Chúng tôi đến Khoa Sơ sinh của Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Linh Xuân (phường Linh Xuân, TP HCM) khi các bảo mẫu đang bận rộn với công việc chăm sóc trẻ. Người dỗ trẻ ngủ, người vội vàng pha sữa, người lo dọn phòng. Bế đứa trẻ khoảng 2 tháng tuổi trên tay, chị Nguyễn Thị Mai (37 tuổi, phụ chăm sóc trẻ) vừa bóp chân vừa xoa tay cho bé. Đứa bé thiếu hơi mẹ vội vàng rúc đầu vào ngực chị. “Nhìn các con hau háu đòi sữa mẹ, ai cũng đau lòng” - chị nói.
Như người mẹ hiền
Mỗi khi cho bú xong, chị Mai luôn cẩn thận bế bé lên, vuốt lưng để trẻ không bị trào sữa. Chị cũng đúc kết kinh nghiệm: Muốn trẻ nhanh phát triển, thân thiện với mọi người, lúc cho bú, người mẹ cần chuyện trò, xoa bóp tay chân trẻ.
Ở Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Linh Xuân, tất cả bảo mẫu đều xem các trẻ bị bỏ rơi như con ruột. Do có HIV/AIDS từ trong bụng mẹ nên các em thường mắc nhiều bệnh cơ hội như lao, phổi, teo cơ, thần kinh… Để hạn chế tình trạng này, các bảo mẫu phải chăm nom thật kỹ. Chị Mai tâm sự: “Có bé chưa đầy tháng đã nhập viện, chúng tôi phải thay phiên nhau chăm sóc bởi nghĩ những trẻ ở đây luôn thiếu thốn tình thương. Có những khi trẻ bị sốt cao phải thở bằng ôxy, tôi ngồi bóp bình cả đêm. Vậy mà khi con xuất viện, tôi liền quên hết mệt mỏi”.
Khoa sơ sinh của trung tâm có 15 bảo mẫu thay nhau trông nom gần 20 trẻ. Các bé đều vào trung tâm từ lúc mới 1-2 tuần tuổi. Thiếu sữa mẹ lại thêm thể trạng yếu, nhiều bé quấy khóc suốt ngày. Những lúc thời tiết thay đổi, trẻ sốt cao, các bảo mẫu phải thay nhau ẵm trên tay cả ngày lẫn đêm. Đặc biệt là quá trình điều trị một số loại thuốc kháng virus (ARV) cho trẻ sơ sinh cũng khiến các bảo mẫu bỏ nhiều công sức vì thuốc có vị cay, nồng khó uống. Để trẻ quen với thuốc, các mẹ phải kiên trì đút từng giọt vào miệng và luôn bảo đảm mỗi trẻ đều được uống đủ liều lượng. Hơn 9 năm gắn bó với các em nhỏ có HIV/AIDS, bà Nguyễn Thị Nguyên, trưởng khoa sơ sinh của trung tâm, cho biết: “Chúng tôi làm việc xuất phát từ tình thương, lòng mến trẻ. Sau thời gian dài gần gũi, chúng tôi nhận ra mình không chỉ thay gia đình mà còn là đại diện cho cộng đồng thực hiện trách nhiệm lo lắng chu toàn cho các bé”.
Gian nan ở lớp chuyên biệt
Tại Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Linh Xuân, tất cả trẻ em đều được vui chơi, học tập dưới sự dìu dắt của các bảo mẫu, các cô, kể các những bé tật nguyền, khó hòa nhập. Ngoài khoa sơ sinh, trung tâm còn có lớp dạy trẻ chuyên biệt với 8 em trong độ tuổi từ mầm non đến 14 tuổi và việc dạy học cho các em còn khó gấp trăm lần đứng lớp bình thường. Chị Nguyễn Thị Thủy, giáo viên phụ trách chính của lớp, cho hay ngoài có HIV/AIDS, các bé còn bị dị tật, chậm phát triển, rối loạn hành vi… Nhiều em đã quá tuổi đến trường nhưng vẫn chưa kiểm soát được hành động và cảm xúc. Có bé đến tuổi vào lớp 1 nhưng tay vẫn chưa cầm được bút hay chỉ máy móc nắm chặt bút chứ không mềm mại đưa bút theo nét chữ. Khi ấy, cô giáo phải xoa bóp, cầm tay trẻ tập tô mỗi ngày.
Việc rèn thói quen, kỹ năng hòa nhập cho các em còn gian nan hơn việc rèn chữ, ghép vần. Lớp chỉ 8 học sinh nhưng lúc nào cũng có tình huống bất ngờ cần các cô giải quyết. “Có lúc, trẻ bỗng nhiên đứng lên chạy quanh lớp, nhất định không ngồi học cùng các bạn. Tôi phải dùng đủ cách, từ dỗ dành đến dọa phạt, các em mới trở về chỗ ngồi. Không chỉ tiếp thu chậm, mỗi em còn có một bệnh lý khác nhau. Chúng tôi phải có cách truyền đạt và chương trình dạy phù hợp với thể trạng và năng lực của từng em. Ngoài kiến thức sư phạm, tôi phải tích lũy thêm kinh nghiệm nắm bắt tâm lý trẻ để sẵn sàng “ứng chiến” khi có nổi loạn” - chị Thủy nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiên, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Linh Xuân, cho biết nơi đây là ngôi nhà chung của hơn 50 bảo mẫu, cô giáo chăm nom, dạy dỗ cho 130 trẻ có HIV/AIDS. Hầu hết các chị đều tình nguyện gia nhập trung tâm với tâm nguyện góp sức chăm lo cho trẻ thiệt thòi.
Bình luận (0)