Khẳng định ấy hoàn toàn có cơ sở bởi thực tế, tình trạng người sử dụng lao động trả tiền lương chỉ cao hơn LTT một chút để né tránh trích nộp thêm BHXH, BHYT cho NLĐ diễn ra khá phổ biến. Do LTT quá thấp nên nhiều nơi, NLĐ phải làm việc 12-14 giờ/ngày, làm thêm hơn 300 giờ/năm song thu nhập thực tế không cải thiện được là bao.
Khổ với LTT là tâm trạng chung của số đông công nhân (CN), đặc biệt là CN ngoại tỉnh đang làm việc tại các TP lớn. Chị Cao Thị Hồng, CN một doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài tại TP HCM, cho biết để có mức thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng, chị phải tăng ca cật lực, không có ngày nghỉ. Việc vắt kiệt sức trong nhà máy đã khiến chị mắc một số bệnh nghề nghiệp như mắt mờ, chân run, đau lưng, chưa kể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Không chỉ bị trả lương thấp, điều khiến CN bức xúc còn là tình trạng lách luật ở các DN nằm né tránh thực hiện nghĩa vụ với NLĐ. Ở một số vụ ngừng việc, khi tiếp xúc các cơ quan chức năng, nhiều CN phản ánh do DN quy định tiêu chuẩn khắt khe trong việc nâng lương, điều kiện hưởng trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng… nên đã gây thiệt thòi cho NLĐ. Chưa hết, một số khoản phụ cấp theo quy định phải đưa vào thu nhập để đóng bảo hiểm nhưng DN cũng phớt lờ, dẫn đến tiền lương đóng BHXH, BHYT cho NLĐ rất thấp. Việc DN chậm nâng lương, điều chỉnh lương không đúng quy định của pháp luật… cũng đẩy thiệt thòi về phía NLĐ.
Tại các diễn đàn về quan hệ lao động, nhiều chuyên gia đã cảnh báo sự bất cập của chính sách tiền LTT hiện hành, đồng thời đề nghị cần nghiên cứu ban hành Luật Tiền LTT. Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, với việc ban hành Luật Tiền LTT, chắc chắn chính sách tiền lương sẽ được vận hành theo cơ chế thị trường và điều này sẽ có lợi cho NLĐ.
Bình luận (0)