xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không đầu hàng khó khăn

MAI CHI - BẠCH ĐẰNG

Càng khó khăn, họ càng quyết tâm tìm ra giải pháp khắc phục và hàng loạt sáng kiến đã ra đời trong hoàn cảnh ấy


Trong 10 gương lao động giỏi, sáng tạo đạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay, ông Trần Hạnh Phúc (51 tuổi), nhân viên Phòng Kỹ thuật - công nghệ Công ty CP Bông Bạch Tuyết, là người lớn tuổi nhất và bắt tay vào việc sáng chế muộn nhất (năm 45 tuổi). Tuy nhiên, "gừng càng già càng cay", các sáng kiến "bật" ra trong những tình huống ngặt nghèo của ông đã nhiều lần giúp đơn vị vượt khó thành công.

Cái khó ló cái khôn

Không được đào tạo bài bản song "gia tài" sáng chế, cải tiến của ông Phúc rất đáng nể. Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm ông thực hiện 2-3 sáng kiến, làm lợi cho doanh nghiệp (DN) hàng tỉ đồng. Điều đặc biệt là thời điểm ông học nghề điện công nghiệp, lập trình điều khiển PLC chưa xuất hiện song hầu hết các sáng kiến của ông đều liên quan đến hệ thống điều khiển này khiến không ít người phải trầm trồ.

Giải đáp thắc mắc này, ông Phúc từ tốn: "Năm 2000, tôi đã đăng ký học tại chức ở Trường ĐH Bách khoa TP HCM. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế và thời gian eo hẹp, tôi chỉ học được 2 năm rồi bỏ. Dù vậy, những kiến thức tích lũy được trong quá trình học đã giúp tôi có nền tảng ban đầu và từ đó học hỏi thêm qua internet, sách vở, đồng nghiệp để nâng cao".

Không đầu hàng khó khăn - Ảnh 1.

Ông Trần Hạnh Phúc bên nồi nấu tẩy bông do ông cải tiến Ảnh: MAI CHI

Không đầu hàng khó khăn - Ảnh 2.

Phan Anh Hây (đứng) trao đổi công việc với đồng nghiệp Ảnh: BẠCH ĐẰNG

Chính vốn kiến thức và kinh nghiệm ấy đã giúp ông Phúc tạo ra nhiều kỳ tích. Việc cải tiến mạch điện điều khiển máy chải sợi mà ông thực hiện năm 2011 là một trong số kỳ tích ấy. Ông kể khi đó, công ty chỉ có độc nhất máy chải sản xuất sợi cúi (dùng sản xuất bông vệ sinh tai) nhưng lại đột ngột bị hư thiết bị lập trình điều khiển PLC vào đúng thời điểm nhiều đơn hàng. Để khắc phục sự cố, DN đã liên hệ với nhà cung cấp nước ngoài mua PLC có cài sẵn chương trình. Tuy nhiên, phương án này không thể thực hiện do chi phí quá cao. Hơn nữa, để thiết bị này về đến Việt Nam thì phải mất ít nhất 40 ngày.

Trước tình thế DN buộc phải nhập sợi cúi từ nước ngoài với giá cao để kịp đơn hàng, ông Phúc đã mày mò nghiên cứu và đề xuất phương án mượn một PLC của máy chải màng cùng nhãn hiệu, cải tiến thêm mạch điện để hòa hợp với hệ thống PLC của máy. Ông còn chế tạo thêm chức năng tự động ra sợi cúi và thay thùng xếp cúi. Từ đó, máy chải sợi cúi đã hoạt động ổn định, giúp DN tiết kiệm gần 100 triệu đồng.

Nói về người thợ dày dạn kinh nghiệm của đơn vị, ông Ngô Túc Duy Tân, Bí thư Chi bộ Công ty CP Bông Bạch Tuyết, nhận xét: "Trong 29 năm anh Phúc làm việc tại đây, DN đã trải qua nhiều biến cố, thậm chí có giai đoạn phải ngưng hoạt động nhưng anh vẫn luôn đồng cam cộng khổ với DN khiến tôi rất nể phục. Anh còn luôn tìm tòi, học hỏi và đưa ra nhiều sáng kiến giúp DN tiết kiệm và vượt qua khó khăn".

Không ngừng học hỏi

Với anh Phan Anh Hây, quản lý dây chuyền khuấy trộn Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, sáng kiến lại đến từ việc phải liên tục xoay xở, giải quyết các vấn đề phát sinh trong công việc.

Tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành cơ khí, sau khi ra trường, anh Hây đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản 3 năm. Khi anh trở về Việt Nam, các kiến thức học hỏi được trong quá trình làm việc ở Nhật không có điều kiện ứng dụng do đặc thù ngành cơ khí quanh vùng không có các máy móc cần thiết. Vì vậy, anh xin vào làm công nhân cho Unilever Việt Nam tại KCN Tây Bắc Củ Chi.

"Khi xin vào Unilever Việt Nam, tôi cứ tưởng bỏ nghề rồi. Tuy nhiên, khi công ty bắt đầu đổi mới công nghệ, ứng dụng tự động hóa, tôi đã nhìn thấy cơ hội. Cuối cùng, những kiến thức về lập trình hệ thống tự động hóa đã có đất dụng võ" - anh Hây hào hứng.

Cùng sự đổi mới công nghệ của công ty, các sáng kiến của anh Hây nối tiếp nhau ra đời và được đánh giá cao. Trong đó, ý tưởng thiết kế hệ thống thu gom sản phẩm là ví dụ điển hình. Trong quá trình làm việc, sau khi máy chạy xong, sản phẩm vẫn còn lắng lại trong đường ống, nếu đưa nước vào vệ sinh thì số sản phẩm này xem như bỏ. Việc này vừa lãng phí vừa làm tăng chi phí hóa chất xử lý. Anh Hây đã nảy ra ý tưởng thu gom những sản phẩm này.

"Mất nhiều tháng mày mò suy nghĩ, báo cáo thuyết phục, cuối cùng, công ty chấp nhận đầu tư hệ thống. Lúc đầu thu hồi bằng tay, anh em công nhân vất vả và không an toàn, sau đó tôi ứng dụng công nghệ, đưa vào thu hồi tự động. Với mỗi mẻ khuấy trộn thu hồi được 130 kg, mỗi ngày bình quân 18 mẻ như vậy nên sản phẩm thu hồi được khá lớn" - anh nhớ lại.

Vừa xong sáng kiến này, anh Hây lại thấy sau khi hút hết sản phẩm ra khỏi đường ống, để chuyển qua mẻ sản phẩm khác thì phải cho nước vào vệ sinh. Mỗi lần vệ sinh như thế mất đến 36 phút. Qua nghiên cứu, nhận thấy nhiều công đoạn có thể rút bớt, anh chủ động cắt giảm, một số công đoạn khác cho chạy song song. Kết quả, thời gian vệ sinh rút ngắn còn 7 phút. Sáng kiến này được công ty nhân rộng sang nhiều bộ phận khác.

Bà Lê Thị Phương Khánh, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, đánh giá: "Điểm nổi bật của anh Hây là tác phong làm việc rất chuyên nghiệp. Công việc đòi hỏi nhiều kiến thức đa ngành, anh không ngừng tự học và học hỏi đồng nghiệp để mỗi ngày một vững vàng hơn. Bên cạnh đó, Hây còn hòa đồng và luôn hỗ trợ đồng nghiệp khi cần. Đó là điều rất đáng quý ở anh". 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo