Tại Diễn đàn "Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em (LĐTE) trong công nhân lao động" do LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM tổ chức mới đây, các chuyên gia lao động nhận định: Việc nhận diện LĐTE trong cộng đồng chưa cao do cách hiểu truyền thống về việc trẻ em hoạt động kinh tế phụ giúp gia đình. Bên cạnh đó là những rào cản tiếp cận giáo dục, đặc biệt là nhận thức sai lầm của phụ huynh về việc học hành và lao động của con cái.
Bốn tiêu chí về lao động trẻ em
Theo ông Phạm Ngọc Chính, giảng viên chương trình Khởi sự doanh nghiệp và tăng cường khả năng kinh doanh (SIYB) của Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO), khái niệm LĐTE phải được nhìn nhận ở 4 tiêu chí gồm: loại công việc và thời gian tương ứng với độ tuổi, điển hình như người chưa thành niên từ 15-18 tuổi làm các công việc bị cấm trong danh mục của Bộ Luật Lao động và thời gian làm việc không quá 40 giờ/tuần hoặc 8 giờ/ngày. Kế đến là nơi làm việc không được trái với quy định, đặc biệt trong nhiều ngành nghề nhạy cảm như quán bar, nhà hàng, khách sạn… ảnh hưởng đến nhân cách trẻ. Tiêu chí thứ 3 là những công việc nặng nhọc, độc hại ảnh hưởng đến thể chất, tâm sinh lý trẻ em và cuối cùng là các hình thức lao động tồi tệ, ngược đãi.
"Như vậy, khái niệm LĐTE là trẻ em và người chưa thành niên làm các công việc trái quy định pháp luật, cản trở hoặc tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Điều tra gần nhất cho thấy cả nước có khoảng 2,83 triệu trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế phụ giúp gia đình thì trong đó có khoảng 1,75 triệu được xếp vào LĐTE" - ông Chính cho biết.
Bên cạnh đó, các khảo sát về LĐTE tại Việt Nam đều cho thấy đến 80% LĐTE nằm trong khu vực cơ sở, hộ sản xuất - kinh doanh nhỏ, chủ yếu là các công việc thời vụ. Ở khu vực này, trẻ em được thuê làm việc vì tiền công rẻ, dễ phục tùng. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy quyết định cho trẻ tham gia lao động có đến 80% là từ phía phụ huynh, người bảo trợ. "Trẻ lao động sớm dễ bỏ học, dễ tổn thương thể chất và tâm lý, dễ bị lạm dụng, bóc lột, cũng như rơi vào các điều kiện lao động tồi tệ. Bên cạnh nghèo khó là nguyên nhân hàng đầu thì các rào cản tiếp cận giáo dục và nhận thức sai lầm của phụ huynh về việc học hành và lao động của con cái, sự phân biệt đối xử về giới… có tác động rất quan trọng đến thực trạng. Nó tạo thành nguồn cung dồi dào trẻ em sớm bước vào thị trường lao động" - ông Chính nhấn mạnh.
Tại TP HCM, kết quả từ nghiên cứu "Phân tích tình hình trẻ em TP HCM năm 2017" do UBND TP và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho thấy phần lớn trẻ em tham gia lao động là trẻ nhập cư. Các em ít khi đăng ký tạm trú và rất khó xác định do làm việc trong các khu vực phi chính thức, giúp việc gia đình, hộ kinh doanh nhỏ. Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, thực tế trong nhiều ngành nghề gia công, các chính sách nghiêm ngặt về lao động ở các công ty lớn cao đã đẩy trẻ em dạt về những xưởng nhỏ lẻ, xưởng gia đình ở các cấp thấp hơn trong chuỗi cung ứng và đối diện các nguy cơ lao động thời gian kéo dài nhiều hơn.
Trẻ em bán trà đá mưu sinh. Ảnh: ĐỖ TRỌNG
Khó nhận diện, xử lý
Trong căn phòng trọ ẩm thấp, chị Võ Thị Thu (công nhân giày da đang làm việc tại KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM) đang sống cùng 2 con trai. Chồng chị do bệnh tật nhiều nên đã bỏ việc về quê sinh sống. Bản thân chị cũng vừa đi làm vừa điều trị bệnh dài hạn. Nếu như đứa con lớn 18 tuổi có thể nuôi thân bằng nghề bán phụ tùng xe máy thì đứa con nhỏ chỉ mới hơn 12 tuổi đã phải bỏ học lên TP HCM ở trọ cùng mẹ. "Cháu ở loanh quanh nhà trọ, phụ việc vặt trong xóm, ai nhờ gì thì làm cái đó, mỗi tháng kiếm được hơn 1 triệu đồng. Cháu ở dưới quê không ai kèm cặp nên học hành sa sút rồi bỏ học, do vậy tôi đành phải đưa lên TP. Giờ tôi lo cho tôi đã khó nên đành chịu, chỉ mong cháu đừng dính đến cờ bạc, ma túy" - chị Thu bộc bạch.
Rất nhiều nữ công nhân (CN) ngoại tỉnh tại TP HCM cũng có suy nghĩ như chị Thu. Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương (giảng viên dự án Hỗ trợ nâng cao năng lực quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE của ILO tại Việt Nam), để giảm thiểu và phòng ngừa LĐTE, cái gốc của vấn đề là phải tác động đến nhận thức của phụ huynh thông qua các dự án giáo dục, truyền thông. Đối tượng ưu tiên là lao động ngoại tỉnh đến làm việc và sinh sống tại các TP lớn. Bên cạnh đó, nhà nước phải hỗ trợ một phần sinh kế cho các đối tượng này. "Ví dụ với những em bỏ học lên các TP kiếm sống, việc can thiệp giúp đỡ, đặc biệt là hỗ trợ khả năng tiếp cận trường lớp và sinh kế cho gia đình… sẽ giúp cải thiện căn bản tình hình về lâu dài" - bà Hương cho biết.
Bà ĐỖ HỒNG VÂN, Phó Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Nâng cao nhận thức cho lao động ngoại tỉnh
Với những CN di cư, ở trọ tại các TP lớn, việc nâng cao hiểu biết và kiến thức của cha mẹ là vô cùng quan trọng. Các cấp Công đoàn đều có thể xắn tay tham gia thông qua việc thường xuyên tuyên truyền và nâng cao kiến thức cho CN. Trong số hơn 1,7 triệu LĐTE, con em CN chiếm số lượng khá lớn. Con em của lao động di cư tại các vùng công nghiệp rất dễ trở thành LĐTE do đặc thù điều kiện sống, việc làm, thu nhập của lao động nhập cư còn khó khăn. Nhiều em không được học hành đến nơi đến chốn rất dễ ra đời lao động sớm. Nhiều anh chị em CN đưa con em mình tham gia lao động trong các chuỗi cung ứng hàng hóa là một thực tế đang diễn ra. Nhiều người sử dụng con em mình nhưng cũng không biết làm như vậy là vi phạm các quy định về LĐTE.
Bình luận (0)