Để có thể đến được nơi ở của chị Trần Thị Thanh Phụng, công nhân (CN) quét đường Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích (DVCI) quận Thủ Đức, TP HCM, chúng tôi phải đi qua đoạn đường ngập rác, bốc mùi hôi nồng nặc cùng vô số ruồi, chuột… ở bô rác hở Sở Gà (phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP HCM). Nói là nhà cho sang nhưng chỗ sinh hoạt hằng ngày của mẹ con chị Phụng chỉ là một cái chòi được dựng tạm bợ bằng nhiều loại vật liệu trên nền đất trống.
Cô bé hiếu học ở Sở Gà
Đang lúi húi phân loại ve chai trước căn chòi, chị Phụng thoáng chút bối rối khi có khách đến thăm đột xuất. "Nhà chật quá nên em thông cảm. Giờ trời đang ráo nên tranh thủ lựa bọc ni-lông, sau đó phơi khô bán mới có giá" - chị Phụng ngại ngùng.
Sau giờ học, bé Nguyễn Trần Bảo Nghi, phụ mẹ lựa ve chai tại nơi trọ
Chồng mất sau một cơn bạo bệnh vào năm 2011, chị Phụng dọn về ở chung với mẹ ruột, một mình gồng gánh nuôi 2 con nhỏ trong tình thế khó khăn bủa vây. Con chị là 2 bé Nguyễn Thị Tố An và Nguyễn Trần Bảo Nghi sống trong cảnh thiếu thốn. Bé An ngay từ nhỏ đã có biểu hiện chậm phát triển trong khi Nghi ngay từ khi sinh ra đã bị hen. Để có thời gian chăm sóc và chữa trị cho 2 con, chị Phụng phải nghỉ việc ở công ty cũ và đến bô rác ở Sở Gà (đường Tam Bình, phường Tam Phú) lấy nghề lựa ve chai làm sinh kế. Chia sẻ với khó khăn của chị, lãnh đạo Công ty TNHH MTV DVCI quận Thủ Đức đã nhận vào làm nhân viên chính thức, giúp chị có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Ngoài giờ làm ở công ty, chị chịu khó lựa ve chai để kiếm thêm đồng vô đồng ra nuôi 2 con. "Tiền bán ve chai và lương tháng cũng được hơn 8 triệu đồng, nếu biết gói ghém thì ba mẹ con cũng đủ sống qua ngày. Lo nhất khi mấy đứa nhỏ tựu trường, nhiều khoản chi lắm. Vừa rồi, chưa kịp ngày lãnh lương nên tôi phải vay tạm tiền để mua sách vở, quần áo cho con hết 2 triệu đồng" - chị Phụng bộc bạch.
Chị Mai Thị Thanh Thy giúp bé Lâm Huy Hoàng chuẩn bị tập, sách cho năm học mới
Đang phụ mẹ gom mớ giấy vụn vào bao tải, nét mặt bé Bảo Nghi thoáng chút buồn. Tuy nhiên, đôi tay em vẫn thoăn thoắt làm bởi khó khăn ấy Nghi và mẹ đã đối diện nhiều năm nay. Xuất phát điểm thua kém bạn bè đồng trang lứa và hiểu được nỗi vất vả của mẹ nên Nghi vẫn cố gắng học tốt để mẹ an tâm. Nghi kể có lần, khi bị bạn bè châm chọc về cái nghề hốt rác của mẹ, em đã lập tức trả lời: "Nghề quét rác có gì xấu? Không có những CN vệ sinh như mẹ tôi thì làm sao TP được sạch sẽ". Nghe Nghi nói, chị Phụng rất vui và tự hào khi thấy con đã trưởng thành. Không những vậy, Nghi có tính tự lập từ nhỏ, biết phụ giúp mẹ và bà ngoại làm các công việc vừa sức. Bỏ qua mặc cảm, cô bé giàu nghị lực này không chỉ là một lớp trưởng gương mẫu mà còn là học sinh giỏi 5 năm liên tục ở Trường Tiểu học Linh Đông.
