xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khốn đốn vì bị nợ lương

NHÓM PHÓNG VIÊN

Hàng loạt doanh nghiệp khó khăn, thu hẹp sản xuất hoặc ngưng hoạt động khiến người lao động điêu đứng, đời sống lao đao trong những ngày giáp Tết

Gần 1 năm nay, nhãn hiệu giấy, bao bì Minh Việt Long gần như vắng bóng trên thị trường. Từ một doanh nghiệp (DN) có tiếng tại quận 6 - TPHCM, hiện Công ty Minh Việt Long chỉ sản xuất cầm chừng với 25 lao động, hơn 100 người do không thể cầm cự đã phải nghỉ để tìm việc khác.

Lay lắt chờ việc

Dù là những ngày cuối năm, cao điểm của ngành in, bao bì nhưng hoạt động sản xuất của Công ty Minh Việt Long tại cơ sở 168/9 Lê Đình Cẩn, quận Bình Tân - TPHCM vẫn chỉ “cầm hơi”. Ghé thăm công ty những ngày đầu tháng 1-2013, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Nhà xưởng với diện tích 700 m2, được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị nhưng chỉ có 12 công nhân (CN) làm việc; máy móc phần lớn “trùm mền” do không có đơn hàng. Hình ảnh này khác xa với cảnh cách đây 1 năm khi công ty nhận rất nhiều đơn hàng Tết, phải tuyển thêm CN.
 
img
Không có việc làm ổn định, anh Huỳnh Văn Thoại, công nhân Công ty Sae Hwa Vina,
phải nhận sửa chữa đồ điện tử để kiếm sống. Ảnh: VĨNH TÙNG

Tiếp xúc với chúng tôi, ông  Bùi Thanh Vàng, giám đốc công ty, thừa nhận: “DN gặp rất nhiều khó khăn nên chắc chắn sẽ không có thưởng Tết”. Anh Lê Thành Danh, một trong những CN còn “trụ lại”, buồn rầu: “Có những thời điểm công ty chỉ có thể trả lương từng ngày cho CN”.

Đây cũng là tình cảnh chung của 200 CN phân xưởng nhuộm Công ty Sae Hwa Vina (100% vốn Hàn Quốc; huyện Củ Chi - TPHCM). Sáng 7-1, CN đến nhận lương nhưng đành thất vọng ra về vì công ty tiếp tục hẹn đến ngày 14-1. Từ đầu tháng 12-2012 đến nay, gần 200 CN phân xưởng nhuộm lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Do không có việc làm, không có lương, anh Tạ Quang Vịnh (quê Kiên Giang) và nhiều CN phải xin làm phụ hồ, giữ xe để có tiền trang trải. Công việc thời vụ không ổn định nên thu nhập rất bấp bênh. Nhìn cái bụng vợ ngày một lớn, anh Vịnh không khỏi lo lắng. “Bác sĩ nói khoảng 3 tuần nữa thì vợ tôi sinh nên tôi rất lo. Muốn đưa vợ về quê thì không biết đào đâu ra tiền. Công ty cứ hẹn hoài như vầy thì CN càng khổ” - anh Vịnh tâm sự.

Ở phòng cạnh bên, anh Huỳnh Văn Thoại cũng đang lúi húi sửa lại chiếc đầu máy cho khách hàng để kiếm thêm thu nhập mà tâm trạng rối bời. Là thợ điện chính song cả tháng nay, Thoại phải nghỉ chờ việc trông lương, ai kêu gì sửa đó.

Suốt 1 năm qua, trụ sở Công ty CP Xây dựng 6 (quận 6 - TPHCM) cũng “vắng như chùa Bà Đanh”. Cả công ty hiện chỉ còn 3 người: Giám đốc, chủ tịch Công đoàn và kế toán. Những lao động còn lại đều xin nghỉ không lương vì công ty không có hợp đồng và nợ lương nhiều tháng trời.

