Phía dưới những tòa cao ốc chọc trời, lộng lẫy là nơi làm việc tối tăm của công nhân thoát nước, ngày đêm ngụp lặn dưới dòng nước tanh tưởi và cả hiểm nguy rình rập
"Những việc làm của một bộ phận người dân thiếu ý thức khiến công việc của công nhân (CN) thoát nước chúng tôi khó khăn thêm bội phần. Thay vì để rác nơi khô ráo, nhiều người cứ vứt trên miệng cống. Những hôm đội thu gom không kịp chuyển đi, gặp mưa lớn là rác trôi hết xuống cống, không nghẹt mới lạ" - ông Nguyễn Văn Tuấn, CN Công ty Thoát nước đô thị TP HCM (Chi nhánh 5), bộc bạch.
Nhẫn nhịn chịu đựng
30 năm trong nghề, công việc hằng ngày của ông Tuấn là chui xuống cống nạo bùn và vớt rác, bắt đầu từ sáng sớm, tùy theo con nước. Vào mùa mưa, sau công việc nạo vét, ông và đồng nghiệp phải trực đến tận khuya để khai thông từng miệng cống bị rác thải bịt kín khiến nước bị ứ lại trên đường gây cảnh ngập lụt.
Ông Nguyễn Văn Tuấn đang dọn dẹp rác tại một đoạn cống trên đường Lê Thạch, quận 4, TP HCM
Đến giờ này, ông Tuấn cũng không nhớ mình đã bao nhiêu lần chui xuống cống vớt rác. Ông Tuấn nói ở trên mặt đường có gì, kinh doanh thứ gì là dưới cống có thứ đó, từ rác, nước thải cho đến những mùi vị "đặc trưng". Phổ biến là các loại rác thải từ nhựa bọc ni-lông, chai lọ, hộp xốp… đi đâu cũng thấy. "Ở những khu vực ẩm thực, các hộ kinh doanh sau khi chế biến xong là đổ thẳng xuống cống, chủ yếu là mỡ. Mỡ đóng lâu ngày quện lại thành những mảng lớn như cái bàn. Anh em CN rất sợ thứ này bám vào áo quần bởi lúc đó toàn thân ngứa ngáy, đồ bảo hộ lao động chỉ có nước đem bỏ vì không thể khử được mùi" - ông Tuấn cho biết. Còn chuyện anh em CN bị đứt chân, tay do giẫm phải vỏ ốc, kim loại xảy ra như cơm bữa.
Theo chân họ tác nghiệp dù chỉ vài giờ, có lúc đầu óc tôi xây xẩm, không thể thở nổi với mùi tanh dưới lòng cống tối om. Tuy nhiên, với CN thoát nước, do "ngửi riết thành quen" nên họ khá rành rẽ trong việc phân biệt từng loại mùi đặc trưng. Anh Ngô Chí Hùng có hơn 20 năm trong nghề cho biết kinh khủng nhất là mùi chua do các loại phế phẩm chế biến từ bột, nhất là ở các khu vực sản xuất bún, phở. "Nếu không được nạo vét, chất thải loại này để lâu ngày sẽ trương sình lên, mùi hôi không thể diễn tả nổi, ai ngửi một lần cũng bỏ chạy. Ở những tuyến cống vùng ven thì còn kinh khủng hơn nữa. Rác thải sinh hoạt hỗn tạp như các loại vỏ rau củ quả, phân heo, xác động vật chết cứ thế được vứt thẳng xuống cống, tích tụ lâu ngày sẽ bốc mùi tanh nồng nặc. Để không bị choáng khi hít phải mùi tanh, sau khi dỡ nắp hố ga, anh em phải chờ từ 15-20 phút mới dám xuống làm việc" - anh Hùng lắc đầu.
Công việc nặng nhọc, độc hại là vậy nhưng những CN như ông Tuấn và anh Hùng vẫn nhẫn nhịn chịu đựng. Có những lần làm việc ở gần các khu buôn bán, họ còn bị chủ nhà xỉ vả, chửi rủa vì dám làm… mất mỹ quan và đuổi khéo. Cực chẳng đã, họ phải năn nỉ để làm cho xong việc.
Ám ảnh kim tiêm
Vật sắc nhọn là cả một nỗi ám ảnh lớn với những CN khi làm vệ sinh cống. Dưới lòng cống tối đen, sình lầy hỗn độn các loại rác, rất khó nhận biết vật nhọn để tránh và vì thế họ phải chấp nhận rủi ro. "Làm cái nghề này thì việc tiếp xúc với kim tiêm, vật nhọn là chuyện bình thường. Những lúc ấy, chỉ biết cầm máu tạm chứ không thể bỏ ngang công việc. Đau nhức lắm nhưng sợ nhất là nhiễm bệnh xã hội, lúc đó chỉ sợ làm khổ gia đình, vợ con. Rồi thì các loại ghim tre do những người bán trái cây hay đồ nướng vứt xuống cống, thứ này còn độc hơn cả kim tiêm bởi khi đạp phải rất dễ gãy và nằm lại trong lòng bàn chân mình. Ngủ một đêm sáng ra là mưng mủ, sưng phồng lên" - anh Hùng nói.
