xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khổ vì doanh nghiệp chây ì

Bài và ảnh: MAI CHI

Một số doanh nghiệp phớt lờ phán quyết của tòa gây thiệt thòi quyền lợi cho người lao động

Theo phán quyết của Tòa Phúc thẩm TAND TP HCM ngày 27-8-2020, vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật nên ngoài việc phải bồi thường cho bà Nguyễn Thị Thêm, kế toán trưởng, hơn 400 triệu đồng, Công ty TNHH G.M (quận 6, TP HCM) còn phải nhận bà trở lại làm việc. Do bản án có hiệu lực kể từ ngày tuyên án nên ngay sau ngày xử, bà Thêm đã đến công ty yêu cầu bố trí công việc. Thế nhưng, yêu cầu của bà bị công ty từ chối.

Làm khó người lao động

Lý do không bố trí công việc cho bà Thêm được ông Mai Văn Cường, phó giám đốc công ty, nêu rõ trong thông báo ngày 29-8 là do chưa nhận được bản án của tòa. Công ty đề nghị bà Thêm không đến công ty "làm phiền" cho đến khi nhận được bản án đã đóng dấu "có hiệu lực pháp luật" của tòa.

Khổ vì doanh nghiệp chây ì - Ảnh 1.

Một phiên xử án lao động tại TAND TP HCM

Bà Thêm không phải là trường hợp đầu tiên bị công ty này gây khó dễ sau khi tranh chấp tại tòa. Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương (SN 1964), thủ kho của công ty, kể bà đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn từ tháng 8-2014. Đầu năm 2019, công ty gửi thông báo cho biết bà Sương sẽ hết tuổi lao động vào ngày 18-3-2019, do đó HĐLĐ cũng sẽ chấm dứt vào ngày này.

Tuy nhiên, đến ngày 30-1-2019, công ty ra quyết định cho bà Sương nghỉ việc mà không có sự thỏa thuận nào. Lúc này bà Sương mới tham gia BHXH được 16 năm 3 tháng. Bức xúc, bà Sương khởi kiện ra tòa. Tại phiên xử phúc phẩm ngày 19-5-2020, tòa nhận định công ty chấm dứt HĐLĐ với bà Sương khi đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ năm tham gia BHXH để hưởng lương hưu (20 năm) là trái quy định, nên phải bồi thường và nhận bà trở lại làm việc.

Nhưng khi bà trở lại làm việc, công ty không bố trí công việc mà cho bà nghỉ chờ việc đến ngày 14-7 và không trả lương. Sau đó, công ty bố trí cho bà làm việc 5 ngày trong tháng 7 rồi lại cho ngừng việc tiếp nhưng trả lương không thỏa đáng. Cụ thể, theo thông báo trả lương ngừng việc ngày 1-9-2020, công ty tự chia lương của bà Sương thành 2 phần: lương cơ bản (4,8 triệu đồng/tháng), phụ cấp lương (5 triệu đồng/tháng).

Trong thời gian ngừng việc, công ty sẽ không trả phụ cấp lương cho bà. "Mặc dù phụ cấp lương là một trong những khoản tiền lương theo HĐLĐ nhưng phụ cấp lương mang bản chất là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc. Do vậy, nếu người lao động (NLĐ) ngừng việc mà không do lỗi của công ty thì không được thanh toán tiền bù đắp lương khi làm việc" - thông báo công ty nêu.

Bà Sương bức xúc: "Khi tính căn cứ bồi thường, mức lương của tôi đã được tòa xác định là 9,7 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, lý do ngừng việc không phải lỗi của tôi nên việc công ty giảm lương mà không thỏa thuận trước là trái quy định pháp luật".

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng chây ì thi hành án hoặc cố tình tìm cách gây thiệt thòi cho NLĐ sau khi bản án có hiệu lực vẫn xảy ra khá phổ biến.

Đơn cử như trong vụ xử tranh chấp lao động giữa bà Đặng Ngọc Thanh Trang và Công ty TNHH B.K.T.C (quận 7, TP HCM) vừa qua, tòa buộc công ty phải truy đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho bà Trang từ ngày 21-8-2018 đến 26-11-2019 với mức lương 32,5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, sau đó công ty chỉ đóng bảo hiểm cho bà ở mức 23,2 triệu đồng/tháng.

Khi bà Trang thắc mắc thì công ty trả lời đợi tòa giải thích vì sao phải đóng ở mức 32,5 triệu đồng thì họ mới thực hiện (!?). Trước đó, khi đang ở vị trí quản lý nhóm kỹ thuật với thu nhập hơn 44 triệu đồng/tháng, bà Trang bị điều chuyển sang làm nhân viên kỹ thuật hưởng mức lương 16,9 triệu đồng/tháng. Ấm ức, bà Trang đã kiện ra tòa. Tại phiên xử sơ thẩm, tòa xác định mức lương của bà Trang là 23,2 triệu đồng/tháng. Sau đó, tòa phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, xác định mức lương của bà Trang là 32,5 triệu đồng/tháng.

Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, cho biết trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định. Riêng với trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) không nhận NLĐ trở lại làm việc theo bản án, quyết định thì theo Luật Thi hành án dân sự, chấp hành viên sẽ ra quyết định phạt tiền, đồng thời ấn định thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để NSDLĐ thực hiện việc nhận NLĐ trở lại làm việc.

Hết thời hạn ấn định mà NSDLĐ không thực hiện thì chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án. Trường hợp không thể bố trí NLĐ trở lại làm công việc theo nội dung bản án, quyết định thì NSDLĐ phải bố trí công việc khác với mức tiền lương tương đương theo quy định của pháp luật lao động. Nếu NLĐ không chấp nhận công việc được bố trí và yêu cầu NSDLĐ thanh toán các chế độ theo quy định của pháp luật lao động thì NSDLĐ phải thực hiện việc thanh toán để chấm dứt nghĩa vụ thi hành án.

"Ngoài ra, NSDLĐ phải thanh toán cho NLĐ khoản tiền lương trong thời gian chưa bố trí được công việc theo bản án, quyết định, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi NLĐ được nhận trở lại làm việc hoặc được giải quyết các chế độ theo quy định" - ông Tín nhấn mạnh.

Luật sư NGUYỄN VĂN PHÚC, Đoàn Luật sư TP HCM:

Nâng mức phạt để răn đe

Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, trường hợp NSDLĐ không nhận NLĐ trở lại làm việc theo bản án thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền đối với NSDLĐ là cá nhân hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng lao động. Tuy nhiên, mức xử phạt quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định khá thấp (3 - 5 triệu đồng) nên chưa đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, theo quy định, khi NSDLĐ cố tình không chấp hành bản án, không nhận hoặc chậm nhận NLĐ trở lại làm việc thì phải có trách nhiệm trả lương cho NLĐ. Tuy nhiên, tòa án hiện nay thường không đưa khoản này vào phần quyết định của bản án khiến chấp hành viên gặp trở ngại trong việc tổ chức thi hành án. Do vậy, ngoài việc nên nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cố tình không thi hành án thì tòa án cần tuyên rõ NSDLĐ phải thanh toán tiền lương cho NLĐ kể từ ngày NLĐ có đơn yêu cầu thi hành án đến khi NSDLĐ nhận NLĐ trở lại làm việc. Có như thế mới bảo đảm việc thi hành án và quyền lợi cho NLĐ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo