Đó là quy định tại Thông tư 56/2017/TT-BYT hướng dẫn Luật BHXH và Luật An toàn - Vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế vừa được Bộ Y tế ban hành.
Theo đó, về lĩnh vực BHXH, thông tư quy định chi tiết thẩm quyền xác định bệnh được hưởng chế độ BHXH một lần. Cấp giấy ra viện, giấy chứng sinh, trích sao hồ sơ bệnh án, giấy xác nhận nghỉ dưỡng thai, giấy xác nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Đáng lưu ý là thông tư hướng dẫn các bệnh được hưởng chế độ BHXH một lần gồm: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS đồng thời không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
Trường hợp người lao động vì lý do sức khỏe mà không thể tự lập hồ sơ thì người sử dụng lao động có thể thay mặt lập hồ sơ khám giám định
Bên cạnh đó, người tham gia BHXH cũng sẽ được hưởng chế độ BHXH một lần, khi mắc các bệnh, tật khác mà có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày, cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
Hồ sơ khám giám định để hưởng BHXH một lần bao gồm: Giấy đề nghị khám giám định (theo mẫu quy định); bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một hoặc nhiều các giấy tờ khám, điều trị bệnh, tật (tóm tắt hồ sơ bệnh án, giấy xác nhận khuyết tật, giấy ra viện, sổ khám bệnh, bản sao hồ sơ bệnh nghề nghiệp, biên bản giám định bệnh nghề nghiệp-tai nạn lao động đối với người đã được khám giám định bệnh nghề nghiệp-tai nạn lao động).
Thông tư cũng quy định rõ, trong trường hợp hưởng BHXH một lần, NLĐ có trách nhiệm lập, hoàn chỉnh hồ sơ khám giám định và gửi đến Hội đồng Giám định y khoa. Ngoài ra, trách nhiệm lập hồ sơ của NLĐ còn thực hiện đối với các trường hợp sau đây: Thực hiện chế độ hưu trí đối với NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc NLĐ đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hàng tháng; NLĐ đã nghỉ hưu hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm mắc BNN; giám định để xác định không đủ sức khỏe để nuôi con sau khi sinh, NLĐ phải nghỉ dưỡng thai hoặc sau khi nhận con do nhờ người mang thai hộ hoặc phải nghỉ dưỡng thai; giám định đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; giám định tái phát, bao gồm cả NLĐ đã nghỉ việc đề nghị khám giám định tái phát; giám định tổng hợp đối với trường hợp NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc nghỉ hưu.
Trường hợp NLĐ, vì lý do sức khỏe mà không thể tự lập hồ sơ thì người NSDLĐ hoặc thân nhân của NLĐ có thể thay mặt NLĐ đó lập hồ sơ khám giám định. NSDLĐ cũng có trách nhiệm lập, hoàn chỉnh hồ sơ giám định và gửi đến Hội đồng Giám định y khoa đối với các trường hợp giám định mức suy giảm khả năng lao động và các trường hợp khác ngoài trách nhiệm của NLĐ.
Thông tư cũng hướng dẫn đầy đủ các thành phần hồ sơ, trình tự, nội dung khám giám định cho các hồ sơ khám giám định để hưởng các chế độ BHXH, bao gồm: Khám giám định lần đầu và giám định lại khi tái phát cho các trường hợp: bệnh nghề nghiệp-tai nạn lao động; khám giám định để thực hiện chế độ hưu trí đối với NLĐ; chế độ tử tuất; để xác định lao động nữ không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh hoặc sau khi nhận con do nhờ người mang thai hộ hoặc phải nghỉ dưỡng thai; khám giám định tổng hợp; khám giám định phúc quyết theo đề nghị của tổ chức, cá nhân…
Đặc biệt, thông tư dành riêng một chương hướng dẫn về việc cấp và quản lý giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Theo đó, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: Do cơ sở khám chữa bệnh (KCB) đã được cấp giấy phép hoạt động và có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp cấp, cá nhân người cấp giấy phải được phân công của người đứng đầu cơ sở KCB đó. Trường hợp cơ sở KCB không phải là pháp nhân thì người hành nghề phải đăng ký mẫu chữ ký với cơ quan BHXH.
Trường hợp NLĐ trong cùng một thời gian được 2-3 chuyên khoa của các cơ sở KCB khác nhau khám và cùng cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, thì chỉ được hưởng một trong những giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất
Bình luận (0)