Trong căn nhà nhỏ ở đường Vũ Tùng, quận Bình Thạnh, TP HCM, dù chỉ còn một cánh tay nhưng anh Trần Văn Tài (34 tuổi), nhân viên bộ phận nghiên cứu kỹ thuật Công ty TNHH Cân Nhơn Hòa, vẫn vừa có thể cho đứa con trai nhỏ ăn vừa trông chừng con gái lớn. 12 năm trước, chỉ vì bất cẩn trong lúc sửa chữa máy, anh Tài đã mất đi cánh tay phải. Tuy nhiên, cú sốc lớn về tinh thần ấy không thể quật ngã chàng trai trẻ đầy nghị lực này.
Vượt lên nỗi đau
Tốt nghiệp trung cấp cơ khí Quang Trung, năm 2002, anh Tài vào Công ty TNHH Nhơn Hòa làm ở bộ phận sản xuất. Năm 2004, khi khuôn máy dập bị hư, thay vì gọi bộ phận kỹ thuật đến sửa, anh lại muốn tự tay làm công việc này. Trong lúc Tài đang mày mò, chiếc máy dập bất ngờ hạ xuống, nghiến nát 2/3 cánh tay phải của anh.
“Khi ấy máu ra đầm đìa, tôi được anh em chở đi bệnh viện cấp cứu. Dù đã nỗ lực hết sức nhưng các bác sĩ vẫn không cứu được cánh tay của tôi. Tỉ lệ thương tật của tôi là 55%” - anh Tài kể.
Trở về nhà sau hơn nửa tháng điều trị tại bệnh viện, chàng trai 22 tuổi rất bi quan về tương lai. Mất đi cánh tay thuận, Tài gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, chưa kể sự mặc cảm, tự ti cứ ám ảnh tâm trí anh. Lúc thất vọng cùng cực nhất cũng là lúc anh nhận được sự động viên, hỗ trợ nhiệt tình từ ban giám đốc công ty, đặc biệt là ban chấp hành Công đoàn (CĐ) cơ sở.
Một năm sau tai nạn, anh trở lại công ty làm ở bộ phận nghiên cứu kỹ thuật. Để tích lũy kiến thức cho công việc mới và cũng để thử thách bản thân, năm 2006, Tài ôn thi và đậu vào Khoa Tự động hóa Trường ĐH Bách khoa
TP HCM. Ý chí vươn lên của chàng trai trẻ đã chinh phục hoàn toàn một nữ công nhân (CN) làm cùng công ty và đến năm 2010 thì 2 người nên vợ, nên chồng. Hiện họ đã có 2 cháu, lớn 4 tuổi, nhỏ 2 tuổi. Mái ấm của họ lúc nào cũng ngập tràn hạnh phúc.
Nhìn lại quãng thời gian đã qua, anh Tài bộc bạch: “Cuộc sống chỉ bế tắc khi chúng ta tự đánh mất hết niềm tin và hy vọng. Nếu biết cố gắng và quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu đã chọn thì cho dù khó khăn đến đâu, con người ta cũng có thể chiến thắng số phận”.
Sống có trách nhiệm
Rời nhà anh Tài, chúng tôi đến thăm bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, 64 tuổi, từng là CN Nhà máy Dệt Việt Thắng. Trong căn nhà nhỏ, bà cặm cụi đan sọt để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống hằng ngày.
Bà Xuyến kể năm 1981, bà còn là một cô gái vừa tròn 29 tuổi với bao ước mơ và dự định. Làm việc chăm chỉ, lại có chút nhan sắc nên bà cũng được nhiều chàng trai để ý. Trong một lần đứng máy, thấy một sợi chỉ thừa bung ra từ khung dệt, bà đưa tay lên gỡ. Hành động ấy đã khiến bà mất đi 1/3 cánh tay trái. Vụ tai nạn bất ngờ khiến bà Xuyến suy sụp về tinh thần. “Ánh mắt thương hại của người xung quanh càng khiến tôi cảm thấy bế tắc, thậm chí muốn tìm đến chết” - bà nhớ lại.
Nỗi đau nào cũng nguôi ngoai, rồi một người đàn ông đem lòng yêu và cưới bà Xuyến. Năm 1987, bà sinh được một cô con gái xinh xắn, bụ bẫm. Khi bà chưa kịp hưởng trọn niềm vui làm mẹ thì chỉ vài năm sau, người chồng bỏ nhà theo người đàn bà khác. Dù rất hụt hẫng nhưng bà vẫn tìm mọi cách để trụ vững trước khó khăn, làm chỗ dựa tinh thần cho cô con gái bé bỏng. Ai thuê gì bà cũng nhận làm, từ bưng bê, quét dọn đến bán bánh cam, bánh cồng, đan sọt, may... Chỉ với một cánh tay còn lại, bà làm quần quật từ sáng đến tối để nuôi sống 2 mẹ con.
Chính nghị lực đáng nể ấy đã giúp bà Xuyến có một cuộc sống tạm ổn định. Hiện bà sống một mình trong căn nhà nhỏ ở phường Tăng Nhơn Phú, quận 9, TP HCM. Cô con gái thì làm ở một tiệm làm tóc ở quận 7, thỉnh thoảng mới về nhà một lần. “Mỗi tháng, tôi nhận được 815.000 đồng trợ cấp và khoảng 400.000 đồng tiền công đan sọt, vừa đủ trang trải chi phí sinh hoạt” - bà cho biết.
Bà NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Những mất mát khó bù đắp
Vì chủ quan, thiếu kiến thức, nhiều người lao động phải chịu mất đi một phần thân thể do tai nạn lao động. Không chỉ là nỗi đau thể xác, họ còn phải đối diện nỗi đau về tinh thần rất khó bù đắp. Nhiều người trong số họ còn trả giá bằng tương lai và cả hạnh phúc riêng tư. Thế nhưng, điều đáng quý là họ không bao giờ chịu đầu hàng nghịch cảnh, luôn biết vượt qua nỗi đau để sống tốt, sống có ích. Mỗi năm, đúng ngày 1-5, tại Cung Văn hóa Lao động TP HCM, LĐLĐ TP đều tổ chức họp mặt, động viên các anh chị để chia sẻ một phần khó khăn, bất hạnh mà họ đã gánh chịu.
Bình luận (0)