Nhận xét về sự khác biệt của máy dập lõi Desk trước và sau khi được cải tiến, anh Võ Đức Tây, công nhân (CN) vận hành máy Công ty Cao su Thống Nhất, hào hứng: "Trước đây, khi vận hành, máy thường hư hỏng, lại chỉ có 1 khuôn nên năng suất lao động rất thấp, bình quân chỉ sản xuất được 1.500 sản phẩm/ngày. Từ khi được anh Nguyễn Vũ Đạt cải tiến, máy chạy tốt hơn, lại dập được mỗi lần 2 khuôn nên năng suất lao động tăng lên khoảng 2.200 sản phẩm/ngày. Chúng tôi làm việc hưởng lương theo sản phẩm nên khi năng suất tăng, thu nhập cũng được cải thiện".
Thổi hồn cho những cỗ máy
Máy dập lõi Desk chỉ là một trong hàng chục sáng kiến mà anh Nguyễn Vũ Đạt (31 tuổi), Phó Ban Cơ điện Công ty Cao su Thống Nhất, cống hiến cho đơn vị trong hơn 6 năm làm việc tại đây.
Sinh ra ở miền quê nghèo Quảng Ngãi, từ nhỏ, Đạt đã thích thú với những món đồ điện tử và thường mày mò khám phá. Sau khi tốt nghiệp THPT, để hiện thực hóa niềm đam mê, anh đăng ký thi vào ngành điều khiển tự động Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ra trường, Đạt từng làm việc cho một công ty ở Cần Thơ. Song, công việc ở đây đơn thuần chỉ là thi công điện công trình nên anh cảm thấy không hứng thú. Cơ hội đã đến khi anh đầu quân vào Công ty Cao su Thống Nhất năm 2011. Được đồng nghiệp và lãnh đạo hỗ trợ hết mình, anh có cơ hội phát huy năng lực và thỏa sức sáng tạo.
Anh Nguyễn Vũ Đạt (trái) kiểm tra sản phẩm bên máy dập lõi Desk vừa cải tiến
Từng là nhân viên tổ điện, làm việc tại nhà máy ở huyện Củ Chi, TP HCM, thường xuyên tiếp xúc CN và máy móc nên anh Đạt đã phát hiện nhiều bất cập. Đa số máy móc ở công ty đều có tuổi đời trên 20 năm, hay hỏng hóc, tốn điện năng, năng suất thấp và không bảo đảm an toàn lao động. Điều này khiến anh trăn trở rất nhiều và suy nghĩ phải tìm giải pháp khắc phục.
Năm 2014, Đạt tự mày mò học hỏi qua sách vở, internet rồi bắt tay vào việc cải tiến máy dập và khuôn dập cung cấp bán thành phẩm cho 2 khuôn ESP4-5. Trước khi cải tiến, cỗ máy này vận hành bằng khí nén, điều khiển bằng tay, khá nhỏ, mỗi lần chỉ ép được 1 sản phẩm với lực ép dưới 7 kg/m2 nên năng suất thấp và không an toàn cho người lao động (NLĐ). Để khắc phục tình trạng này, anh đã thay thế hệ thống vận hành máy từ khí nén sang thủy lực, có chế độ điều khiển tự động và cảm biến an toàn. Với cải tiến này, năng suất lao động đã tăng lên hơn 30%, đồng thời do lực ép của máy được nâng lên 150 kg/m2 nên máy có thể được dùng sản xuất nhiều loại sản phẩm chứ không chỉ đơn thuần một loại như trước.
Thừa thắng xông lên, từ năm 2014 đến nay, đều đều mỗi năm, Đạt cho "ra lò" 2-3 sáng kiến có giá trị, làm lợi cho đơn vị từ 20 triệu đến 1 tỉ đồng. Trong đó, đáng chú ý là sáng kiến cải tiến 4 máy lưu hóa cao su cũ thành máy lưu hóa tự động năm 2016. Anh cho biết do đã qua thời gian sử dụng khá lâu nên số máy này hay hỏng hóc, chất lượng sản phẩm không cao và NLĐ phải làm việc khá vất vả bởi dùng máy nhưng quy trình sản xuất lại rất thủ công: Đổ cao su vào khuôn, nhấn nút, đứng canh sản phẩm, lấy sản phẩm khỏi khuôn… Sau khi thiết kế lại toàn bộ hệ thống điện, thủy lực, thay hệ thống điều khiển bằng PLC, màn hình cảm ứng…, CN chỉ cần đổ cao su vào khuôn, chọn chế độ, hẹn giờ. Với những thao tác đơn giản này, thay vì mỗi người phụ trách một máy như trước đây thì nay có thể đảm đương 2-3 máy cùng lúc.
