Thuở nhỏ, anh Tô Trường Xuân, Quản đốc kỹ thuật Công viên Văn hóa Đầm Sen, là một cậu bé nghịch ngợm và thích táy máy những món đồ điện tử. Nhiều thiết bị điện tử ở nhà bị cậu bé Xuân tháo bung ra để làm thí nghiệm. “Óc tò mò, thích khám phá mọi thứ xung quanh đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành một kỹ sư điện tử trong tôi ngay từ nhỏ” - anh Xuân cho biết.
Vượt mọi khó khăn
Anh Xuân sinh ra và lớn lên ở Sóc Trăng, trong gia đình làm nông có tới 9 anh chị em. Do kinh tế gia đình khó khăn nên năm 1992, khi thi đậu vào ngành điện - điện tử Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cha mẹ chỉ có thể chu cấp cho anh 200.000 đồng/tháng. Thời điểm đó, dù chi tiêu tằn tiện nhưng chàng trai trẻ vẫn xoay xở hết sức chật vật. Thế nhưng, cái khó không thể bó cái khôn. Tận dụng tối đa kiến thức tích lũy được ở trường, anh nhận sửa chữa đồ điện tử cho bà con lối xóm nơi anh ở trọ để có tiền trang trải việc học. Tuy tiền kiếm được chẳng là bao nhưng nhờ đó anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm.
Năm 1996, anh tốt nghiệp nhưng lại lâm vào cảnh chật vật tìm việc. Trong khi chờ cơ hội cho riêng mình, anh tiếp tục nhận sửa thiết bị điện tử và nhận thi công các công trình điện dân dụng. Và rồi thời cơ đến, đó là vào những ngày giáp Tết năm 1999, khi Công viên Văn hóa Đầm Sen có nhu cầu tuyển nhân sự tạm thời để kịp hoàn thành công trình hoa đăng phục vụ Tết. Được một người bạn giới thiệu, song trong suy nghĩ của anh đó chỉ là việc làm tạm bợ chứ không nghĩ sẽ gắn bó lâu dài. Dù vậy, anh vẫn dồn hết tâm huyết cho công việc được giao và góp công không nhỏ để hoàn thành công trình đúng hạn. Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là tay nghề của Xuân, ban giám đốc đã tin tưởng đề nghị anh gắn bó lâu dài với đơn vị.
Nói được, làm được
Có thời điểm nhiều ý kiến trong CBCNV cho rằng bộ phận kỹ thuật là nơi tiêu tiền chứ không phải kiếm tiền. Suy nghĩ ấy không sai, song điều đó khiến anh Xuân luôn trăn trở, quyết tâm tìm ra những giải pháp căn cơ nhất để tiết giảm chi phí cho đơn vị nhưng vẫn bảo đảm tính tối ưu của thiết bị.
Trước năm 2010, để chiếu sáng toàn bộ công viên vào ban đêm phải dùng các loại bóng đèn có công suất cao như metal, đèn halogen, đèn đốt tim, đèn thủy ngân… Các loại đèn này tuy ánh sáng tốt nhưng có nhược điểm là giá cao, tuổi thọ thấp (chỉ khoảng 300-500 giờ), chưa kể lượng điện năng tiêu thụ cao, bình quân 173.460 W/ngày. “Thời điểm đó, lượng khách tham quan ban đêm ít, tính ra nguồn thu không đủ trả tiền điện chứ chưa nói đến các khoản chi phí khác. Do vậy, khi ban giám đốc chủ trương tiết kiệm trong toàn đơn vị, tôi và anh em đã tính đến chuyện tìm một loại đèn mới thay thế” - anh Xuân kể.
Trong chuyến đi công tác tại Trung Quốc, anh đã tìm ra loại đèn LED, vừa thỏa mãn các điều kiện chiếu sáng vừa thân thiện môi trường; chưa kể loại đèn có độ bền cao. Ý tưởng thay thế hơn 80% lượng đèn LED thắp sáng trong công viên của anh Xuân ngay lập tức được ban giám đốc chuẩn y, nhờ vậy lượng điện năng tiêu thụ giảm chỉ còn 124.418 W/ngày, tiết kiệm cho công viên hơn 600 triệu đồng/năm.
Xuất phát điểm là người thợ và đi lên từ thực lực của bản thân nhưng khi được cấp trên tin tưởng đề bạt làm tổ trưởng tổ điện rồi làm quản đốc, anh vẫn giữ sự hòa đồng, gần gũi và luôn tạo điều kiện để đồng nghiệp khẳng định trí tuệ và năng lực. Nhờ đó, dù số lượng nhân viên chỉ vỏn vẹn 28 người song bộ phận kỹ thuật do anh phụ trách vẫn bảo đảm vận hành xuyên suốt, không để xảy ra sự cố kỹ thuật.
Ông Hà Thanh Linh, giám đốc Công viên văn hóa Đầm Sen:
Cần cù, sáng tạo
“Đức tính cần cù, không ngại khó, ngại khổ, nhất là tinh thần ham học hỏi đã giúp anh Xuân trưởng thành vượt bậc. Các giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật do anh thực hiện đã đóng góp thiết thực vào thành công chung của đơn vị”.
Bình luận (0)