Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Công văn 296/BHXH-CSYT ngày 2-2-2021 hướng dẫn một số quy định tại Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế.
Theo đó, một số lưu ý trong triển khai thực hiện quy định tại Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế
1) Trường hợp người được hẹn khám lại sau khi đi khám chữa bệnh không đúng tuyến theo quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế (kể cả trường hợp sau điều trị nội trú) thì lần khám hoặc đợt điều trị có sử dụng giấy hẹn khám lại đó vẫn là khám chữa bệnh trái tuyến.
(2) Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh không đúng tuyến theo quy định tại điểm c khoản 3 và khoản 6 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế có chi phí trong một lần khám chữa bệnh nội trú hoặc ngoại trú (chỉ trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú tại bệnh viện tuyến huyện) thấp hơn 15% mức lương cơ sở được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi hưởng bảo hiểm y tế, ghi mức hưởng là 100 tại trường số 17 (MUC_HUONG) của Bảng 2, Bảng 3 ban hành kèm theo Quyết định 4210/QĐ-BYT ngày 20/9/2017 về định dạng và chuẩn dữ liệu đầu ra phục vụ quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
(3) Về giường nội trú ban ngày - Số giường điều trị nội trú ban ngày nằm trong tổng số giường nội trú của bệnh viện được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc thanh toán, quyết toán tiền ngày giường bệnh hàng quý thực hiện theo quy định tại khoản 16 Điều 6 Thông tư 39/2018/TT-BYT. Trong đó, tổng số ngày điều trị nội trú trong quý (năm) của cơ sở khám chữa bệnh bao gồm cả giường nội trú và nội trú ban ngày.
(4) Để bảo đảm việc sử dụng nguồn kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hợp lý, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh và người tham gia BHYT, BHXH các tỉnh có văn bản đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sớm xây dựng và hoàn thiện hướng dẫn chẩn đoán và điều trị trong đó có quy định cụ thể tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú, nội trú ban ngày như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Chỉ thị 25/CT-BYT.
Bình luận (0)