Là người con của quê hương sen hồng Đồng Tháp, chị Nguyễn Thị Kim Anh (SN 1989) quyết định từ bỏ công việc kế toán với mức lương ổn định, chọn hướng khởi nghiệp với nghề móc len mà mình yêu thích.
Tìm hướng đi riêng
Kim Anh kể sau khi tốt nghiệp ngành kế toán của một trường cao đẳng nghề, chị làm việc cho một công ty xây dựng với mức lương 5 triệu đồng/tháng. "Đi làm mà tôi chẳng tập trung lắm bởi thấy công việc cứ lặp đi lặp lại nhàm chán. Tôi muốn làm cái gì đó để khám phá tiềm năng của bản thân" - Kim Anh chia sẻ.
Nguyễn Thị Kim Anh (bìa phải) giới thiệu sản phẩm do cơ sở sản xuất
Kim Anh đam mê nghệ thuật móc len từ nhỏ. Tham gia sinh hoạt trong các nhóm làm đồ thủ công (handmade) trên mạng xã hội, Kim Anh nhận thấy nhu cầu các sản phẩm handmade ngày một lớn, thị hiếu khách hàng ngày một tăng, từ kiểu dáng, mẫu mã đến chất liệu… Sau khi làm thử vài món và đăng lên nhóm, Kim Anh nhận được sự khích lệ của bạn bè và cứ làm được cái nào đều bán được cái đó, khách đặt hàng ngày càng nhiều.
Nhận thấy thị trường tiềm năng này, Kim Anh quyết định khởi nghiệp với nghề móc len. Khi chị trình bày ý tưởng xin nghỉ hẳn công việc kế toán để làm móc len nghệ thuật, gia đình, bạn bè ai cũng phản đối vì cho rằng nghề này đã mai một. Thế nhưng, Kim Anh lại không nghĩ vậy. Năm 2015, Kim Anh quyết định tạm dừng công việc hiện tại để theo đuổi nghề móc len mình yêu thích với số vốn ban đầu chỉ 1 triệu đồng. Thời gian đầu, chị gặp không ít khó khăn do không có mặt bằng để bày bán hàng trong khi kiến thức kinh doanh trên mạng gần như là con số 0. Thế nhưng, điều đó không thể cản được niềm đam mê của chị. "Ban ngày, tôi tập trung cho sản xuất, tối tôi mang sản phẩm ra các khu vui chơi, công viên vừa giới thiệu vừa bán. Thấy tôi vất vả, gia đình, bạn bè tiếp tục khuyên tôi từ bỏ, đi xin việc làm lại nhưng tôi quyết không bỏ cuộc, càng khó tôi càng thấy hứng thú" - Kim Anh nói.
Xoay xở để vươn lên
Trời không phụ lòng người chịu khó. Sau một thời gian vừa làm vừa bán vừa nghiên cứu sản phẩm, thông qua sự góp ý của cộng đồng mạng trên Facebook, Zalo, Kim Anh tìm được lối đi cho riêng mình.
Kim Anh xác định được kênh giới thiệu và bán hàng chủ lực của mình là online qua Facebook, Zalo, Instagram. Thông qua các kênh này, lượng khách hàng biết đến sản phẩm móc len Kim Anh ngày càng nhiều và có không ít khách nước ngoài. "Nhiều khách nước ngoài sau khi xem và mua thử đã chủ động liên lạc với tôi để gửi mẫu và đặt hàng với số lượng lớn. Đó là mục đích mà tôi hướng đến ngay khi khởi nghiệp, bởi tôi biết thị trường quà tặng handmade là rất lớn, mà người nước ngoài có xu hướng tiêu dùng xanh, yêu chuộng hàng handmade" - Kim Anh chia sẻ. Nhận thấy đây là những khách hàng tiềm năng và lâu dài cho sản phẩm handmade nhưng chỉ một mình thì không thể kham nổi công việc, Kim Anh quyết định mở rộng quy mô cơ sở sản xuất. Bài toán lúc này là vốn. Kim Anh tìm đến Thành đoàn Cao Lãnh vay 53 triệu đồng để có vốn đầu tư sản xuất và mua các nguyên liệu. Bài toán vốn được giải quyết thì bài toán nhân công đặt ra. Chị quyết định mở lớp dạy nghề và thành lập CLB handmade để tạo nguồn nhân công. Những sản phẩm chất lượng do học viên lớp dạy nghề làm ra được chị tận dụng để tiếp thị trên Facebook, Zalo, Instagram.
Kim Anh cho biết do nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì nên dù lúc đầu học viên tìm đến khá đông nhưng người trụ lại với nghề rất ít. Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 5 học viên đồng hành với nghề móc len cùng Kim Anh. Với số lao động này, mỗi tháng cơ sở có thể cung ứng ra thị trường trên 30 dòng sản phẩm các loại. Trong đó, chủ yếu là balô, ví cầm tay, nón... cung cấp cho khách hàng các nước Mỹ, Đức, Malaysia và đại lý ở TP HCM, với mức giá dao động từ vài trăm ngàn đồng đến trên 1 triệu đồng/sản phẩm.
Kim Anh đang có kế hoạch liên kết với cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh nhà để dạy nghề cho các em, qua đó tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, giúp họ tự nuôi sống mình để thấy có ích cho xã hội. Chị kỳ vọng với định hướng này sẽ kết nối tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương và cơ sở cũng có thêm nhiều sản phẩm độc đáo đưa ra thị trường. Đây cũng là hướng đi giúp Kim Anh giải quyết được bài toán nhân lực cho mình khi mở rộng thị trường kinh doanh.
Bình luận (0)