Bà Trần Thị Kim Vân, chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết: “Đầu tháng rồi, tôi mới được nhận ứng lương 2 triệu đồng cho tháng 4-2012. Kể từ tháng 6-2011, hơn 10 lao động của công ty chỉ được nhận ứng lương. Đến nay, công ty nợ 8 tháng lương và phần còn lại của 10 tháng lương ứng, khả năng Tết này chúng tôi cũng không có thưởng Tết. Cuối tháng 1 này, tôi đến tuổi hưu nhưng với tình hình nợ lương, nợ BHXH như vậy thì không biết làm sao để chốt sổ BHXH được”.

Bị mất việc, “giam” lương

Tết đã cận kề nhưng không khí ở khu nhà trọ CN Công ty TNHH Nông hải sản - Xây dựng - Thương mại Viễn Thắng nằm trên đường An Dương Vương, phường 13, quận 6,  thật buồn. Không ai còn có tâm trạng nghĩ đến Tết và cũng không có cơ hội ăn Tết bởi công ty đã ngưng hoạt động từ đầu tháng 7-2012.

Hơn 6 tháng qua, do không có việc làm, gần 70 CN phải chật vật tìm việc. Người may mắn thì tìm được công việc thời vụ, song số đông phải trở về quê do nợ nần chồng chất. Không có việc đã đành, đến giờ này họ vẫn chưa được thanh toán tiền lương từ tháng 12-2011 đến lúc công ty ngưng hoạt động. Cố gắng cầm cự từ tháng này qua tháng khác với hy vọng công ty sẽ trả lương, khắc phục nợ BHXH nhưng rốt cuộc họ lại tiếp tục thất vọng. Anh Ngô Chí Bình than thở do bị mất việc và bị Công ty Viễn Thắng nợ lương nên anh phải làm đủ thứ việc để kiếm sống, từ đi giao hàng đến làm bồi bàn. Vợ anh may mắn hơn khi tìm được việc làm theo hợp đồng ngắn hạn nhưng chắc chắn không có tiền thưởng Tết.

Chị Bùi Thị Kim Phượng cũng cho biết 7 năm làm ở công ty, chị không nghĩ có ngày sẽ mất việc. Mấy năm trước, khi công ty còn làm ăn khấm khá, ngoài lương cơ bản, vợ chồng chị còn được lĩnh thêm hơn 5 triệu đồng tiền thưởng. Số tiền đó đủ để mua sắm, về quê đón Tết. Còn năm nay, không chỉ mất việc mà CN còn bị công ty “giam” lương. “Do giám đốc công ty cứ hứa hẹn nên chúng tôi ráng “đeo” theo nhưng càng ngày càng mất hết hy vọng. Tết của CN như chúng tôi chỉ trông chờ vào tiền thưởng, giờ thất nghiệp, làm thời vụ lay lắt kiếm từng đồng để trang trải cuộc sống hằng ngày nên không dám nghĩ đến Tết nữa” - chị Phượng buồn bã.

Trước kia, 10 hộ gia đình được ở trọ miễn phí, nay do khó khăn, lãnh đạo công ty sang nhượng lại khu trọ cho chủ khác nên mỗi hộ gia đình phải trả thêm tiền trọ 800.000 đồng/tháng. Hiện khu trọ chỉ còn 4 hộ gia đình trụ lại để chờ công ty trả lương, các gia đình khác đã chuyển đi hoặc về quê do không tìm được công việc mới.
 

Ít cơ hội tìm việc làm mới

Nhiều CN tại các DN nói trên cho biết khó khăn lớn nhất của họ chính là tìm việc làm mới, nhất là vào thời điểm cuối năm. Một số trung tâm giới thiệu việc làm cho biết  mọi năm, nếu CN bị mất việc, không có việc làm ổn định thì có thể xin làm phụ hồ. Còn hiện nay, hầu hết các công trình xây dựng đều bị đình đốn nên kiếm việc rất khó. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng cuối năm của các DN dệt may, giày da giảm mạnh, do vậy, cơ hội tìm việc làm mới của CN mất việc là không nhiều.

Kỳ tới: Nguy cơ không có Tết

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo