"Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy nhiều hình ảnh khốc liệt của chiến tranh, hiểu hơn về những mất mát, đau thương của dân tộc và tự hào hơn về truyền thống đấu tranh giữ nước của ông cha mình. Việc đưa bảo tàng lưu động đến nhà máy là sáng kiến hay, giúp anh, chị em công nhân (CN) nâng cao kiến thức về mọi mặt và ý thức hơn trách nhiệm của mình đối với đất nước". Đó là tâm sự của nhiều CN Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) tại khai mạc triển lãm "Việt Nam chiến tranh và hòa bình" do LĐLĐ TP HCM và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tổ chức mới đây.
Tự hào về lịch sử dân tộc
Hay tin bảo tàng lưu động đến công ty, nhiều CN háo hức, tranh thủ giờ giải lao để được mắt thấy, tai nghe những điều chưa biết.
Công nhân Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam nghe thuyết minh tại triển lãm “Việt Nam chiến tranh và hòa bình”
100 bức ảnh của của phóng viên chiến trường Ishikawa Bunyo (Nhật Bản) về cuộc chiến tranh Việt Nam, nhất là tội ác của giặc Mỹ, những đau thương mất mát của người dân Việt Nam trong chiến tranh, hình ảnh người dân chung tay xây dựng lại đất nước sau hòa bình đã đem đến cho CN những cảm xúc khó tả. Nữ CN Nguyễn Thị Gấm bày tỏ: "Chúng tôi ít có cơ hội đi xem triển lãm hoặc tìm hiểu về lịch sử. Vì thế, khi biết có chương trình triển lãm ngay tại công ty, không chỉ tôi mà nhiều anh chị em rất háo hức. Với thế hệ sinh ra sau hòa bình như chúng tôi, hiểu biết về chiến tranh rất ít. Những bức ảnh chân thật tại triển lãm khiến tôi rất xúc động, tự hào hơn về lịch sử dân tộc, nhất là tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm ngoan cường của các thế hệ đi trước".
Hàng trăm CN Công ty TNHH May mặc KingStar (quận Bình Tân, TP HCM) cũng có suy nghĩ tương tự khi chương trình bảo tàng lưu động được triển khai tại doanh nghiệp. Hơn 200 bức ảnh với chủ đề "Tội ác ở nhà tù Phú Quốc và Nhân đạo" khiến nhiều CN xúc động. Những hình ảnh được giới thiệu đã giúp họ hiểu rõ hơn về tội ác, nỗi đau của chiến tranh cùng sự hy sinh đầy gian khổ của các thế hệ đi trước trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Cùng với chiến tranh là những hoạt động nhân đạo, tấm lòng vị tha, tình người sau khi cuộc chiến đi qua. Bà Trần Bội Nhàn, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH KingStar, chia sẻ: "Khi nhận được thông tin LĐLĐ TP phối hợp với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tổ chức bảo tàng lưu động với các chủ đề về chiến tranh đến với CNVC-LĐ, chúng tôi đã đề xuất với ban giám đốc và được đồng ý thực hiện chương trình tại doanh nghiệp. Bởi đây là hoạt động tuyên truyền và giáo dục tốt, giúp CN hiểu hơn về lịch sử".
Đa dạng phương thức giáo dục truyền thống
Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết đây là hoạt động nằm trong kế hoạch liên tịch giữa LĐLĐ TP và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh về việc tổ chức triển lãm bảo tàng lưu động đến với CN, lao động. Mục đích của việc tổ chức bảo tàng lưu động là nhằm tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, CNVC-LĐ về truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước… "Không chỉ trưng bày hình ảnh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh còn đưa nhân viên đến thuyết minh nội dung từng bức ảnh để đoàn viên, CNVC-LĐ hiểu rõ hoàn cảnh ra đời của các bức ảnh. Đây cũng là cách đa dạng hóa, làm mới nội dung và phương thức tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng theo hình thức trực quan, sinh động, đến gần hơn với CN, lao động TP, đặc biệt là CN ở các KCX-KCN, doanh nghiệp có đông lao động" - ông Lâm nhìn nhận.
Chương trình đưa bảo tàng lưu động đến CN gồm có 18 bộ chuyên đề như Khát vọng hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tội ác ở nhà tù Phú Quốc, Hậu quả của chất độc da cam dioxin, Phụ nữ trong chiến tranh, Người chiến sĩ hôm nay… với hơn 500 bức ảnh, panô tuyên truyền được trưng bày. Mỗi đợt triển lãm kéo dài từ 3-5 ngày tùy theo đặc thù hoạt động của đơn vị. Khởi động từ tháng 12-2018 đến nay, chương trình đưa bảo tàng lưu động đến CN đã tổ chức 16 cuộc triển lãm, phục vụ cho hơn 15.000 đoàn viên, CNVC-LĐ tại các doanh nghiệp, đơn vị.
“Ở Việt Nam, thế hệ trẻ không biết gì về chiến tranh ngày càng nhiều. Tôi muốn họ biết chiến tranh là gì, sự quý giá, giá trị của hòa bình và đó cũng là niềm vui của nhân loại” - phóng viên chiến trường Ishikawa Bunyo (Nhật Bản) chia sẻ.
Bình luận (0)