Adecco Việt Nam vừa thực hiện một cuộc khảo sát trên toàn quốc với chủ đề "Covid-19: Cha mẹ đi làm nói gì?". Khảo sát mới nhất này của Adecco Việt Nam mang đến cái nhìn cận cảnh về việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống của các bậc cha mẹ đang đi làm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cũng như cách nhìn nhận của họ về việc quay trở lại làm việc.
Kiệt sức vì công việc
Theo đó, 51% số người tham gia khảo sát là các ông bố đi làm và 38% là các bà mẹ đi làm. Hầu hết trong số họ đang giữ các vai trò quản lý hoặc trưởng bộ phận (41%), nhân viên có kinh nghiệm hoặc cấp cao (22%), và lãnh đạo hoặc giám sát (16%).
Kết quả khảo sát nhấn mạnh rằng các bậc cha mẹ đi làm đang kiệt sức để sắp xếp công việc và gia đình trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Hơn bao giờ hết, sự đồng cảm và hỗ trợ từ phía người sử dụng lao động là rất cần thiết để các phụ huynh đi làm tiếp tục gắn bó, làm việc hiệu quả và phát triển lâu dài.
Khi được hỏi về tác động của Covid-19 đối với công việc của họ, hơn 58% phụ huynh đi làm nói rằng họ đang làm việc tại nhà. Với sự thay đổi của thị trường, việc áp dụng hình thức làm việc mới và trách nhiệm nuôi dạy con cái, 40% người tham gia nói rằng họ có "khối lượng công việc nhiều hơn trước", 48% phải thay đổi thói quen làm việc hàng ngày và 41% cần làm việc ngoài giờ hành chính để cân bằng cả công việc và gia đình.
Đối với việc phải thay đổi thói quen làm việc để đảm bảo trách nhiệm gia đình, tỷ lệ ở các bà mẹ và ông bố lần lượt là 59% và 42%. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các mẹ gặp nhiều khó khăn hơn để hoàn thành công việc một cách tối ưu so với các ông bố. Hơn 25% số cha mẹ đi làm bị kiệt sức khi cố gắng cân bằng công việc và gia đình, và điều này cũng phổ biến với các bà mẹ hơn các ông bố. 27% người được hỏi nói rằng họ cảm thấy có lỗi khi không thể dành thời gian cho con cái.
Trong khi đó các bà mẹ đi làm mùa dịch tỏ ra căng thẳng hơn trong các vấn đề về sự an toàn và sức khỏe của gia đình, việc thiếu người chăm sóc con cái và vấn đề mua sắm hàng hóa. Còn các ông bố lo lắng hơn về tình trạng tài chính, sự đảm bảo và triển vọng công việc, cũng như mối quan hệ với bạn đời. Khoảng 38% các bà mẹ đi làm nhận thấy sự san sẻ cân bằng trong việc nhà, trong khi 50% các ông bố có nhận định này. 39% các bà mẹ đi làm nói rằng họ chịu trách nhiệm chính về việc nhà, trong khi chỉ có 11% các ông bố có cùng suy nghĩ.
Phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn để hoàn thành công việc hơn so với đàn ông khi làm việc trong mùa dịch
Để giải thích điều này, bà Vân Hồ, Giám đốc Quốc gia Sandoz Việt Nam, chỉ ra rằng văn hóa truyền thống là nguyên nhân chủ chốt. "Hầu hết mọi người vẫn coi việc chăm sóc con cái và nội trợ là nhiệm vụ của phụ nữ. Công việc vất vả này được coi là đương nhiên và được chấp nhận ở cả hai giới qua bao thế hệ. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc kiếm tiền giữa nam và nữ không còn quá khác biệt, cộng với quan niệm phụ nữ Việt Nam vừa giỏi việc nước lại đảm việc nhà càng khiến phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn" - bà Vân Hồ nói.
Nhiều lo lắng
Cha mẹ đi làm gặp phải những nỗi lo nhất định khi trở lại làm việc. 56% coi nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19 là mối quan tâm hàng đầu. 36% lo ngại về những thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày và 27% sợ mất đi tính linh hoạt trong công việc. Một số vấn đề khác được nhắc đến là việc thay đổi thói quen sinh hoạt của con cái (27%), sắp xếp lại việc chăm sóc trẻ (24%) và nhớ con (20%). Đáng chú ý, có đến 71% phụ huynh đi làm mong đợi mô hình làm việc kết hợp (vừa làm tại chỗ vừa làm từ xa) khi trở lại trạng thái "bình thường mới".
Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Phó Giám đốc bộ phận Tuyển dụng, Văn phòng TP HCM của Adecco Việt Nam, chia sẻ rằng việc xây dựng một nơi làm việc tuyệt vời với các bậc phụ huynh bắt đầu ngay trong giai đoạn tuyển dụng. "Quy trình tuyển dụng không nên phân biệt tuổi tác hoặc tình trạng gia đình, nghĩa là các gạch đầu dòng như "ưu tiên độ tuổi 25-35 hoặc độc thân" nên được loại bỏ. Điều này sẽ tạo ra một nơi làm việc đa dạng với cả nhân viên độc thân và đã kết hôn" - ông Chương nói.
Ông Chương cũng đề xuất thêm các phương thức khác để củng cố một môi trường thân thiện với gia đình. Ngoài một số lợi ích nhất định như chế độ làm việc linh hoạt vốn có thể áp dụng cho mọi nhân viên, người sử dụng lao động có thể xem xét thêm các phúc lợi đặc biệt hướng đến các cha mẹ đi làm như là trợ cấp chăm sóc trẻ em, quà tặng cho ngày thiếu nhi, hoặc chế độ nghỉ phép riêng cho cha mẹ. Đồng thời, bộ phận nhân sự có thể đưa các chủ đề liên quan đến gia đình vào các sự kiện của công ty để thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe và hạnh phúc của các bậc cha mẹ đi làm. Khi bước vào "bình thường mới", doanh nghiệp có thể tổ chức các sự kiện như ngày gia đình hoặc các đợt thăm văn phòng dành cho các bé.
Với tư cách là một người bố đi làm, ông Chương cũng nhắn nhủ những ông bố nên giúp đỡ bạn đời của họ giảm bớt gánh nặng chăm sóc con cái và việc nhà. "Khi các ông bố nghĩ về việc chăm sóc con cái và phụ việc nhà như là khoảng thời gian vui chơi cùng con hoặc tập thể dục, thì chúng ta có thể tận hưởng thời gian đó và cân bằng được trách nhiệm gia đình lẫn công việc" - ông Chương chia sẻ.
Bình luận (0)