Tại Hội nghị tập huấn kiến thức về BHXH, BHYT cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách về BHXH, BHYT thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2023 tổ chức vào ngày 8-8 tại Quảng Nam, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến BHXH Việt Nam, cho biết từ năm 2018-2022, BHXH Việt Nam đã từ chối chi trả BHYT và thu hồi hơn 10.000 tỉ đồng.
Đây là kết quả của việc BHXH Việt Nam triển khai hệ thống liên thông dữ liệu kết nối với hơn 12.000 cơ sở y tế từ cấp xã đến Trung ương. Theo đánh giá của ông Đức, con số này chỉ thể hiện một phần một phần BHYT bị thất thoát được phát hiện, trên thực tế con số có thể lớn hơn nhiều.
Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến BHXH Việt Nam, chia sẻ thông tin tại hội nghị
Một trong những hình thức trục lợi phổ biến là sử dụng thẻ BHYT đi khám bệnh nhiều lần. Từ năm 2019 đến nay cơ quan BHXH đã phát hiện gần 2,9 triệu lượt người dùng thẻ BHYT đi khám bệnh trên 20 lần/năm, 725.945 lượt người khám trên 50 lần/năm và 10.487 lượt người sử dụng thẻ trên 100 lần/năm. Qua các năm tình trạng có giảm và năm 2023 chỉ còn phát hiện 31 trường hợp sử dụng thẻ BHYT trên 100 lần, gần 1.400 người sử dụng thẻ trên 50 lần và 117 người sử dụng thẻ trên 20 lần.
Ngoài hành vi trên còn có các hình thức trục lợi khác như mượn thẻ BHYT đi khám chữa bệnh, chỉ định nằm viện đối với các bệnh có thể điều trị ngoại trú, thanh toán tiền giường khi bệnh nhân đã ra viện, thay đổi cơ cấu chi, thay đổi quy mô, tổ chức cơ sở khám chữa bệnh để trục lợi…
Để ngăn chặn tình trạng này, đại diện Trung tâm giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến BHXH Việt Nam cho rằng cần sửa đổi quy định pháp luật về BHYT theo hướng thiết lập các gói quyền lợi BHYT dự trên chi phí- hiệu quả; thực hiện cơ chế chi trả theo hiệu suất đầu ra có kiểm soát; kiểm soát việc chuyển tuyến, thông tuyến; quy định đầy đủ các chế tài. Đồng thời, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, quản lý khám chữa bệnh, giá thuốc, vật tư y tế…
Bình luận (0)