Dù đạt nhiều thành công trong quá trình sáng tạo nhưng Đạt vẫn chưa bằng lòng. Anh bộc bạch: "Máy móc tiên tiến hiện đại ngày càng nhiều nhưng kiến thức mà tôi có còn khá hạn hẹp. Tôi còn phải học tập, trau dồi nhiều hơn nữa mới có thể bắt kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật".
Sáng tạo không ngừng
Cũng đam mê ngành điện từ thuở nhỏ, lớn lên, anh Nguyễn Thanh Hiền, chuyên viên Phòng Kỹ thuật Công ty CP Thực phẩm CJ Cầu Tre, đã chọn cơ điện lạnh để theo học. Nhằm tích lũy kinh nghiệm để tạo nền tảng vững chắc trong tương lai, ngay khi trở thành sinh viên Trường ĐH Thủy sản Nha Trang (năm 1994), anh đã xin vào làm CN phụ việc cho tổ điện của công ty. Trong thời gian làm thêm này, anh đã có điều kiện làm việc trực tiếp trong các xưởng sản xuất, tiếp xúc NLĐ ở các bộ phận khác nhau. Từ đó, anh nắm bắt được ưu điểm, khuyết điểm của từng loại máy móc cũng như những khó khăn mà NLĐ gặp phải trong quá trình sản xuất.
Anh Nguyễn Thanh Hiền hướng dẫn công nhân vận hành băng chuyền chiên gia nhiệt dùng điện
Năm 2001, sau khi trở thành nhân viên chính thức của công ty, anh Hiền đã cho ra lò sáng kiến đầu tiên là "Thiết kế và thực hiện bộ điều khiển tải máy nén trục vít hiệu Gram-GST 31", giúp doanh nghiệp (DN) tiết kiệm hơn 1.500 USD. Đến nay, đều đều mỗi năm, anh cho ra đời 2-3 sáng kiến mới có tổng giá trị làm lợi cho DN hơn 1,1 tỉ đồng.
Điều đáng nói là trong các sáng kiến, anh Hiền luôn gắn liền việc làm lợi cho DN và cải thiện năng suất, điều kiện làm việc cho NLĐ. Điển hình là sáng kiến thiết kế và cải tạo băng chuyền chiên gia nhiệt bằng dầu D.O sang dùng điện. Trước đó, do máy cũ, cách nhiệt kém lại sử dụng dầu D.O nên CN phải làm việc trong môi trường nóng nực, độc hại vì mùi hôi và khí CO2 dầu thải ra. Sau khi được anh thiết kế, cải tạo băng chuyền thì các yếu tố này bị triệt tiêu. NLĐ làm việc trong môi trường mát mẻ, an toàn hơn nên năng suất lao động cũng được cải thiện đáng kể, còn DN thì tiết kiệm được hơn 20 triệu đồng tiền điện mỗi tháng.
Với mục tiêu "Cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ, giúp DN giảm chi phí sản xuất để sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá thấp nhất", anh Hiền không ngại chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cùng đồng nghiệp. Bên cạnh những sáng kiến mang đậm dấu ấn cá nhân, anh còn hỗ trợ, hướng dẫn nhân viên ở các tổ vận hành điện - nước - lò hơi - xử lý nước thải, tổ sửa chữa cơ khí, nhà máy Cầu Tre ở Lâm Đồng… tham gia các cải tiến kỹ thuật được công ty công nhận.
Ông Phạm Viết Bằng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thực phẩm CJ Cầu Tre, nhận xét: "Anh Hiền không chỉ là một chuyên viên giỏi, nói được, làm được, năng nổ, tâm huyết với nghề mà còn là người truyền cảm hứng sáng tạo cho đội ngũ CB-CNV của công ty. Đi đến đâu anh cũng khơi gợi, động viên và hỗ trợ anh em đưa ra các giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật để làm lợi cho đơn vị, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ. Chẳng hạn, đến nhà máy ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), thấy máy ép bao bì chân không rất kén bao, anh đã hỗ trợ nhân viên cải tạo để máy ép được nhiều loại bao bì khác nhau. Với những gì đã thể hiện, anh Hiền hoàn toàn xứng đáng nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay".
Bình luận (0)