình ảnh ban nữ công mờ nhạt, các hoạt động chủ yếu do CĐ chỉ đạo. Cán bộ nữ công chủ yếu kiêm nhiệm, tập trung vào công việc sản xuất, ít thời gian tham gia các phong trào. Thêm vào đó, phụ cấp cho cán bộ nữ công chưa có nên không thu hút họ tham gia. Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” triển khai tại các KCX-KCN chưa hiệu quả, không phù hợp với lao động nữ ngoài quốc doanh. Bà Dung đề xuất các cấp CĐ nên tổ chức nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe cho CN, hướng dẫn họ chọn thực phẩm an toàn vì đây là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người lao động.
Hiện tượng sống thử, nạo phá thai, bạo lực gia đình… cũng đang gia tăng trong CN. Vì thế, rất cần các chương trình tư vấn tình yêu, hôn nhân, gia đình. Một hiện tượng nổi lên trong các KCX-KCN hiện nay là nạn cho vay nặng lãi, vay tín chấp gia tăng. Nhiều CN “ăn trước trả sau” và luẩn quẩn trong vòng nợ nần nên rất cần các chương trình hướng dẫn chi tiêu hợp lý.
“Với CN, con cái là quan trọng nhất nhưng nhiều người phải gửi về quê vì gánh nặng kinh tế, điều kiện không cho phép. TP HCM vừa đưa vào 3 nhà trẻ cho con CN nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu hiện nay” - bà Dung phản ánh.
Nhiều kinh nghiệm quý
Dù hoạt động nữ công gặp khó khăn nhưng vẫn có những nơi làm tốt và chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý. Bà Nguyễn Thị Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết hằng năm, LĐLĐ tỉnh đều phối hợp cùng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tổ chức tuyên truyền, khám sức khỏe cho nữ CN Công ty TNHH HbI. Qua 2 năm, hơn 2.000 lượt nữ CN được khám sức khỏe miễn phí. Công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn song CĐ tổ chức vào giờ ăn trưa, đồng thời tặng quà (thẻ cào điện thoại, dầu ăn…) cho người tham gia trả lời câu hỏi nên chương trình thu hút đông CN tham gia.
Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày Ching Luh Việt Nam (tỉnh Long An), cho biết ban nữ công được tạo mọi điều kiện để hoạt động. Công ty có cabin vắt sữa cho nữ CN, có phòng y tế, nhà ăn. Nhà xe của công ty còn có khu vực dành riêng cho nữ CN mang thai, nuôi con nhỏ…
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết Tổng LĐLĐ Việt Nam luôn xác định các KCX-KCN là địa bàn hoạt động rất quan trọng của tổ chức CĐ. Hoạt động nữ công góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ đoàn viên. Bà Hồng lưu ý ban nữ công CĐ cơ sở phải tổ chức hoạt động cho phù hợp với điều kiện làm việc và cuộc sống của nữ CN; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ đoàn viên trong tình hình mới.
Hầu hết nữ công nhân phải làm thêm
Đến nay, cả nước có 46 KCX, KCN, khu kinh tế, khu công nghệ cao đã thành lập tổ chức CĐ. Số lượng nữ CN làm việc tại đây là hơn 1,8 triệu người, đa số có tuổi đời từ 18-35. Tỉ lệ nữ CN nhập cư chiếm hơn 45%. Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, thu nhập của nữ CN trung bình từ 3,5 triệu đến 4 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập này, 20% CN thừa nhận không đủ sống, 31% phải chi tiêu tiết kiệm, 41% vừa đủ trang trải và chỉ 8% là có tích lũy. Do đó, hầu hết nữ CN phải làm thêm giờ để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Bình luận (0)