Nếu như một số ngành, nghề có công cụ, máy móc hiện đại hỗ trợ thì việc nạo vét lòng cống chỉ dùng sức người là chính. Nhiều đoạn cống được xây dựng từ lâu, kích thước nhỏ, ngập trong rác thải hầu như ngoài bàn tay người, khó có thể có loại máy móc nào đảm đương nổi. Những CN được trang bị các loại áo bảo hộ lao động nhưng cũng không mấy khi sử dụng vì không phù hợp với điều kiện làm việc. Đồ bảo hộ nóng và nặng, gặp cát thì hít, gặp bùn thì lún nên việc đi lại của họ hết sức khó khăn. Gặp lúc mưa hay triều cường, nước cao ngang ngực, chỉ khom xuống lùa rác là nước tràn vào áo quần bảo hộ. Cống lớn thì thoáng, gặp loại cống nhỏ, bùn đất nhiều chiếm hết không gian cống nên bức bí, hơi nước phả vào người nên chẳng ai làm việc nổi khi mặc đồ bảo hộ.
Lo cho tương lai
Theo chân CN thoát nước, chúng tôi càng thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của họ. Lần mò từng bước trên chiếc thang dây chông chênh xuống đoạn cống sâu hơn 3 m dưới lòng đường Tân Hóa, quận 6, TP HCM, nhiều phen tôi suýt chạy ngược trở lên vì chịu không nổi mùi hôi bên dưới. Vậy mà những CN thoát nước vẫn âm thầm chịu đựng từ ngày này sang ngày khác.
Anh Đoàn Kim Sa làm việc tại đường Tân Hóa, quận 6, TP HCM
Mỗi CN thoát nước được trang bị một bộ đồng phục bảo hộ. Đó là một bộ áo quần liền giày không thấm nước cao đến ngực, mặc vào đã khó khăn mà xoay xở được dưới lòng cống chật hẹp lại còn khổ sở hơn. Sình đất lún quá gối, mỗi bước đi là mỗi bước gian nan. Giữa bóng tối đặc quánh và mùi hôi xộc lên mũi, anh Đoàn Kim Sa và đồng nghiệp thoăn thoắt nạo từng thùng bùn đất chuyển lên xe chở đi. Bóng tối mịt mùng, hầu như chỉ có ánh đèn trên nón bảo hộ là chuyển động. Khu vực nạo vét là vùng trũng, gần kênh rạch, nhóm của Sa phải làm việc trong đêm để tránh thủy triều lên. Đêm nay, công việc khá đơn giản vì đoạn cống này chỉ có bùn đất. Thỉnh thoảng những đoạn ngập sâu anh Sa gần như nín thở, cúi mặt vào dòng nước đen. Chuyện hụt chân té hớp cả ngụm nước không phải là không có. Vừa múc đất anh Sa vừa phủi những con gián bò lên người. "Gián nhiều lắm, cứ chạm vào thành cống là chúng túa ra bò khắp người. Còn chuột thì nhiều vô kể, cả muỗi nữa, cứ mở nắp cống là muỗi bay lên đen đặc, không ngậm miệng kịp là nuốt vài con, khạc mãi không ra" - anh Sa cho biết.
Chỉ mong đời con, đời cháu bớt khổ
Như các đồng nghiệp, mọi gian nan anh đều nếm trải qua. Anh Đoàn Kim Sa quê Đồng Tháp, cưới vợ rồi lên TP làm việc. Để tiết kiệm chi tiêu và thuận tiện cho việc đi làm của vợ, anh thuê nhà tận Hóc Môn, mỗi ngày mất hơn 1 giờ để đến chỗ làm. "Cực nhọc vậy nhưng lương cũng chỉ đủ sống, có đứa con cũng phải gửi ông bà ở quê trông giùm. Vì mưu sinh, tôi chấp nhận công việc, chỉ mong thu nhập mỗi ngày một khá hơn, người dân có ý thức hơn về chuyện rác thải và cả thay đổi cái nhìn với những người lao động ở tận sâu dưới đáy TP như chúng tôi" - anh Sa chia sẻ.
Còn với ông Tuấn, hết năm nay, ông đến tuổi về hưu. Làm việc từ thuở thanh xuân đến nay đầu đã bạc, răng đã rụng gần hết nhưng với ông đó chưa hẳn sẽ là khoảng thời gian an dưỡng tuổi già. Đồng nghiệp nhiều người về hưu rồi mới phát bệnh, đủ loại bệnh dồn lại từ bao nhiêu năm do phải ngụp lặn dưới cống. Chủ yếu vẫn là bệnh về da, gan và phổi, ung thư. "Chỉ là khi còn khỏe nó lướt qua thôi chứ bệnh nó đã ở đó, tích lũy trong người mình chừng đó năm. Công việc của chúng tôi vốn đã cực rồi, chỉ mong đời con đời cháu bớt khổ" - ông Tuấn mong mỏi.
Trao 120 suất học bổng đầu tiên
Nhằm triển khai có hiệu quả chương trình "Đồng hành cùng người lao động", đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, tháng 7-2018, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã khởi xướng chương trình học bổng "Chắp cánh ước mơ" nhằm chăm lo thiết thực cho con CN vệ sinh có hoàn cảnh khó khăn, góp phần động viên các cháu phấn đấu học tập vì một tương lai tươi sáng hơn.
Dự kiến, trong đợt đầu tiên, Báo Người Lao Động sẽ trao 120 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1,5 triệu đồng, cho con CN vệ sinh có hoàn cảnh khó khăn, biết vượt khó, vươn lên trong học tập. Lễ trao học bổng sẽ được tổ chức vào lúc 9 giờ thứ bảy, 8-9, tại Hội trường Nhà Thiếu nhi TP (36 Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3).
Báo Người Lao Động mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm quan tâm đóng góp vật chất, tiền bạc để tiếp sức cho chương trình. Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ chị Đỗ Phượng (Ban Truyền thông, điện thoại: 0918 789 390) hoặc chuyển khoản: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM. Số tài khoản: 117000004884. Đơn vị thụ hưởng: Báo Người Lao Động.
Kỳ tới: Điều ước giản đơn
Bình luận (0)