Số người tham gia BHYT là 86,5 triệu người (đạt tỉ lệ bao phủ 88,65% dân số). Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT còn khá phổ biến, với tổng số tiền nợ trong cả nước khoảng 46.297 tỉ đồng. Việc xử lý đối với đơn vị, doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, nguyên nhân tỉ lệ nợ đọng bảo hiểm lớn do đúng vào thời điểm Tết nguyên đán 2021 và đợt dịch Covid-19 thứ 3 bùng phát. Để giảm thiểu tình trạng nợ đọng bảo hiểm, ông Liệu cho biết trong tháng 3, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành đến các DN trực tiếp lắng nghe, tháo gỡ và vận động DN thực hiện đóng BHXH hằng tháng. Đối với DN dừng hoạt động, BHXH kiến nghị với cơ quan liên quan kiểm tra, nếu chây ì sẽ tiến hành xử phạt hành chính, gửi hồ sơ sang các cơ quan pháp luật khởi tố.
BHXH Việt Nam cũng cho biết đã chuyển 302 hồ sơ của nhiều tổ chức sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo điều 216 của Bộ Luật Hình sự. Theo cơ quan này, từ năm 2016-2020, thông qua công tác thanh tra chuyên ngành, toàn ngành BHXH Việt Nam đã ban hành và gửi hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành hơn 2.100 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị vi phạm pháp luật trong đóng bảo hiểm. Số tiền xử phạt đến nay khoảng 114,5 tỉ đồng.
Bình luận (0)