Hôm nay (24-7), TAND quận 1 (TP HCM) đưa vụ án tranh chấp tiền thưởng giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Hồng Hương (quận Tân Bình, TP HCM), bị đơn là Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (Công ty Vincommerce) (quận 1, TP HCM) và người có quyền lợi và nghĩ vụ liên quan là Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Công ty Vincommerce (trước đây là Công ty CP siêu thị VinMart) đã nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trong Công ty TNHH MTV Thương mại Thời trang Dệt may Việt Nam (Vinatexmart), công ty con Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hương, bà kiện Vincommerce ra tòa để đòi 44.496.595 đồng tiền quỹ khen thưởng phúc lợi (QKTPL), đây là số tiền được xác định trên cơ sở số dư QKTPL Vinatexmart là hơn 11,5 tỉ đồng và yêu cầu bồi thường khoản thiệt hại do chi trả trể hạn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hương trình bày bức xúc tại Báo Người Lao Động
Cũng theo bà Hương, Vinatexmart được thành lập năm 2001. Căn cứ quyết định 5151/QĐ-BCT ngày 7-10-2011, về việc cổ phần hóa công ty mẹ - Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Theo đó thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (XĐGTDN) là 0 giờ ngày 1-1-2012. Căn cứ khoản 4 điều 52 Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18-7-2011 của Chính phủ thì Vinatexmart được thực hiện cổ phần hóa theo nghị định này. Căn cứ quyết định 4373/QĐ-BCT ngày 28-6-2013 của Bộ Công thương, Tập đoàn Dệt may Việt Nam công bố kết quả XĐGTDN của Vinatexmart, trong đó kết luận số dư QKTPL của Vinatexmart là hơn 11,5 tỉ đồng. Đây là số dư QKTPL được chốt tại thời điểm XĐGTDN 31-12-2011, phải được chia cho người lao động (NLĐ) có mặt tại thời điểm này (căn cứ điều 19 Nghị định 59). Thế nhưng, tại thời điểm đó, Vinatexmart không chi khoản tiền này cho NLĐ.
Tháng 8-2013, NLĐ đã gửi đơn, làm việc trực tiếp với lãnh đạo Vinatexmart, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam đề nghị chi trả khoản số tiền này cho NLĐ, nhưng chỉ nhận được câu trả lời "chờ hướng dẫn, đang lập phương án" và hứa sẽ chi trả vào dịp 30-4-2014, sau đó hứa 2-9-2014, rồi hẹn Tết 2015, 30-4-2015…
Tháng 4-2015, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đột ngột tuyên bố đã ký hợp đồng chuyển nhượng, bàn giao Vinatexmart sang Công ty CP siêu thị VinMart nhưng vẫn không chi trả tiền QKTPL cho NLĐ. Đến tháng 3-2016, Công ty Vincommerce thông báo sẽ chi trả QKTPL Vinatexmart cho NLĐ trên số tiền QKTPL được chia là 6, 68 tỉ đồng, thay vì hơn 11,5 tỉ đồng. Như vậy, Số tiền QKTPL được chi trả cho NLĐ bị giảm 4,9 tỉ đồng so với số tiền QKTPL được xác định tại thời điểm XĐGTDN để cổ phần hóa ngày 31-12-2011 là 11,5 tỉ đồng. Đồng thời Công ty Vincommerce buộc NLĐ muốn nhận được tiền QKTPL được chia nói trên phải ký cam kết "tôi hoàn hoàn đồng ý chia quỹ với số tiền 6,68 tỉ và cam kết không khởi kiện".
Liên quan đến vụ việc này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết như: Hơn 11,5 tỉ đồng đi đâu?; "Vụ hơn 11,5 tỉ đồng đi đâu?": Vinatex vẫn loanh quanh; nhùng nhằng vụ "Hơn 11,5 tỉ đồng đi đâu?". Phản ánh về việc Vinatex lập luận lòng vòng để giải thích về việc hơn 11,5 tỉ đồng QKTPL tại Vinatexmart (thuộc Vinatex) không được chia cho NLĐ khi doanh nghiệp cổ phần hóa.
Theo luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Công Quyền (TP HCM) vụ việc đã kéo dài nhiều năm, NLĐ đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi. Các cơ quan chức năng cũng đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ. Đặc biệt, TAND quận 1 cần làm rõ việc cơ quan chức năng đã công bố QKTPL là hơn 11,5 tỉ đồng tại thời điểm XĐGTDN (31-12-2011), nhưng sau khi được công bố tháng 6-2013 không chia cho NLĐ. Và vì sao chỉ chia trên số tiền là 6,68 tỉ đồng, số tiền này dựa trên cơ sở nào, tại sao buộc NLĐ phải ký cam kết chấp nhận số tiền và không khởi kiện?
Bình luận (0)