Ước có đồng phục mới
Đó là ước mơ của em Lâm Huy Hoàng, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Linh Tây (quận Thủ Đức, TP HCM) - con chị Mai Thị Thanh Thy, CN quét đường Công ty TNHH MTV DVCI quận Thủ Đức) - khi được hỏi về sự chuẩn bị trước khi bước vào năm học mới.
Căn phòng trọ nơi gia đình chị Thy thuê ở (3/11A Nguyễn Văn Lịch, phường Linh Tây, quận Thủ Đức) khá hẹp, do vậy việc sinh hoạt của 4 thành viên hết sức bất tiện. Hôm chúng tôi đến thăm thì gặp trời mưa to, khoảng sân trước nhà ngập nước. "Mưa to là sinh hoạt bất tiện nhưng giờ mà tìm thuê chỗ khác thì xa trường học của con, không tiện đưa đón, xa chỗ làm, chưa kể giá sẽ rất cao" - chị Thy nói.
Chồng chị Thy là tài xế, thời gian làm việc không cố định nên dù cố gắng hết sức thì thu nhập mỗi tháng của vợ chồng chị cũng tròm trèm 12 triệu đồng. Dù liệu cơm gắp mắm nhưng họ vẫn thiếu trước hụt sau. Không cam chịu số phận, sau thời gian làm việc buổi tối, chị Thy nhận nấu ăn và lau dọn nhà cửa cho một gia đình vào ban ngày với mức lương 2 triệu đồng/tháng. "Tiền thuê nhà đã mất 3 triệu đồng/tháng; tiền học của 2 con, chi phí ăn uống cả ngày, xăng xe đi lại…thì vừa đủ; chưa kể những lúc ốm đau, đám tiệc… thì phải vay mượn thêm" - chị Thy chia sẻ.
Với chị Thy, hạnh phúc lớn nhất là 2 đứa con chăm ngoan, học giỏi. Trong đó, cháu Lâm Huy Hoàng là niềm tự hào của gia đình. Mới 9 tuổi nhưng Hoàng ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, do vậy em chưa bao giờ đòi hỏi cha mẹ điều gì. Ba năm liền, cậu bé này đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Buổi tối, khi chị Thy rời nhà thì chồng vẫn chưa về, do đó, 2 chị em Hoàng sẽ tự bảo ban nhau học bài và đi ngủ sớm. Khi tôi hỏi em ước gì trước mùa tựu trường, Hoàng lễ phép trả lời: "Em chỉ mong có một bộ đồng phục tươm tất để đến lớp như mấy bạn". Câu nói của Hoàng khiến tôi nghẹn lời.
Kỳ tới: Khó khăn không gục ngã
Trao 120 suất học bổng đầu tiên
Nhằm triển khai có hiệu quả chương trình "Đồng hành cùng người lao động", đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, tháng 7-2018, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã khởi xướng chương trình học bổng "Chắp cánh ước mơ" nhằm chăm lo thiết thực cho con CN vệ sinh có hoàn cảnh khó khăn, góp phần động viên các cháu phấn đấu học tập vì một tương lai tươi sáng hơn.
Dự kiến, trong đợt đầu tiên, Báo Người Lao Động sẽ trao 120 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1,5 triệu đồng, cho con CN vệ sinh có hoàn cảnh khó khăn, biết vượt khó, vươn lên trong học tập. Lễ trao học bổng sẽ được tổ chức vào lúc 9 giờ thứ bảy, 8-9, tại Hội trường Nhà Thiếu nhi TP (36 Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3).
Báo Người Lao Động mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm quan tâm đóng góp vật chất, tiền bạc để tiếp sức cho chương trình. Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ chị Đỗ Phượng (Ban Truyền thông, điện thoại: 0918 789 390) hoặc chuyển khoản: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM. Số tài khoản: 117000004884. Đơn vị thụ hưởng: Báo Người Lao Động.
Bình luận (0)