Cuộc họp đã diễn ra lúc 9 giờ sáng nay 2-8 tại phòng họp tầng 2 của khách sạn 2 sao Hanvet ở thị trấn Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) với 14/15 thành viên của Hội đồng tiền lương Quốc gia để bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017.
Khách sạn Hanvet, thị trấn Tam Đảo - nơi đang diễn ra cuộc họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 cho người lao động - ảnh: Văn Duẩn
Cuộc họp kết thúc lúc 13 giờ và đã đi đến thống nhất để bỏ phiếu với mức tăng được đề xuất chỉ là 7,3% so với năm 2016.
Dù tiết trời Tam Đảo sáng 2-8 mát mẻ và khá dễ chịu, tuy nhiên không khí thảo luận, thương lượng trong phòng họp luôn nóng khi quan điểm của đại diện giữa các bên chưa cùng chung hướng.
Trước đó, theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, phát biểu tại cuộc họp này, phía đại diện chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ban đầu vẫn giữ nguyên quan điểm chỉ tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 ở mức 4,5-5% như đề xuất trước đó tại phiên họp thứ nhất ở Hải Phòng. Tuy nhiên, VCCI sau đó đã chấp nhận "nhích" lên một chút là đề xuất tăng lương ở mức 6%.
Trong phòng họp kín của Hội đồng tiền lương Quốc gia ngày 2-8, các thành viên "chốt" đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 7,3%
Đáng chú ý, một thành viên hội đồng là đại diện cho các doanh nghiệp ngành dệt may đã đề nghị năm 2017 chưa tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động.
Về phía đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau khi tính toán, trong đó có sự chia sẻ với phía doanh nghiệp, đã tạm hạ mức đề xuất tăng lương xuống còn 10%, so với mức đề xuất tăng 11,11% trước đó.
Sau khi phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và VCCI không tìm được tiếng nói chung khi mức chênh lệch trong đề xuất vẫn là 4%, Hội đồng đã thống nhất đi đến bỏ phiếu và thông qua phương án tăng lương được hội đồng đưa ra để bỏ phiếu là 7,3% với 13/14 phiếu đồng ý.
Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 chỉ 7,3% là thấp so với yêu cầu đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động
Kết quả, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 so với lương tối thiểu vùng năm trước như sau: Vùng 1 tăng thêm 250.000 đồng, tức tăng 7,1%; Vùng 2 tăng 220.000 đồng, tăng 7,1%; Vùng 3 tăng 200.000 đồng, tăng 7,4%; và Vùng 4 tăng 180.000 đồng, tăng 7,5%.
Tính bình quân chung 4 vùng, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 được Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất là 213.000 đồng, tức tăng 7,3% so với năm 2016. Kết quả bỏ phiếu 13/14 đồng ý (1 thành viên vắng), bằng 92,85%.
Trả lời Báo Người Lao Động tại khách sạn Hanvet ở Tam Đảo ngay sau khi chốt phương án tăng lương tối thiểu 2017 để trình Chính phủ quyết định, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, cho biết ban đầu phương án giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và VCCI đưa ra khác nhau rất nhiều, thậm chí có ý kiến một thành viên đại diện phía dệt may còn đề nghị không tăng lương tối thiểu.
“Phía Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra trên 10% còn VCCI chỉ đề nghị tăng 4-5%”- ông Huân cho hay.
“Tuy nhiên, sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, đặc biệt là chỉ số CPI, các yếu tố khó khăn của doanh nghiệp, vì vậy hai bên đã thương thượng để đưa ra mức tăng 7,3%”- ông Huân nói.
Trả lời về việc mức tăng 7,3% đã hợp lý hay chưa, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết: “Tôi nghĩ hợp lý là khi tiếng nói của hai bên nó gần nhau hơn”- ông Huân bình luận.
Thừa nhận việc để đưa ra được mức tăng 7,3% là có sự dung hòa của bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia, tuy nhiên ông Huân chũng cho biết kết quả bỏ phiếu nhìn chung là đồng thuận.
Chiều nay vào lúc 16 giờ, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ tổ chức họp báo để thông báo kết quả của việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2017.
Bình luận (0)