Ông Nguyễn Hữu Long, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 4 - TPHCM:
Đồng bộ với Bộ Luật Lao động
Thực tế, từ trước đến nay, chỉ có Công đoàn (CĐ) Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện, bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ). Vì vậy, việc dự thảo quy định tổ chức CĐ “cùng với” các tổ chức đoàn thể khác chăm lo cho công nhân là không ổn.
Điều này cũng đi ngược lại quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của tổ chức CĐ, chưa kể không phù hợp với các quy định khác trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Nếu quy định như vậy, khi NLĐ bị xâm hại quyền lợi, họ sẽ yêu cầu ai đại diện cho họ? Tổ chức CĐ hay các tổ chức khác? Do vậy, theo tôi, luật cần quy định CĐ là tổ chức duy nhất đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Cán bộ chuyên trách Công đoàn các KCX-KCN TPHCM tham gia giải quyết một vụ ngừng việc tập thể. Ảnh: KHÁNH CHI
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM:
Chế tài hành vi cản trở CĐ
Tôi tán thành việc dự thảo quy định CĐ cấp trên có quyền đại diện cho NLĐ ở những nơi chưa thành lập tổ chức CĐ. Với các vấn đề liên quan đến xử lý kỷ luật, giải quyết chế độ chính sách, xây dựng thang, bảng lương, nhất thiết phải có sự tham gia của tổ chức CĐ. Tuy nhiên, để Luật CĐ được thực thi có hiệu quả, cần quy định biện pháp chế tài các hành vi cản trở thành lập và hoạt động CĐ trong doanh nghiệp (DN).
Cụ thể, nên quy định người sử dụng lao động không được có hành vi phân biệt đối xử và dùng các biện pháp kinh tế, thủ đoạn khác để can thiệp vào hoạt động của tổ chức CĐ. Dự thảo luật nên tăng thêm quyền hạn của CĐ trong việc tham gia ý kiến với DN đối với các vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống NLĐ; giám sát và giải quyết các tranh chấp phát sinh từ quá trình thực hiện thỏa ước lao động tập thể, xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, trả thưởng.
Luật sư Cao Thế Luận, Công ty Luật Phạm Nghiêm:
Trao thêm quyền hạn cho CĐ
Trong mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và NLĐ, thế yếu luôn nghiêng về phía NLĐ. Chính vì vậy họ mới cần được bảo vệ. Về lý thuyết, CĐ là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ nhưng thực tế CĐ lại không có đủ quyền hạn để làm điều đó, ngoại trừ khả năng giám sát và kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết.
Do vậy, Luật CĐ cần được sửa đổi theo hướng vừa tạo thuận lợi tối đa cho CĐ hoạt động vừa trao thêm quyền hạn cho CĐ trong việc tham gia giải quyết tranh chấp lao động. Dự thảo nên bỏ cụm từ “cùng với” để làm rõ trách nhiệm đại diện hợp pháp của tổ chức CĐ. Thực tế cho thấy khi tranh chấp xảy ra, chỉ có tổ chức CĐ đủ sức đứng ra đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ chứ không phải tổ chức nào khác.
Bà Nguyễn Thu Hương, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh - TPHCM:
Khẳng định thuộc tính đại diện
Luật CĐ sửa đổi cần bảo đảm địa vị pháp lý của CĐ, trong đó khẳng định rõ thuộc tính đại diện cho NLĐ. Điều đó phù hợp với thực tế và thể hiện tính thống nhất của pháp luật. Trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, đặc biệt Bộ Luật Lao động và các văn bản pháp luật khác, đều quy định CĐ là tổ chức đại diện cho NLĐ chứ không phải bất kỳ một tổ chức nào khác. Thực tế đã chứng minh mỗi khi có thắc mắc, khiếu nại về quyền lợi thì CĐ là tổ chức đầu tiên NLĐ tìm tới để được bảo vệ.
Ông Trần Minh Hùng, Chủ tịch CĐ Công ty METRO CASH & CARRY VIỆT NAM:
Kinh phí 2% CĐ phải thực hiện đồng bộ
Theo tôi, luật hóa việc trích nộp kinh phí CĐ là cần thiết bởi đây là nguồn tài chính để CĐ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. Mặt khác đây là nguồn tài chính Nhà nước, không tính thuế và cho hạch toán vào chi phí, có nghĩa nguồn tài chính này Nhà nước điều tiết cho hoạt động CĐ.
Kinh phí này trong thời gian qua, tổ chức CĐ đã sử dụng vào việc chăm lo, thăm hỏi, học bổng, trợ cấp khó khăn… cho NLĐ và được kiểm tra chặt chẽ bởi ủy ban kiểm tra cùng cấp và CĐ cấp trên. Việc trích nộp kinh phí 2% CĐ phải thực hiện đồng bộ ở các loại hình kinh tế để bảo đảm tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật.
Bình luận (0)