Có em khiếm thị phải nhờ người thân đưa lên sân khấu, có em mang trên mình chiếc bướu bằng nửa trọng lượng cơ thể nhưng cũng có em rạng rỡ kể về công việc đang làm… Đó là khung cảnh của lễ tổng kết 20 năm thực hiện Chương trình Học bổng Nguyễn Đức Cảnh (1994-2014) do LĐLĐ TP HCM tổ chức sáng 28-12. Dù không may mắn trong cuộc sống nhưng với khát vọng cháy bỏng là tiếp tục đến trường, các em đã được học bổng Nguyễn Đức Cảnh của tổ chức Công đoàn (CĐ) giúp sức, biến ước mơ thành hiện thực.
Bước qua gian khó
Nhìn cậu bé Nguyễn Cao Trực, học sinh lớp 3 Trường Trần Văn Ơn (quận Gò Vấp, TP HCM), bước lên sân khấu, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Đã 13 tuổi nhưng Trực chỉ nặng vỏn vẹn 27 kg và chiếc bướu trên người chiếm hơn nửa trọng lượng cơ thể em. Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng năm lên 2 tuổi, chiếc bướu trên người Trực cứ to dần làm em không lớn nổi.
Cha làm công nhân vệ sinh, mẹ ở nhà chăm sóc Trực và em trai, gia cảnh của em vô cùng khó khăn. Vào bệnh viện triền miên nên việc học tập của Trực cũng bị ảnh hưởng. Thế nhưng, cậu bé này vẫn khát khao được đi học và trở thành thầy giáo dạy toán. Trực đã nhiều năm liền được nhận học bổng Nguyễn Đức Cảnh của LĐLĐ quận Gò Vấp và mới đây nhận được học bổng của LĐLĐ TP HCM.
Tại lễ tổng kết sáng 28-12, nhiều người đã vui mừng khi gặp lại Lâm Kim Bảo, nay là bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP HCM). Những ai từng quan tâm đến học bổng Nguyễn Đức Cảnh hẳn sẽ không thể nào quên câu chuyện cậu bé ngày ngày theo mẹ vào công ty ngồi chơi thơ thẩn để mẹ làm việc.
“Ba bỏ đi khi tôi chưa sinh ra đời, một mình mẹ tảo tần nuôi tôi lớn khôn. Suốt thời gian học phổ thông và đại học, tôi đã nhận được học bổng của CĐ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn và LĐLĐ TP HCM. Tôi thấy mình có trách nhiệm với chương trình, tôi sẽ đồng hành để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn thực hiện ước mơ đến trường” - Bảo thổ lộ.
Thi đỗ cùng lúc nhiều trường ĐH nhưng Bảo đã chọn Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) và nay trở thành bác sĩ như ước mơ của mẹ.
Năng động tìm nguồn
20 năm, một chặng đường dài đủ để một đứa trẻ trưởng thành. Để có được kết quả hôm nay, nhiều thế hệ cán bộ CĐ TP HCM đã vượt qua rất nhiều khó khăn.
Nhớ lại những ngày đầu ra đời quỹ học bổng này, bà Hoàng Thị Khánh, nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, kể: “Vào những năm 1990, TP HCM từng bước chuyển mình, đổi mới, đời sống CNVC-LĐ được cải thiện. Tuy nhiên, một số con CNVC-LĐ phải nghỉ học sớm, tìm việc làm để phụ giúp gia đình. Vấn đề này đã đặt ra cho tổ chức CĐ TP nhiều trăn trở, suy nghĩ, tìm giải pháp hạn chế. Năm 1994, học bổng Nguyễn Đức Cảnh ra đời trên cơ sở vận động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp hỗ trợ”.
Từ cơ sở ban đầu đó, các cấp CĐ đã có nhiều ý tưởng, sáng tạo, nhiều cách làm hay để học bổng ngày càng lớn mạnh. Đặc biệt, những năm gần đây, từ cách làm hiệu quả của cơ sở, LĐLĐ TP HCM đã nhân rộng mô hình “Nuôi heo đất” để tạo nguồn kinh phí chăm lo cho con CNVC-LĐ đến tận tổ CĐ, người lao động và chủ doanh nghiệp. Song song đó, LĐLĐ TP còn phát động chương trình “Cành hồng cho con”, vận động nữ CNVC-LĐ kết cành hồng, hoa sen, thi cắm hoa, kết vòng trang sức… Những sản phẩm đoạt giải được bán đấu giá để gây Quỹ Học bổng Nguyễn Đức Cảnh cấp thành phố.
“Đây là một chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Để quỹ học bổng phát huy hơn, tổ chức CĐ TP cần chú ý tăng tỉ lệ CĐ cơ sở có xây dựng học bổng Nguyễn Đức Cảnh, năng động tìm nguồn cho quỹ, nâng cao giá trị của suất học bổng để các cháu có thể trang trải được học phí, tạo động lực cho các cháu cố gắng học tập” - bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM - nhắn nhủ.
Ông Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Biết ơn các nhà hảo tâm đã đồng hành
Là người chứng kiến sự ra đời của học bổng Nguyễn Đức Cảnh, tôi biết được từ ý tưởng đến thực hiện không hề đơn giản. Tuy nhiên, qua 20 năm hình thành, học bổng đã tiếp sức cho hàng trăm ngàn con CNVC-LĐ được tiếp tục đến trường.
Thay mặt Tổng LĐLĐ Việt Nam, tôi biểu dương tổ chức CĐ TP HCM đã có sáng tạo trong việc cho ra đời và phát triển học bổng Nguyễn Đức Cảnh. Đồng thời, tôi cũng biết ơn các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã đồng hành cùng quỹ học bổng để tiếp sức cho con em CNVC-LĐ khó khăn được học tập, trưởng thành, góp sức xây dựng đất nước.
Đã trao 542.157 suất học bổng
Qua 20 năm triển khai thực hiện chương trình Học bổng Nguyễn Đức Cảnh, toàn TP HCM đã có 6.954/16.837 CĐ cơ sở xây dựng quỹ học bổng này, đạt tỉ lệ 41,3% đơn vị tham gia. Trong đó, có 4.145/13.904 CĐ cơ sở khu vực ngoài nhà nước, đạt tỉ lệ 29,81%. Đã có 542.157 suất học bổng được trao cho con CNVC-LĐ với tổng số tiền hơn 145 tỉ đồng.
Dịp này, LĐLĐ TP HCM đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Ban Nữ công LĐLĐ TP được nhận bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Bình luận (0)